Thứ Tư, 27/11/2024
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An bám bản giúp dân xóa nghèo

Nậm Giải (Quế Phong) là địa phương được Bộ CHQS tỉnh Nghệ An lựa chọn làm mô hình điểm “Giúp xã biên giới thoát nghèo”. Nậm Giải là xã biên giới, một trong những xã nghèo nhất của tỉnh Nghệ An, dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Nơi đây, đường rừng núi xa xôi, hiểm trở, nhiều em học sinh phải lội bộ, băng rừng để đến lớp, vì vậy, tỷ lệ học sinh bỏ học còn khá cao.

 

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An tham gia xây dựng nông thôn mới
tại xã Nậm Giải (Quế Phong, Nghệ An)


Trước khó khăn đó, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An tham mưu với cấp trên xây dựng nhà ăn bán trú và hệ thống tắm nóng lạnh tặng Trường Tiểu học, THCS xã Nậm Giải trị giá 1,8 tỷ đồng (trích từ Quỹ “Vì người nghèo” của Bộ Quốc phòng). Công trình được khánh thành đầu năm 2021 giúp học sinh, giáo viên nhà trường giảm bớt khó khăn trên hành trình “gieo chữ” nơi vùng cao này. Chị Quang Thị Xuân, ở bản Piêng Lâng, xã Nậm Giải, cho biết: "Các con có nhà ăn bán trú khang trang và điều kiện sinh hoạt tốt hơn trước nên bà con biết ơn Bộ đội Cụ Hồ nhiều lắm".

Kỳ Sơn là huyện biên giới của tỉnh Nghệ An, điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn. Ban CHQS huyện Kỳ Sơn đã triển khai mô hình “Giúp dân no đủ, tự chủ bản làng” với mục tiêu vừa giúp bà con biên giới phát triển kinh tế kết hợp với củng cố quốc phòng, an ninh. Thượng tá Vương Đình Hạnh, Chính trị viên Ban CHQS huyện Kỳ Sơn cho biết: "Trong mô hình đó, đơn vị xác định và chọn xã Hữu Lập để kết nghĩa; ký kết các nội dung theo quy chế thỏa thuận, phối hợp, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm; giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình tổ chức các hoạt động hướng vào hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương và đơn vị".

Thực hiện mô hình, Ban CHQS huyện Kỳ Sơn giúp đỡ bản Xốp Thạng, xã Hữu Lập xây dựng bản nông thôn mới; hỗ trợ hộ nghèo, giúp đỡ các em học sinh, dân quân, tự vệ có hoàn cảnh khó khăn, phối hợp với xã làm đường nông thôn mới, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kỳ Sơn hỗ trợ cây trồng, vật nuôi cho bà con trong phát triển kinh tế; trực tiếp giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn... Vừa qua, Ban CHQS huyện Kỳ Sơn huy động lực lượng cùng cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân xã Hữu Lập thực hiện chương trình nông thôn mới, hỗ trợ 2 tấn xi măng, đổ hơn 1km đường bê tông liên thôn, liên bản thuộc bản Xốp Thạng và bản Na với gần 50 ngày công.

Hằng tháng, Ban CHQS huyện Kỳ Sơn trích một phần kinh phí để gây quỹ, vận động cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong đơn vị tự nguyện đóng góp ủng hộ với tinh thần “tiết kiệm bản thân để phần người khó”, mỗi người ủng hộ 20.000 đồng/tháng từ tiền lương của bản thân để gây quỹ thực hiện mô hình. Bên cạnh đó, đơn vị còn vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện ủng hộ về vật chất và kinh phí triển khai thực hiện. Dự kiến vào tháng 10 và tháng 11 năm nay, khi có đủ số tiền, Ban CHQS huyện Kỳ Sơn sẽ hỗ trợ giúp đỡ hai hộ gia đình ở xã Hữu Lập và xã Na Ngoi làm nhà kiên cố thay nhà tạm tranh tre.

Đáp lại những tình cảm của Ban CHQS huyện Kỳ Sơn, chính quyền và nhân dân xã Hữu Lập và bản Xốp Thạng kịp thời trao đổi thông tin liên quan đến công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã và bản, phối hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ về phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, bảo vệ an toàn các hạng mục quân sự...

Đi trên con đường bê tông mà Ban CHQS huyện Kỳ Sơn phối hợp với chính quyền, nhân dân xã Hữu Lập xây dựng, đồng chí Lô Đình Thụ, Chủ tịch UBND xã Hữu Lập chia sẻ: “Xã Hữu Lập có 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, giao thông đi lại hiểm trở, kinh tế-xã hội chưa phát triển... Đúng như tên gọi và mục tiêu của mô hình là “Giúp dân no đủ, tự chủ bản làng”, mô hình góp phần giúp đời sống đồng bào có nhiều đổi thay.

Nhiều hộ dân có điều kiện xây dựng nhà ở, học sinh tiếp sức đến trường, an ninh chính trị ổn định, tệ nạn xã hội giảm bớt, người dân một lòng tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và thêm trân quý tình cảm Bộ đội Cụ Hồ. Tin rằng, trong thời gian tới, mô hình sẽ tiếp tục phát triển sâu rộng, giúp đỡ địa phương và nhiều người dân vươn lên thoát nghèo, bà con có cuộc sống ấm no, để tình nghĩa quân dân nơi biên cương ngày càng thắm thiết, bền chặt”.

(qdnd.vn) 


Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất