Thứ Tư, 8/1/2025
Thông cáo báo chí số 8 Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV
Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, ngày 01/6/2022

Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, thảo luận về nội dung sau: (1) Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; (2) Việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017. Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam để Nhân dân và cử tri cả nước quan tâm, theo dõi.

Tại phiên thảo luận đã có 50 đại biểu Quốc hội phát biểu; có 01 đại biểu Quốc hội tranh luận, tập trung chủ yếu vào những nội dung sau:

(1) Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo của các Ủy ban của Quốc hội, cho rằng: các báo cáo được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, đầy đủ và nội dung của báo cáo đã bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội; đồng thời, đánh giá mặc dù trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, cùng với những bất ổn của tình hình thế giới nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 có bước phát triển khởi sắc, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì sự ổn định, thu ngân sách nhà nước đạt khá so với dự toán, lạm phát được kiểm soát và Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Những kết quả đạt được nêu trên là rất đáng trân trọng, nhất là trong bối cảnh chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức rất khó đoán định như hiện nay.

Các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có việc giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia, các giải pháp phát triển du lịch, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng giao thông, sản xuất nông nghiệp, bình ổn giá. Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung cho ý kiến về các vấn đề như: giáo dục-đào tạo, tăng học phí, giá sách giáo khoa; việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa; vấn đề y tế; xuất khẩu lao động; bảo hiểm xã hội; giải quyết hồ sơ tồn đọng công nhận liệt sĩ, người có công, tìm kiếm xác định danh tính liệt sĩ; cơ chế, chính sách về huy động vốn, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; việc nghiên cứu khoa học-công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ; liên kết sản xuất, chế biến; giám sát, quản lý thị trường bất động sản, chứng khoán, chống thất thu thuế, tiêu cực trong đấu giá đất; chính sách hỗ trợ phục hồi du lịch, giao thông vận tải sau đại dịch…

Nhằm tiếp tục hoàn thiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ: bổ sung đánh giá tác động của việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các hoạt động kinh tế trong nước, đặc biệt đối với các doanh nghiệp; từ đó, đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn; đánh giá kỹ hơn những tồn tại, hạn chế, nêu rõ hạn chế và nguyên nhân trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; tổng kết, báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao liên quan đến nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân; ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn tới; xây dựng hệ thống các giải pháp đồng bộ từ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, thích ứng với các kịch bản, trong đó lưu ý đến giá xăng dầu và giá lương thực; có giải pháp thích hợp mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa, thị trường vốn trong nước và quốc tế; đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, nâng cao trách nhiệm bộ máy quản lý một cách thực chất, nhất là người đứng đầu; ban hành sớm các nghị định, thông tư then chốt nhằm tháo gỡ các vướng mắc nghiêm trọng của hệ thống y tế; điều chỉnh giá đối với một số mặt hàng phục vụ sản xuất… Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm hơn nữa việc phân cấp, phân quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các địa phương quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp trên theo phân cấp quản lý để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã được Quốc hội đề ra trong năm 2022 và những năm tiếp theo; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán chuyên đề về đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước cho chương trình nhiệm vụ khoa học trọng điểm và đột xuất cấp quốc gia giai đoạn 2016-2021, đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về hiệu quả đầu tư ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ giai đoạn này.

(2) Về việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với nội dung Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42 và đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định tại Nghị quyết được nêu trong Báo cáo số 174 và Tờ trình số 175 của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Các ý kiến cho rằng, Báo cáo đã đánh giá đầy đủ, toàn diện về tình hình nợ xấu và việc xử lý nợ xấu từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực. Nhiều ý kiến đồng tình và đánh giá cao những nỗ lực, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ và sự phối kết hợp vào cuộc của các bộ, ngành, cơ quan trung ương, các địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết. Các ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đánh giá tác động, phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết và đề xuất những giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước hiện nay. Các ý kiến đại biểu cũng nhất trí với chủ trương Quốc hội thông qua việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại kỳ họp này để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực thi hành; đồng thời, đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần nghiên cứu, phân tích, đánh giá các vấn đề thực tiễn đặt ra, đề xuất luật hóa quy định về xử lý nợ xấu nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đáp ứng yêu cầu khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Trong quá trình thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Thứ Tư, ngày 02/6/2022: Buổi sáng: Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về: (1) Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022. (2) Việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017; Buổi chiều: Quốc hội thảo luận ở hội trường về: (1) Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; (2) Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam./.

(quochoi.vn) 

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất