Thứ Tư, 27/11/2024
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội



Tham dự tại Nhà Quốc hội có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực miền Bắc... Cùng dự còn có đại diện: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, các bộ, ngành Trung ương, các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương.

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 49 điểm cầu tại Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước với sự tham dự của Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thành ủy, Thanh tra cấp tỉnh…

Đổi mới, nâng cao hiệu quả giám sát là khâu trọng tâm, then chốt

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, tinh thần xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ đến nay là phải nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong đó phải coi việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt. Cùng với công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chú trọng chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng độ để đổi mới, tăng cường thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội với chủ trương chuẩn bị kỹ lưỡng, theo phương châm từ sớm, từ xa, huy động được tối đa trí tuệ của đại biểu Quốc hội, các cơ quan là chủ thể giám sát, đối tượng chịu sự giám sát cũng như cơ quan phối hợp, các chuyên gia trong hoạt động giám sát.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, với tinh thần đổi mới, yêu cầu đặt ra đối với công tác giám sát của Quốc hội là phải bảo đảm đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, các văn bản có liên quan và yêu cầu đổi mới hoạt động giám sát; bám sát nội dung và tiến độ để triển khai có hiệu quả chương trình, Kế hoạch giám sát; đồng thời, cần tạo sự chủ động, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong triển khai các nhiệm vụ được giao để bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí; chú trọng công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong xã hội về hoạt động và kết quả giám sát. "Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu và lựa chọn các nội dung giám sát, chuyên đề giám sát bảo đảm sát, đúng nhất, đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn hiện nay", Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết. 

Đặc biệt, trong năm 2022, trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Kết luận có ý nghĩa nền tảng cho việc tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1 kết luận và 2 nghị quyết quan trọng, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về hoạt động giám sát là: Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 ngày 3/8/2022 của Đảng đoàn Quốc hội về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND và Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội với các quy định cụ thể về cách thức, trình tự, thủ tục tiến hành giám sát văn bản quy phạm pháp luật.

Bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, thông suốt trong giám sát 

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, bên cạnh các hoạt động định kỳ như xem xét các báo cáo, giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân…, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn.

"Với đặc điểm năm giữa nhiệm kỳ, để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát và trách nhiệm của các chủ thể giám sát, các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; đồng thời, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, thông suốt trong triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023". Nhấn mạnh tinh thần này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận, đánh giá tình hình triển khai và những kết quả nổi bật cũng như phân tích, chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc, những kinh nghiệm quý, bài học hay trong triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022; các giải pháp triển khai có hiệu quả Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, trong đó tập trung vào các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quan tâm cho ý kiến về các dự thảo kế hoạch, đề cương báo cáo của các Đoàn giám sát.

Trong đó, trọng tâm là: các giải pháp tiếp tục đổi mới trong việc lựa chọn chủ đề xây dựng, phê duyệt kế hoạch, đề cương chi tiết, phương pháp tổ chức thực hiện, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác điều hòa, phối hợp hoạt động tiến hành giám sát, nhất là đối với hoạt động giám sát chuyên đề, việc khảo sát của các Đoàn giám sát, của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban tại địa phương. Các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động xem xét các báo cáo; công tác triển khai hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn năm 2023; việc tăng cường giám sát để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các giải pháp tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND. Đề xuất các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban; tăng cường hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 ngày 22/7/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

"Với tinh thần đổi mới, nhất là từ kinh nghiệm và các kết quả tích cực đã đạt được trong thời gian qua, tôi kỳ vọng Hội nghị hôm nay sẽ phát huy cao nhất được trí tuệ tập thể của các đại biểu tham dự với trách nhiệm, năng lực, bản lĩnh và kinh nghiệm thực tiễn để đề xuất các giải pháp khả thi; các cơ quan, địa phương với chức năng, nhiệm vụ được giao phát huy tinh thần trách nhiệm, phát biểu tâm huyết, trí tuệ, với mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát trong năm 2023 và những năm tiếp theo", Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói. 

Ngay sau đó, Hội nghị đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tóm tắt Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 và triển khai Chương trình giám sát năm 2023.

(daibieunhandan.vn) 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất