Thứ Năm, 28/11/2024
Bộ Tư pháp đứng đầu Chỉ số cải cách hành chính năm 2021


Kết quả Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2021 các bộ, cơ quan ngang bộ được phân loại gồm 3 nhóm điểm: Kết quả Chỉ số CCHC trên 90%, bao gồm 3 bộ: Đứng đầu là Bộ Tư pháp, tiếp theo là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xếp thứ 3.

Kết quả Chỉ số CCHC từ trên 80% đến dưới 90%, bao gồm 13 đơn vị: Bộ Nội vụ; Bộ Ngoại giao; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Bộ Xây dựng; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo kết quả xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2021: TP. Hải Phòng lần đầu tiên bứt phá lên ngôi vị quán quân Chỉ số CCHC năm 2021, với kết quả đạt 91,80%, cao hơn 0.66% so với đơn vị xếp vị trí thứ 2 là Quảng Ninh (đạt 91,14%). TP. Đà Nẵng đã có sự trở lại ấn tượng trong tốp 5 địa phương dẫn đầu sau 2 năm vắng bóng ở nhóm này, năm 2021 đạt 90.25% xếp vị trí thứ 3/63; trong khi đó, Vĩnh Phúc lần đầu tiên lọt nhóm 5 địa phương dẫn đầu, với kết quả năm 2021 đạt 89,28%, xếp vị trí thứ 5/63.

Ngoài ra, Thừa Thiên Huế tiếp tục duy trì được thành tích cao trên bảng xếp hạng, với kết quả Chỉ số CCHC đạt 89,32%, xếp vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành phố. Đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2021 là tỉnh Kiên Giang, đạt 79,97% và là địa phương duy nhất có kết quả Chỉ số CCHC dưới 80%. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp Kiên Giang nằm trong nhóm 5 địa phương có kết quả Chỉ số CCHC thấp nhất cả nước (năm 2020, đạt 77,91%, xếp vị trí thứ 61/63).

Chỉ số về sự hài lòng phục vụ hành chính năm 2021 của các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đứng thứ 1, TP. Hải Phòng thứ 2 và tỉnh Hưng Yên xếp thứ 3.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ nêu rõ: Đây là năm đầu tiên thực hiện Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết 76/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm tập trung thực hiện nghiêm túc, tích cực, hiệu quả Nghị quyết 76/NQ-CP.

"Trên cơ sở đó, công tác CCHC đã đạt được những kết quả tích cực, tiếp tục đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đặc biệt là từng bước hiện thực hoá mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.

Nỗ lực CCHC để lại dấu ấn đậm nét trên nhiều lĩnh vực

Theo Bộ Nội vụ, năm 2021, những nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ và các ngành, các cấp đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trên nhiều lĩnh vực; hàng loạt rào cản, khó khăn và thể chế, cơ chế, chính sách và nguồn lực đã được kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ và giải quyết, nhất là những vấn đề cấp bách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh COVID-19; đóng góp quan trọng vào thành tựu kinh tế-xã hội đạt được trong năm 2021 và tiếp tục duy trì triển vọng tích cực của nền kinh tế trong năm 2022 và những năm tiếp theo, củng cố niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp vào sự lãnh đạo của Đảng và sự hiệu quả trong quản lý, điều hành của Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp.

Cùng với những đột phá quan trọng về thể chế, các cơ quan, đơn vị cũng tích cực nghiên cứu, có giải pháp đổi mới phương thức làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, quyết liệt chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước và đặc biệt là cải thiện chất lượng phục vụ nhân dân. Nhiều địa phương đã tích cực nghiên cứu, đánh giá và áp dụng, nhân rộng mô hình, sáng kiến hay về CCHC.

Các hoạt động thông tin, tuyên truyền CCHC ngày càng đa dạng, phong phú và thiết thực, truyền tải kịp thời, nhanh chóng những kết quả, chính sách mới về CCHC đến người dân, doanh nghiệp và xã hội. Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề về CCHC có nhiều đổi mới, sáng tạo về phương thức, cách thức tổ chức thực hiện để nâng cao hiệu quả và phù hợp với tình hình mới.

Công tác tổ chức triển khai xác định Chỉ số CCHC năm 2021 đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tiễn, giúp nâng cao tính khách quan, khoa học và chính xác trong đánh giá, xếp hạng.

Năm 2021, lần đầu tiên triển khai điều tra xã hội học các nhóm đối tượng phục vụ xác định Chỉ số CCHC được thực hiện trực tuyến trên phần mềm, gửi phiếu điện tử trực tiếp đến hộp thư điện tử của từng cá nhân, đối tượng khảo sát, giúp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian xử lý số liệu và nhất là nâng cao tính chính xác, khách quan, minh bạch trong triển khai.

Việc khảo sát người dân, doanh nghiệp phục vụ xác định Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính tiếp tục được triển khai bài bản, khoa học, chuyên nghiệp và hiệu quả với sự tham gia thực hiện của tổ chức khảo sát độc lập là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, có sự giám sát, phúc tra đa chiều của các cơ quan, tổ chức, như: Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ và các tổ chức chính trị-xã hội, giúp nâng cao tính khách quan, chính xác.

Kết quả Chỉ số CCHC hằng năm đã trở thành công cụ quản lý quan trọng, giúp xác định rõ ưu điểm, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ CCHC của từng bộ, tỉnh; đồng thời, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị.

Trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ vẫn còn tồn tại ở cả 3 cấp chính quyền tại hầu hết các địa phương

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như một số ít các bộ, địa phương chưa thực hiện tốt việc tự đánh giá, chấm điểm; kết quả tự chấm điểm chưa đầy đủ tài liệu kiểm chứng, số liệu đánh giá chưa đúng với thực trạng tại bộ, tỉnh; một số nội dung, nhiệm vụ cải cách TTHC chưa thực hiện tốt tại các bộ, là nguyên nhân dẫn đến kết quả Chỉ số thành phần "Cải cách TTHC" giảm đáng kể so với năm 2020 (-3,76%).

Thực tế, vẫn còn một số bộ chưa thực hiện tốt việc công bố, công khai TTHC, không hoàn thành kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC và các đối tượng được khảo sát có đánh giá chưa cao về chất lượng TTHC thuộc phạm vi quản lý của một số bộ, cơ quan.

Việc sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy bên trong các bộ, cơ quan chưa đáp ứng yêu cầu. Một số nội dung về công vụ, công chức còn hạn chế, yếu kém, như: Đánh giá về chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức; tác động của CCHC đến chất lượng công chức, viên chức của bộ

Một số địa phương xây dựng Kế hoạch CCHC chưa sát với thực tiễn, có nơi thực hiện còn hình thức, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Về cải cách thể chế, tình trạng chậm xử lý các văn bản trái pháp luật vẫn còn chậm trễ ở một số địa phương; qua khảo sát cho thấy, tính khả thi của các văn bản pháp luật vẫn tiếp tục được đánh giá thấp bởi các đối tượng lãnh đạo, quản lý. Về cải cách TTHC, vẫn tồn tại tình trạng chậm công bố, công khai và cập nhật TTHC tại một số địa phương.

Một số tỉnh, thành phố vẫn còn công khai các quy định TTHC, các mẫu đơn, tờ khai tại văn bản đã hết hiệu lực thi hành, ít nhiều đã gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi tra cứu tìm hiểu và thực hiện TTHC; tình trạng trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ vẫn còn tồn tại ở cả 3 cấp chính quyền tại hầu hết các địa phương và kéo dài trong nhiều năm, nhất là các lĩnh vực về đất đai, xây dựng, chính sách người có công.

(baochinhphu.vn) 


Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất