Thứ Tư, 27/11/2024
Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật sáng 24/9.



Xem xét, cho ý kiến vào 7 dự án Luật, 5 dự thảo Nghị quyết

Trong thời gian diễn ra phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến vào 7 dự án Luật gồm: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự thảo Nghị quyết: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô-tô thông qua đấu giá; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuật, tỉnh Đắk Lắk; Nghị quyết ban hành Quy chế Bảo vệ bí mật nhà nước trong hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng thời, xem xét, thông qua 2 dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị và của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành một ngày để cho ý kiến về 4 dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương báo cáo của 4 cuộc giám sát trong năm 2023, trong đó có 2 cuộc giám sát tối cao của Quốc hội và 2 cuộc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu bế mạc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Tổng Thư ký, Thường vụ Quốc hội và Thường trực các Ủy ban của Quốc hội khẩn trương hoàn thành các kết luận, thông báo kết luận để chuẩn bị cho phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường kỳ tháng 10 và Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sắp tới.

Phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên

Trước đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành về mặt chủ trương ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột.

Liên quan một số nội dung cụ thể, dự thảo Nghị quyết quy định tỉnh Đắk Lắk được vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng. Phần dư nợ tăng thêm được dành để đầu tư các dự án trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.

Cho rằng vấn đề này là hợp lý, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị việc huy động phải bảo đảm nguyên tắc: phù hợp với khả năng huy động; trả nợ của ngân sách địa phương; phù hợp với khả năng hấp thụ, trên nhu cầu thực sự cần thiết và năng lực tổ chức thực hiện.

Cũng theo dự thảo Nghị quyết, tỉnh Đắk Lắk được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm định mức chi thường xuyên. Số chi tăng thêm nêu trên được bố trí chi cho các nhiệm vụ chi được phân cấp của thành phố Buôn Ma Thuột.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, đa số ý kiến nhất trí với quy định này vì thành phố Buôn Ma Thuột hiện có khoảng 16% là người dân tộc thiểu số, do những yếu tố đặc thù về diện tích, vị trí địa lý, nhu cầu chi nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng, an ninh… trên địa bàn thành phố là rất lớn. Ngoài ra, quy định trên phù hợp với tinh thần Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị, đó là “triển khai đồng bộ các chính sách bảo trợ, an sinh xã hội, bảo đảm 100% các đối tượng yếu thế được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản”.

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Buôn Ma Thuột là thủ phủ cà-phê của Tây Nguyên nhưng khâu chế biến sâu sản phẩm cà-phê vẫn còn hạn chế.

Chủ tịch Quốc hội gợi ý nên chăng có một thí điểm chính sách đặc thù khuyến khích phát triển chuỗi giá trị cà-phê ở Buôn Ma Thuột, từ nghiên cứu, chế biến sâu đến tái canh cây cà-phê…

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự thảo Nghị quyết cũng cần bổ sung một số kiến nghị chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện phát triển các lĩnh vực thế mạnh khác của thành phố Buôn Ma Thuột như Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên…

(nhandan.vn) 


Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất