Thứ Tư, 27/11/2024
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường giám sát thực thi để khoa học, công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu
 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa và quà lưu niệm cho các đại biểu Quốc hội là nhà khoa học


Chiều ngày 13/6, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự cuộc gặp mặt của Lãnh đạo Quốc hội với các đại biểu Quốc hội Khoá XV là nhà khoa học, do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trưởng phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng và các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Mọi quyết sách của Quốc hội đều dựa trên căn cứ khoa học

Phát biểu tại cuộc gặp, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao đóng góp của các đại biểu Quốc hội là nhà khoa học vào hoạt động của Quốc hội thời gian qua. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, từ khi tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đến nay và gần đây là tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã xác định và chỉ đạo hết sức đúng đắn về vị trí, vai trò của khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong giai đoạn hiện nay, nước ta tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. 

“Để thực hiện chủ trương này, với vai trò là cơ quan lập pháp, nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội là tiếp tục hoàn thiện, đổi mới thể chế một cách mạnh mẽ, đồng bộ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất để khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo phát triển”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Theo Chủ tịch Quốc hội, khoa học và công nghệ thế giới đang phát triển hết sức mạnh mẽ, làm thay đổi nhận thức, tư duy phát triển, phương thức sản xuất của nhiều quốc gia. Trong quá trình đó, nhiều cơ hội đang mở ra đối với Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thời gian vừa qua, các nhà khoa học nước nhà nói chung và các nhà khoa học là đại biểu Quốc hội nói riêng đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển khoa học và công nghệ, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước. Về mặt thể chế, các nhà khoa học là đại biểu Quốc hội đã cùng với Quốc hội tích cực đóng góp vào việc từng bước hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ. Tại Kỳ họp thứ Ba này, Quốc hội đang thảo luận và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Các nhà khoa học, nhất là ở các trường đại học, viện nghiên cứu đang mong chờ đạo luật này khi được thông qua sẽ có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ việc thương mại hoá các kết quả nghiên cứu do Nhà nước đầu tư, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước. 

Với chức năng lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia và giám sát tối cao, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, bản thân các hoạt động, các quyết sách của Quốc hội cũng phải dựa trên cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Chính vì thế, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của Quốc hội các nhiệm kỳ trước, ngay từ đầu nhiệm kỳ Khoá XV, Đảng Đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đặc biệt coi trọng việc tham vấn chuyên gia, nhà khoa học trong các hoạt động của Quốc hội. Lần đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành quy định về việc sử dụng chuyên gia và nhà khoa học tư vấn cho Quốc hội; giao Tổng Thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội nghiên cứu để có cơ chế, hình thức tổ chức hoạt động tư vấn khoa học cho Quốc hội. Cùng với đó, Luật Tổ chức Quốc hội cũng đã quy định Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội được thành lập các Tiểu ban với 3 thành tố gồm: các đại biểu Quốc hội thuộc Hội đồng Dân tộc và Ủy ban đó; đại biểu Quốc hội là thành viên các Ủy ban khác muốn tham gia Tiểu ban và các nhà khoa học, các nhà quản lý không phải là đại biểu Quốc hội. Hiện nay, quy định về cơ chế tài chính nhằm tăng cường sử dụng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đóng góp trí tuệ cho hoạt động của Quốc hội cũng đã được ban hành.

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, tháng 12/2021, mặc dù lúc đó chưa hình thành một cơ chế tổ tư vấn hay hội đồng tư vấn khoa học cho Quốc hội nhưng khi Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn kinh tế về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội bền vững đã thu hút sự tham gia đông đảo và đóng góp trí tuệ, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nhiều lĩnh vực. Đây là căn cứ thực tiễn quan trọng để Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về một số chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch. Hay với chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội về công tác quy hoạch tại Kỳ họp này, các chuyên gia, nhà khoa học đã tham gia đóng góp rất nhiều ý kiến về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật cũng như các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay. Dự thảo Nghị quyết giám sát tối cao về công tác quy hoạch hiện chưa được trình Quốc hội thông qua nhưng qua thảo luận đã cho thấy sự đồng thuận rất cao. Chủ tịch Quốc hội ghi nhận kết quả này có sự đóng góp quan trọng của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý và các đại biểu Quốc hội là nhà khoa học. 

Đóng góp ý tưởng, sáng kiến với Quốc hội, Chính phủ nhiều hơn nữa 

Bên cạnh những thuận lợi, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ với ý kiến của các đại biểu tại cuộc gặp mặt về những khó khăn, thách thức trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện nay như: ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo còn hạn chế; nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong khoa học và công nghệ còn thiếu; việc huy động nguồn lực xã hội cho khoa học và công nghệ còn rất ít ỏi; đời sống của các nhà khoa học gặp nhiều khó khăn; việc triển khai, quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ còn có những sai sót; hiệu quả đầu tư cho khoa học và công nghệ chưa cao; thể chế khuyến khích sự ra đời và phát triển của những sản phẩm đổi mới, sáng tạo, mô hình kinh doanh mới chưa được ban hành kịp thời...

Để vượt qua những khó khăn, thách thức nêu trên, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, vai trò của các đại biểu vừa là nhà khoa học vừa là nhà lập pháp, có ý nghĩa hết sức quan trọng. Quốc hội có trách nhiệm xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, giám sát việc tổ chức thực thi để khoa học và công nghệ thực sự phát huy được vai trò là quốc sách hàng đầu của đất nước. Do đó, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các đại biểu Quốc hội là nhà khoa học cần tiếp tục có những đóng góp mạnh mẽ vào sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của nước nhà. Mỗi đại biểu cần tiếp tục phát huy tối đa khả năng của mình để cống hiến vào sự phát triển của nền khoa học và công nghệ nước nhà. Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay đang có rất nhiều vấn đề, nội dung mới, cấp thiết đang đặt ra đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, rất cần có nghiên cứu, luận giải kịp thời của các nhà khoa học, như: việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, bổ sung, hoàn thiện lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam; việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nghiên cứu, làm rõ về việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; vấn đề phát triển nền kinh tế số, xã hội số; kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh; các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng, già hóa dân số... 

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học là đại biểu Quốc hội cần quan tâm, đóng góp ý tưởng, sáng kiến của mình với Quốc hội, Chính phủ nhiều hơn nữa để xây dựng và hoàn thiện thể chế. Trong Đề án về Định hướng chương trình xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV đã được thông qua vào đầu nhiệm kỳ này có rất nhiều nhiệm vụ lập pháp quan trọng liên quan đến KH&CN như Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật Năng lượng nguyên tử; Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox)... Đây là những nhiệm vụ lập pháp có tính chuyên môn sâu, phải được soạn thảo và ban hành trên cơ sở những lập luận khoa học, tri thức chuyên ngành để phát huy tối đa tiềm lực của nền khoa học và công nghệ nước nhà, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực. 

Với vai trò là những người trực tiếp tham gia các hoạt động khoa học, vừa trực tiếp là người tham gia xây dựng thể chế, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất mong muốn các đại biểu đóng góp ý kiến để hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm phát triển mạnh mẽ đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam; khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà khoa học Việt Nam phát huy sáng tạo, tài năng, trí tuệ của mình đóng góp cho sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ nước nhà; góp phần nâng cao hơn nữa hàm lượng khoa học trong các quyết sách của Quốc hội, đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Quốc hội, thúc đẩy việc xây dựng, vận hành Quốc hội điện tử, Quốc hội số. 

Với sự tin tưởng sâu sắc vào trí tuệ, tài năng và tâm huyết của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội mong muốn dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, bằng trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, bằng trí tuệ, năng lực và kinh nghiệm của nhà khoa học, bằng ý chí, nghị lực khắc phục khó khăn của người Việt Nam, các đại biểu Quốc hội là nhà khoa học sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của nền khoa học và công nghệ nước nhà.  

(daibieunhandan.vn) 


Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất