Thứ Bảy, 14/12/2024
Nỗ lực, quyết tâm phục hồi nhanh và phát triển bền vững



Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Lê Văn Thành.

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngày 5/1, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đến nay, tròn 3 tháng sau hội nghị này, chúng ta đánh giá việc triển khai công tác năm 2022 dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Quốc hội, sự vào cuộc chủ động, tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp dưới sự điều hành của chính quyền các cấp. Chúng ta cần nhìn lại để đánh giá xem đã làm được những gì, chưa làm được gì, nguyên nhân, rút ra bài học lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành từ nay đến cuối năm 2022.

Tình hình hiện nay khác cách đây 3 tháng, đó là nổi lên vấn đề khủng hoảng, xung đột ở Ukraine, tác động toàn thế giới, trong đó có chính trị, quân sự, mối quan hệ các nước lớn, đặc biệt tác động nền kinh tế chung của thế giới, lạm phát ở các nước tác động đến Việt Nam; giá cả các mặt hàng nguyên liệu sản xuất đầu vào quan trọng như nhiên liệu, nhất là xăng dầu.

Chúng ta chưa dự báo hết được tình hình, nhưng tại hội nghị ngày 5/1, đã khái quát được nét chính, đó là khó khăn, thách thức đan xen thời cơ, thuận lợi, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Việc dự báo nắm tình hình hết sức quan trọng. Chúng ta vẫn bám sát thực tiễn, điều hành linh hoạt phù hợp tình hình như vấn đề Ukraine; trong đó đã nỗ lực đưa khoảng 1.700 người Việt Nam khỏi Ukraine một cách an toàn, bài bản, chuyên nghiệp, nhân dân hết sức phấn khởi.

Đánh giá kết quả 3 tháng đầu năm, Thủ tướng nêu rõ, lạm phát có tăng so cùng kỳ, vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng nguy cơ cao. Giá xăng dầu tăng chung mặt bằng thế giới. Chúng ta đã xử lý linh hoạt, phù hợp tình hình, có giải pháp tích cực. Vấn đề liên quan năng lượng là vấn đề lớn. Nếu tăng trưởng GDP năm nay đạt 6-6,5% thì tăng trưởng điện phải đạt trên dưới 10%.

Trong nước, những khó khăn nội tại của nền kinh tế cũng bộc lộ khi tình hình có biến động. Tình hình hoạt động vi phạm pháp luật liên quan bất động sản, đất đai, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang nổi lên. Thủ tướng đã bàn với các cơ quan chức năng tiếp tục chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát những vấn đề liên quan để lành mạnh thị trường trong điều kiện khó khăn hiện nay. Trong lúc khó khăn, tội phạm  thường nổi lên. Chính phủ đã dự báo được tình hình và chỉ đạo việc này, ngăn chặn kịp thời liên quan đất đai, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Phải thấy vấn đề này có tính quy luật của nó, để từ đó có giải pháp phù hợp.

Chúng ta triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quyết tâm phục hồi nhanh, phát triển bền vững, đang được Trung ương và địa phương triển khai tích cực. Những chỉ đạo cụ thể hóa Nghị quyết của Quốc hội đang được hình thành, đây là việc khó, do đó các cơ quan ở Trung ương đang có giải pháp kịp thời, hạn chế tối đa tác động xấu với mục tiêu cuối cùng là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô các cân đối lớn, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Các địa phương đang rà soát lại các thể chế, tiếp tục hoàn thiện thể chế theo tinh thần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Về hạ tầng, các bộ, ngành cũng đang tích cực, vào cuộc khí thế, tuy nhiên liên quan hạ tầng, việc giải ngân vốn đầu tư công, qua 3 tháng cải thiện chưa được nhiều, so cùng kỳ còn thấp hơn. Đây là bài toán đặt ra cần suy nghĩ, phải chăng do dàn trải quá không, chia cắt quá không, manh mún quá không? Vừa mất thời gian, công sức, thủ tục hành chính, giảm hiệu quả đầu tư công trong lúc cần tập trung vốn cho đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm như Nghị quyết 01 của Chính phủ; đột phá về cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việc này phải xem xét đã được chưa. Chúng ta đang tinh giản biên chế, nhưng gắn với nâng cao chất lượng, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; rà soát lại việc thực hiện Nghị quyết 01 xem thực hiện như thế nào.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, nhìn lại những kinh nghiệm đã làm vừa qua, trên cơ sở đó đánh giá khách quan, trung thực, đúng tình hình, chỉ ra nguyên nhân được và chưa được, rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra giải pháp từ nay đến cuối năm để thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 tháng 10/2021.

(nhandan.vn) 

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất