|
Cán bộ công an quận Bình Thủy, Thành phố Cần Thơ tuyên truyền cho nhân dân sinh sống
ở các nhà bè khu vực Cồn Sơn trên sông Hậu về đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ
|
Công tác dân vận của lực lượng CAND trong tình hình mới được thực hiện trong bối cảch tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp, lật đổ, ly khai, chủ nghĩa khủng bố, tranh chấp lãnh thổ, biên giới, biển đảo tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi và ngày càng gay gắt hơn... Các mối đe dọa từ an ninh truyền thống và phi truyền thống tiếp tục gia tăng, đặc biệt là các dịch bệnh nguy hiểm và vấn đề an ninh mạng đang đặt ra nhiều thách thức đối với lợi ích và an ninh của nhiều quốc gia. Ở trong nước, các thế lực thù địch, phản động gia tăng các hoạt động chống phá với những thủ đoạn công khai, manh động và ngày càng nguy hiểm hơn, nhằm thực hiện bằng được chiến lược “Diễn biến hòa bình” và thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nước ta; hoạt động của các loại tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp, có sự câu kết, móc nối chặt chẽ với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Trước bối cảnh tình hình đó, lực lượng CAND luôn chủ động, từng bước đổi mới thực hiện công tác dân vận và đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa to lớn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự.
Về đổi mới lý luận công tác dân vận của lực lượng CAND: Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an thường xuyên chỉ đạo nghiên cứu, tổng kết công tác dân vận từ thực tiễn, từng bước hoàn thiện hệ thống lý luận về công tác dân vận của lực lượng CAND. Đã ban hành và tổng kết 08 năm thực hiện Quy chế số 02-QC/ĐUCA-VP ngày 09/3/2012 về Quy chế công tác dân vận của lực lượng CAND giai đoạn 2012 - 2020; ban hành và tổng kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 09/CT-BCA-V28 ngày 01/11/2016 “Về tăng cường công tác dân vận của lực lượng CAND trong tình hình mới” giai đoạn 2016 - 2021. Nhằm tiếp tục đổi mới công tác dân vận của lực lượng CAND, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký, ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCA-V05 ngày 17/12/2021 “Về đổi mới công tác dân vận của lực lượng CAND trong tình hình mới” và đặc biệt, Đảng ủy Công an Trung ương đã ký Quyết định số 239-QĐ/ĐUCA ngày 24/11/2021 về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của lực lượng CAND; đây là văn bản đầu tiên quy định về khái niệm, 09 nội dung, 07 phương thức thực hiện công tác dân vận của lực lượng CAND, làm cơ sở để thống nhất nhận thức, nhằm thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác dân vận của lực lượng CAND trong thực tiễn.
Đồng thời, Bộ Công an cũng đang tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu tham mưu để sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên, đó là “Thông tư quy định về thực hiện công tác dân vận của lực lượng CAND”; nghiên cứu xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của lực lượng CAND đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, nhằm từng bước củng cố, hoàn thiện hệ thống lý luận về công tác dân vận của lực lượng CAND, tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác dân vận của lực lượng CAND.
Về đổi mới thực hiện công tác dân vận: Trong những năm quan, công tác dân vận của lực lượng CAND luôn được quan tâm, chỉ đạo tăng cường và đổi mới về nội dung, phương thức thực hiện công tác dân vận gắn với thực tiễn từng lĩnh vực công tác công an, cụ thể là:
(1) Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an chủ động đổi mới tham mưu với Đảng, Chính phủ những chủ trương, đường lối, biện pháp lớn về công tác dân vận, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự của đất nước như: Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị định số 06/2014/NĐ-CP ngày 21/01/2014 “Về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội”; Nghị định số 42/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 quy định việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy.
(2) Phong trào thi đua “Dân vận khéo” của lực lượng CAND được phát động, đẩy mạnh thực hiện trong các giai đoạn 2009 - 2010, 2011 - 2015, 2015 - 2020, đến nay ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được xây dựng, nhân rộng trong các lĩnh vực công tác công an, lan tỏa nhiều cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện công tác dân vận của lực lượng CAND, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Công an nhiều địa phương thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề công tác dân vận; các hội thi “Dân vận khéo”, cuộc thi viết về tấm gương điển hình “Dân vận khéo”; xây dựng, thực hiện các tiêu chí đánh giá, tiêu chí chấm điểm công tác dân vận; thành lập các Ban Chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”; chủ động nghiên cứu, ban hành quy trình xây dựng mô hình “Dân vận khéo” phù hợp với từng địa phương, đơn vị và vận dụng hiệu quả công nghệ thông tin, tiện ích của mạng xã hội (Facebook, Zalo...) trong thực hiện công tác dân vận của lực lượng CAND… Xác định công tác xây dựng, duy trì, nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có vai trò quan trọng, là thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” và công tác dân vận của lực lượng CAND, ngày 15/6/2022, Bộ Công an đã ban hành Hướng dẫn số 09/HD-BCA-V05 về xây dựng mô hình “Dân vận khéo” của lực lượng CAND; đây cũng là văn bản đầu tiên, Bộ Công an ban hành hướng dẫn xây dựng mô hình “Dân vận khéo” để chỉ đạo, thực hiện thống nhất, đồng bộ trong toàn lực lượng CAND.
|
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Lào Cai tuyên truyền, vận động nhân dân
thực hiện tốt việc giữ gìn an ninh, trật tự
|
(3) Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an thường xuyên chỉ đạo lực lượng CAND các cấp tăng cường phối hợp chặt chẽ với Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các bộ, ngành các cấp trong thực hiện công tác dân vận, coi đây là nội dung đổi mới, mang tính đột phá trong thực hiện công tác dân vận của lực lượng CAND. Bộ Công an đã ký kết các chương trình, kế hoạch phối hợp thực hiện công tác dân vận, đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới với Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên và quán triệt, chỉ đạo triển khai ký kết, thực hiện trong phạm vi toàn quốc; qua đó, ngày càng phát huy vai trò quan trọng, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên từng địa bàn, lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
(4) Công tác kiện toàn về tổ chức bộ máy hoạt động luôn được Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an quan tâm, chỉ đạo tăng cường đổi mới, nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác dân vận của lực lượng CAND nói riêng và công tác công an nói chung đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Bộ Công an là một trong những cơ quan triển khai, thực hiện sớm chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đã tập trung, thống nhất đổi mới cơ cấu tổ chức theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, theo đó đã cắt giảm 06 Tổng cục, hàng chục đơn vị cấp Cục và hàng trăm đơn vị cấp Phòng; ở các địa phương, 20 Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy được sáp nhập vào Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đặc biệt, trong thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Luật CAND năm 2018 và Nghị định số 42/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ, Bộ Công an đã điều động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ từ các đơn vị thuộc cơ quan Bộ Công an tăng cường cho Công an các địa phương. Tính đến nay, Công an các địa phương đã điều động, bố trí hàng chục nghìn Công an chính quy tại 100% số xã, thị trấn trong cả nước, trung bình mỗi xã, thị trấn từ 05 Công an chính quy trở lên; bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực về công tác dân vận, bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.
(5) Trong công tác cải cách hành chính, lực lượng CAND đã triệt để ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, từng bước đổi mới, tạo chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của nền hành chính hiện đại. Thường xuyên rà soát, bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính trên các lĩnh vực như: Đăng ký hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, quản lý cư trú; cấp, quản lý chứng minh nhân dân, căn cước công dân; đăng ký quản lý phương tiện giao thông; thủ tục xuất, nhập cảnh; phòng cháy và chữa cháy... Đổi mới thực hiện và duy trì cơ chế “một cửa liên thông”, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý xuất nhập cảnh, giao thông; tăng chất lượng dịch vụ công trực tuyến, từng bước đổi mới, giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, hồ sơ. Xây dựng thành công và tổ chức thực hiện hiệu quả Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, góp phần đổi mới công tác quản lý nhà nước, cải cách triệt để các thủ tục hành chính liên quan đến công dân…; thành lập và thường xuyên kiện toàn, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động các Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong CAND…
Đổi mới công tác dân vận trong lĩnh vực cải cách hành chính và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần tạo thuận lợi cho các tổ chức và công dân, bảo đảm kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, qua đó phát huy vai trò tích cực của nhân dân trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự.
(6) Lực lượng Công an các cấp chủ động đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp vận động quần chúng nhân dân tham gia ngày càng nhiều hơn, hiệu quả hơn trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng nông thôn mới, xóm, làng, xã an toàn, đoàn kết, văn hóa; quản lý, giáo dục, giúp đỡ người vi phạm pháp luật tại phường, xã và phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội... Phát động mạnh mẽ phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên các lĩnh vực liên quan đến an ninh, trật tự; trong đó chú trọng thực hiện tại các địa bàn chiến lược, trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự. Duy trì, tổ chức các điểm “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” hằng năm, góp phần xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thực sự là ngày hội của toàn dân... Bộ Công an đang tăng cường chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn quy trình xây dựng, duy trì, nhân rộng mô hình phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để thống nhất thực hiện đối với lực lượng CAND trong thời gian tới.
Lực lượng CAND thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự, chú trọng thực hiện trong các dịp Tết Nguyên đán, các lễ hội lớn và các sự kiện trọng đại của đất nước. Các lực lượng nghiệp vụ tăng cường trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, kết hợp đồng thời với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tích cực phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội... Nhờ đổi mới công tác dân vận, vận động nhân dân, quần chúng nhân dân đã và đang cung cấp cho lực lượng CAND nhiều nguồn tin có giá trị quan trọng, giúp khám phá nhiều vụ án, vụ việc phức tạp.
(7) Lực lượng CAND thường xuyên đổi mới, thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa lực lượng Công an với nhân dân, xây dựng hình ảnh đẹp người cán bộ, chiến sĩ Công an trong lòng nhân dân, vì nhân dân phục vụ và đặc biệt, trong những năm gần đây, Bộ Công an đã tăng cường đổi mới công tác chỉ đạo, thực hiện, tập trung triển khai xây dựng nhiều căn nhà cho các hộ nghèo ở nhiều địa phương trên toàn quốc; đây là những việc làm hết sức thiết thực trong thực hiện công tác dân vận, có sức lan tỏa trong phạm vi toàn quốc.
Có thể nói, trong những năm qua, công tác dân vận của lực lượng CAND thường xuyên được đổi mới, từng bước hoàn thiện về hệ thống lý luận; ngày càng phát huy hiệu quả cao trong thực tiễn công tác của lực lượng CAND, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Để tiếp tục đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn công tác dân vận của lực lượng CAND trong tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bảo đảm an ninh, trật tự của đất nước, đòi hỏi lực lượng CAND cần tiếp tục đổi mới hơn nữa công tác dân vận nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn mới đặt ra, trước mắt tập trung thực hiện những nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp những chủ trương, đường lối, biện pháp lớn mang tính đổi mới chiến lược về công tác dân vận, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới. Tăng cường đổi mới, cụ thể hóa thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an về công tác dân vận phù hợp với từng địa bàn, lĩnh vực.
Hai là, tập trung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền chỉ đạo nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; bổ sung và hoàn thiện lý luận về công tác dân vận của lực lượng CAND.
Ba là, tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan, ban, ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản phối hợp; đổi mới ký kết và thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp 03 bên, cụ thể giữa lực lượng CAND với Ban Dân vận và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp. Trong đó, cần xác định rõ cơ chế phối hợp, phân công thực hiện nhiệm vụ cụ thể đối với từng đơn vị tham gia phối hợp.
Bốn là, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp thực hiện công tác dân vận, phát động mạnh mẽ phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, chú trọng tại những địa bàn chiến lược, trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự. Lựa chọn xây dựng, nhân rộng những mô hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực công tác công an; xây dựng những mô hình, điển hình tiêu biểu trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải ở cơ sở.
Năm là, tăng cường, đổi mới mạnh mẽ công tác dân vận của lực lượng Công an xã, thị trấn chính quy theo phương châm “Lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an” nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ngay từ đầu, từ cơ sở. Duy trì, đổi mới hiệu quả, thực chất công tác an sinh xã hội, từ thiện của lực lượng CAND.
Sáu là, đổi mới, kiện toàn tổ chức lực lượng chuyên trách thực hiện công tác dân vận thống nhất, đồng bộ ở bốn cấp Công an; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng xử lý công việc cho cán bộ, đặc biệt là số cán bộ trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm công tác. Lựa chọn, bố trí cán bộ, chiến sĩ làm việc ở những bộ phận thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, ngoài những tiêu chuẩn về kiến thức, pháp luật, trình độ, nghiệp vụ thì phải có kỹ năng làm công tác dân vận, có văn hóa ứng xử đúng mực và luôn có tinh thần trách nhiệm vì nhân dân phục vụ, luôn có ý thức xây dựng hình ảnh người cán bộ, chiến sĩ Công an trong lòng nhân dân.
Bảy là, có cơ chế, chính sách để giữ và thu hút những người có năng lực, uy tín, có kinh nghiệm làm công tác dân vận; tiếp tục quan tâm hơn nữa đến chế độ chính sách, trang thiết bị làm việc nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là đối với lực lượng chuyên trách làm công tác dân vận và Công an xã, phường, thị trấn./.
Thiếu tướng Tráng A Tủa
Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bộ Công an