Thứ Năm, 28/11/2024
Không được để bị động, bất ngờ trước mọi diễn biến của dịch bệnh Covid-19
 
Quang cảnh cuộc họp trực tuyến. 


Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phiên họp này nhằm đánh giá lại tình hình chống dịch trong tháng 3, đề ra nhiệm vụ, biện pháp thực hiện thời gian tới. Tháng 3 vừa qua, có nhiều sự kiện mà cuối tháng 2 mà chúng ta chưa dự báo như xung đột Nga-Ukraine, tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, vấn đề lạm phát tác động Việt Nam. Ngoài công việc thường xuyên, chúng ta phải xử lý các công việc đột xuất, bất ngờ, nhất là tiến hành chống dịch Covid-19.

Tình hình dịch bệnh tháng 3 tương đối phức tạp, có lúc số ca nhiễm tăng nhanh, sau đó đã giảm, có nơi giảm sâu. Nếu không có chủng mới thì chúng ta có thể tạm yên tâm với những gì đã làm được với kinh nghiệm chống dịch 2 năm qua. Nhưng nếu có chủng mới trong khi vaccine chưa thích ứng, chống chịu được thì sẽ khó khăn, do đó hơn lúc nào hết không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Hiện nay đã có những tín hiệu tích cực, do kiểm soát được dịch bệnh, chúng ta bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh đối ngoại, mở cửa trở lại du lịch.

Chúng ta khẳng định Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ được ban hành là phù hợp tình hình, nhờ đó vừa qua tình hình kinh tế-xã hội, liên quan các nhiệm vụ trọng tâm khác được thực hiện suôn sẻ, mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, dự báo còn diễn biến khó lường, không thể yên tâm nếu không có sự chuẩn bị tốt. Do đó, chúng ta vừa phải củng cố những thành quả đã đạt được, thúc đẩy công việc thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, phù hợp tình hình; cùng với đó không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tiếp tục thúc đẩy, chuẩn bị các kịch bản có thể xảy ra để không quá bị động, bất ngờ.

Chúng ta cần thúc đẩy, phát huy những kinh nghiệm đã có, nhất là chiến lược vaccine đã thành công trong phòng, chống dịch; thay đổi các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp phòng, chống dịch; chuyển từ chính sách "Zero covid" sang kiểm soát rủi ro. Cần tăng cường năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở, vaccine. Đây là những vấn đề hết sức quan trọng.

Thủ tướng mong các đại biểu dành thời gian, tập trung trí tuệ, đóng góp về đánh giá những việc làm được, chưa làm được, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó đưa ra giải pháp thực hiện tốt, quan trọng là không được bị động, bất ngờ, lúng túng.

* Theo Bộ Y tế, về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong kiểm soát tình hình dịch Covid-19, từng bước khôi phục thị trường lao động, xuất khẩu, thu hút đầu tư; công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả; công tác an sinh xã hội được tăng cường. Các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai phổ biến, hướng dẫn thực hiện đầy đủ tinh thần thích ứng an toàn linh hoạt, phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 128/NQ-CP.

Bộ Công an chủ động cập nhật, đồng bộ giữa dữ liệu tiêm chủng, an sinh xã hội, phát huy hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản hướng dẫn phòng, chống dịch và tổ chức các hình thức học trực tiếp hoặc trực tuyến tại các cấp học phù hợp với các cấp độ dịch… Bộ Giao thông vận tải đã ban hành các quyết định và các văn bản hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không) khôi phục các hoạt động vận tải hành khách…

Tính đến ngày 6/4, 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Hiện có 2.502 xã, phường cấp độ 3 - nguy cơ cao (chiếm 23,6% số xã, phường cả nước); 211 xã, phường cấp độ 4 - nguy cơ rất cao (2%) tại 20 tỉnh, thành phố.

Về triển khai thực hiện Nghị quyết số 38/NQ-CP: Bộ Y tế và các địa phương đã triển khai các nhiệm vụ theo Nghị quyết 38/NQ-CP và đánh giá sơ bộ cho thấy phù hợp với công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới.

Đến ngày 6/4, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 230 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Với số vaccine này, Việt Nam có thể tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên đủ mũi 1, mũi 2 và mở rộng đối tượng để tiêm cho trẻ em và tiêm liều bổ sung và mũi 3 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Cả nước đã triển khai tiêm được hơn 207 triệu liều. Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 190 triệu liều, tỷ lệ bao phủ mũi 1,2 cho nhóm tuổi này lần lượt là 100%, 99,8%. Số liều tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi là hơn 17 triệu liều; tỷ lệ bao phủ mũi 1, 2 cho nhóm tuổi này lần lượt là 99,8% và 95,1%.

Đến hết quý I/2022 ước 60% người từ 18 tuổi trở lên đủ thời gian để tiêm mũi 3 (40,4 triệu người). Đến hết 31/3/2022, đã có 33,4 triệu người được tiêm mũi 3, tỷ lệ bao phủ mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên là 49% (đạt khoảng 83% số đối tượng từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm), số còn lại chưa tiêm mũi 3 vì một số lý do sau: số lượng người mắc Covid-19 tăng cao, trùng với thời điểm cần tiêm mũi 3, do đó có sự trì hoãn tiêm chủng. Một bộ phận người dân đã tiêm 2 liều vaccine sau khi mắc Covid-19 và bình phục có xu hướng không tiêm tiếp mũi 3 vì cho rằng đã có miễn dịch tự nhiên sau khi mắc bệnh.

(nhandan.vn) 

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất