Thứ Tư, 27/11/2024
Lan tỏa nhiều hình ảnh đẹp về Đội Công binh Việt Nam tại Abyei

Thị trấn Abyei là trung tâm của khu vực Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ), có diện tích khoảng 20 km2. Dân số khu vực này thường xuyên biến động nên ít được thống kê đầy đủ do tình hình an ninh, song ước tính khoảng 50.000 người.

Trước đây, dân số sống rải rác, nhưng nay do tình hình an ninh bất ổn, người dân các vùng lân cận đổ về sống xung quanh Phái bộ để được đảm bảo an ninh, an toàn.

Trong thị trấn, còn có một nơi gọi là khu bảo vệ thường dân, họ chạy loạn từ nơi khác về và được LHQ bố trí một khu vực riêng, có sự bảo vệ thường xuyên tránh xung đột giữa các bộ tộc.

Địa hình thị trấn Abyei tương đối bằng phẳng, hệ thống thoát nước hầu như không có nên khi mùa mưa đến là bị ngập.

Ngay từ những trận mưa đầu mùa đã làm cho toàn thị trấn bị ngập trong nước. Cùng với cuộc sống nghèo khó, hầu như không nhà nào có nhà vệ sinh, đa số là tự phát, nên dịch bệnh phát sinh lan rộng trong cộng đồng.

Trước tình hình đó, Thị trưởng thị trấn Abyei đã đề nghị Phái bộ hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân địa phương khơi thông và mở rộng hệ thống thoát nước để chống ngập cho mùa mưa này.

 

Lính công binh Việt Nam trên công trường thi công


Việc làm ý nghĩa của bộ đội Việt Nam

Mới đây, Đội Công binh số 1 của Việt Nam được Phái bộ đề xuất nhiệm vụ và gợi ý đi khảo sát tình hình thực tế trước khi chính thức giao nhiệm vụ. Ngay lập tức, Đội đã cùng với Phòng Công binh của Phái bộ tiến hành khảo sát đánh giá tình hình.

Qua khảo sát cho thấy vấn đề khó nhất của thoát nước ở khu vực này là địa hình không có độ dốc, độ cao giữa mực nước sông và các khu dân cư không chênh lệch nhiều.

Sau khảo sát, Công binh Việt Nam và Cơ quan công binh Phái bộ thống nhất sẽ dẫn thoát nước tới hai vị trí, một là khu vực hồ chứa nước của Phái bộ, hai là khu vực đầm lầy cuối thị trấn. Trước tình thế cấp bách, ngay chiều cùng ngày, Đội Công binh số 1 của Việt Nam đã triển khai 3 máy xúc, các loại xe tải tự đổ triển khai thực hiện nhiệm vụ cải tạo hệ thống kênh rạch thoát nước chống ngập cho khu vực thị trấn Abyei.

Tuy nhiên, khi đơn vị đến thực địa, người dân địa phương nhầm lực lượng Việt Nam với một nước châu Á phổ biến ở châu Phi nên rất thiếu sự hợp tác, không cho thi công, kể cả có sự can thiệp của chính quyền địa phương. Cũng không rõ từ đâu và bắt đầu từ khi nào mà người dân địa phương lại có sự ngờ vực và thiếu tin tưởng đối với lực lượng GGHB LHQ.

Theo nắm bắt, người dân nơi đây chưa bao giờ thấy sự xuất hiện của lực lượng GGHB LHQ đến giúp dân làm những công việc như thế này nên họ rất lo lắng.

Có lẽ đây là lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua, kể từ khi Phái bộ được thành lập đến nay, mới có một đơn vị GGHB LHQ đến hỗ trợ, giúp đỡ người dân địa phương nên họ nghi ngờ là chuyện hiển nhiên. Họ đã quá mệt mỏi sau những lần di tản vì những cuộc mâu thuẫn sắc tộc hay sự tranh giành về lãnh thổ và quyền lợi kinh tế trong xã hội đã tạo nên những nỗi ám ảnh không thể nào phai nhòa trong tâm trí.

Thấu hiểu những gian nan vất vả của người dân nơi đây, các chiến sĩ công binh của ta đã khéo léo, tiếp cận già làng, trưởng bản để tuyên truyền, vận động. Các anh không ngại khó khăn, đi đến từng nhà để thuyết phục, sẻ chia những khó khăn vất vả với người dân nơi đây.

Với kinh nghiệm và sự khéo léo trong công tác dân vận, bằng tình cảm chân thành của người lính Bộ đội Cụ Hồ, tuy không giỏi về ngoại ngữ và ngôn ngữ địa phương nhưng chỉ trong thời gian ngắn, các anh đã cảm hóa và nhận được sự ủng hộ tích cực từ người dân địa phương. Dường như giữa các anh với người dân bản địa đã không còn khoảng cách, không còn sự phân biệt về màu da, ngôn ngữ hay văn hóa mà thay vào đó là sự đồng cảm, yêu thương và sự cảm mến, biết ơn bộ đội Việt Nam.

Trước đây, người dân rất bàng quan với sự hiện diện của lực lượng GGHB LHQ. Ngày nay, tình cảm chân thành và những việc làm thiết thực của bộ đội Việt Nam đã làm cho người dân có thiện cảm hơn với lực lượng GGHB LHQ.

Chỉ trong 2 ngày đầu khơi thông và cải tạo dòng chảy, nước trong thị trấn đã rút. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để vấn đề, Đội Công binh Việt Nam đã cải tạo toàn bộ hệ thống mương thoát nước, cả trục chính và hệ thống các trục phụ từ trong làng kết nối liên hoàn với hy vọng, các mùa mưa tiếp theo sẽ không còn cảnh ngập lụt.

Tuy nhiên, công việc không chỉ màu hồng, nhiều khó khăn nảy sinh. Khi khơi mương rộng hơn, sâu hơn thì vấn đề đặt ra là đường vào nhà dân thế nào vì Phái bộ không cho vật liệu để làm cống qua đường. Đã giúp dân thì phải giúp tới cùng, đã làm thì phải làm đến nơi đến chốn.

Bởi vậy, Đội Công binh Việt Nam cử cán bộ đi gõ cửa cơ quan của Phái bộ để xin các ống cống cũ phế liệu, không còn sử dụng nữa về sửa chữa, gia công lại được138m cống tròn, lắp đặt được 36 cống qua đường làm đường đi cho dân. Tuy nhiên, nhu cầu lắp cống thì nhiều, mà số lượng xin được có hạn, nên Đội đã phải khắc phục bằng cách lấy các thanh gỗ, xếp bao cát lên cho dân đi.

Trong quá trình thi công, các anh đã tận mắt chứng kiến cảnh các em học sinh cấp 2, 3 phải lội bùn bì bõm trên con đường ngập lụt lầy lội để vào trường. Đội Công binh Việt Nam lại quyết tâm làm một con đường dài gần 200m vào trường để các em thoát khỏi cảnh lội nước đi học.

Để có đất tôn nền, Đội Công binh đã chủ động phối hợp với Chính quyền địa phương khảo sát nhiều nơi nhưng cũng rất khó khăn do đất ướt, do phong tục tập quán bản địa, do trình độ dân trí thấp nên họ không cho lấy đất mang đi nơi khác. Có khi lấy được vài chục xe họ lại không cho lấy nữa, lại phải chuyển vị trí lấy đất nhưng các anh vẫn kiên trì tuyên truyền vận động tìm kiếm sự hợp tác của người dân để có đất tôn nền đường và sân trường.

Sau khi con đường được hình thành thì lại thiếu đất đá Murran (đá ong), dùng làm mặt đường. Loại đá này khiến đường luôn khô ráo, không bị lầy lội trơn trượt.

Tuy nhiên, đá Murran trên địa bàn rất hiếm và đắt đỏ (65USD/m3). Đội Công binh đã xin số xi măng của Phái bộ đã bị đông cứng để rải lên làm mặt đường, tạo lối đi khô ráo, cứng cáp cho các em học sinh.

Với tinh thần đã giúp là phải giúp tới cùng, Đội bổ sung gần 100m3 đất để nâng cốt nền sân trường với diện tích trên 400m2 để tránh ngập lụt, lầy lội, làm khu vui chơi thể thao cho học sinh sau giờ học. Ngoài ra Đội Công binh còn làm tặng nhà trường 2 lò đốt rác, 3 thùng đựng rác, một bộ cột, lưới và 5 quả bóng chuyền và 6 phần quà với mong ước gieo những mầm non hòa bình trên đất Abyei.

Sau gần một tháng triển khai, Đội Công binh Việt Nam đã huy động trên 700 ngày công của cán bộ, nhân viên; đào đắp, vận chuyển trên 3.000 m3 đất; nạo vét hơn 20 km kênh mương thoát nước.

Đến nay, chương trình chống ngập thị trấn Abyei cơ bản hoàn thành, người dân đã thoát khỏi cảnh ngập lụt mỗi khi mùa mưa đến.

Nhìn hệ thống kênh mương dọc, ngang, đường sá khô ráo phẳng lì chạy theo tuyến đường trong khu dân cư, nhìn các em học sinh vui bước đến trường với những nụ cười rạng ngời, mỗi cán bộ, nhân viên Đội Công binh cũng cảm thấy vinh dự và tự hào vì công sức bỏ ra thật xứng đáng.

 

Những người lính Công binh việt Nam đã rất quen thuộc với người dân bản địa,
nhất là các em học sinh trường cấp 2, 3 Abyei.


Tình cảm của người bản địa

Giờ đây, hình ảnh của những người lính Công binh việt Nam đã rất quen thuộc với người dân bản địa, nhất là các em học sinh trường cấp 2, 3 Abyei. Đi đến đâu, các anh cũng nhận được những cái vẫy tay “Xin chào Việt Nam”, những nụ cười niềm nở, thân thiện của người dân sở tại.

Mặc dù họ còn rất nghèo khó, thậm chí không đủ ăn nhưng gặp Bộ đội Việt Nam họ lại mang nước uống, mang đồ ăn ra mời, mang ghế cho bộ đội ta ngồi.

Rất cảm mến tinh thần trách nhiệm của bộ đội Việt Nam, ông Aach Deng Biong - Thị trưởng Khu tự trị Abyei, đã đích thân mang ra tận công trường tặng bộ đội Việt Nam 2 con dê. Thấy chưa tương xứng, ông lại cho người mang đến tận doanh trại Công binh Việt Nam thêm 2 con dê nữa (loại dê to nhất của địa phương, mỗi con trên 30kg).

Thị trưởng chia sẻ, ông đã xem nhiều phim về Việt Nam, về chiến tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam nên mong muốn trong cuộc đời được gặp một người Việt Nam. Nhưng ông không ngờ có một ngày lại được gặp trực tiếp cả một đơn vị Quân đội Việt Nam ở Abyei. Đây là một vinh dự của cá nhân ông và nhân dân Abyei.

Ông mong muốn bộ đội Việt Nam ở đây lâu dài để giúp đỡ nhân dân Abyei nhiều hơn nữa.

Chưa hài lòng về món quà gửi tặng Đội Công binh Việt nam, Thị trưởng đã trực tiếp viết thư khen ngợi công lao cống hiến, hỗ trợ giúp đỡ của Bộ đội Việt Nam gửi lên Chỉ huy Phái bộ.

Tuy chưa thể mang cơm no áo ấm cho từng người dân địa phương, nhưng các anh đã mang đến cho người dân nơi đây cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ không phải nơm nớp lo sợ trước những trận mưa lớn. Các em học sinh không còn lo ngại về bộ đồng phục bị bẩn bùn đất, hay trang giấy trắng phải bỏ dở giữa chừng vì bị ngấm nước do con đường lầy lội mà các em phải đi qua để đến trường.

Mỗi một công trình được hoàn thành là một lần phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ lại được lan tỏa, một phẩm chất của sự hòa quyện giữa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, được hình thành, phát triển trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội ta.

(baoquocte.vn) 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất