Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ đã xem xét, thảo luận về: Tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) tháng 10 và 10 tháng năm 2022; tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; công tác phòng, chống dịch bệnh và một số nội dung quan trọng khác.
Các ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, phản ánh đúng thực tế với nhiều kinh nghiệm quý, bài học hay; làm rõ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và đề xuất nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực, sát thực tiễn.
Giữ vững 5 cân đối lớn và nhiều thành tựu nổi bật
Kết luận phiên họp, Thủ tướng nêu rõ, tình hình KT-XH tháng 10 và 10 tháng năm 2022 tiếp tục phục hồi, đạt kết quả tích cực trên tất cả lĩnh vực.
Dịch bệnh COVID-19 tiếp tục được kiểm soát tốt, với ca mắc, ca tử vong giảm sâu (tỷ lệ tử vong 0,38%, thấp hơn mức trung bình thế giới 1,04%).
Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 2,89%, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước 10 tháng ước đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ.
"Có người nói dự toán chưa sát. Nhưng trong bối cảnh xây dựng dự toán hiện nay, tình hình rất khó khăn, mình phải xây dựng dự toán chi thận trọng, chắc chắn, hiệu quả để bảo đảm an ninh tiền tệ, an ninh tài chính và phải bảo đảm giảm bội chi. Còn thu ngân sách tăng là điều đáng quý bởi sản xuất kinh doanh có phát triển thì mới có nguồn thu", Thủ tướng nói.
Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 616 tỷ USD, tăng 14,1%, xuất siêu đạt 9,4 tỷ USD. An ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm.
"Chúng ta không chỉ sản xuất lương thực đủ ăn mà còn xuất khẩu 45 tỷ USD, xuất khẩu gạo hơn 6 triệu tấn", Thủ tướng cho biết. "Như vậy 5 cân đối lớn của chúng ta là thu đủ chi; xuất đủ nhập; làm đủ ăn; cung cầu lao động, an ninh năng lượng được bảo đảm".
Vốn FDI thực hiện 10 tháng đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2%.Tình hình đăng ký DN khởi sắc, số DN thành lập mới và trở lại hoạt động trong 10 tháng là 178,5 nghìn, tăng 38,3% so cùng kỳ, gấp gần 1,5 lần số doanh nghiệp rút lui.
An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân tiếp tục được nâng lên (từ tháng 7/2021 đến nay, đã hỗ trợ hơn 87,5 nghìn tỷ đồng cho hơn 55,26 triệu lượt người lao động và gần 851 nghìn người sử dụng lao động). Các hoạt động văn hóa, thể thao tiếp tục diễn ra sôi động; nhiều sự kiện được tổ chức thành công, ý nghĩa.
Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai toàn diện và hiệu quả; quốc phòng, an ninh, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững.
Về các vấn đề tồn đọng kéo dài, theo Thủ tướng, tiếp tục được xử lý quyết liệt, hiệu quả như các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án thua lỗ, yếu kém.
Về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục chủ động, quyết liệt xây dựng và thực hiện, giải ngân đạt gần 66,3 nghìn tỷ đồng. Thủ tướng đã giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương với tổng số vốn 147.138 tỷ đồng cho 94 nhiệm vụ, dự án.
Về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đã ban hành 68 văn bản quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện. 52/52 địa phương hoàn thành việc giao kế hoạch vốn.
Thủ tướng cho biết, nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình KT-XH của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng năm 2022 và 2023.
Thủ tướng nêu rõ, có được kết quả nêu trên là nhờ sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; sự ủng hộ, đồng hành của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, HĐND các cấp; sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cho rằng, nước ta còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý.
Đó là sức ép về lạm phát, tỷ giá, năng lượng trong khi kinh tế thế giới có xu hướng suy giảm, một số nền kinh tế lâm vào suy thoái. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Việc triển khai một số nhiệm vụ của Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH, các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn.
Hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh chưa được xử lý triệt để. Công tác phối hợp của một số bộ, ngành có nơi, có lúc còn chưa được chặt chẽ. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cục bộ ở một số bệnh viện, địa phương chưa được xử lý dứt điểm. Dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp…
Các bộ, ngành phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả
Chỉ rõ các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh, "càng khó khăn, càng phức tạp, càng có nhiều thách thức thì chúng ta càng phải đoàn kết, thống nhất, chia sẻ lẫn nhau. Nhà nước chia sẻ với người dân, doanh nghiệp; doanh nghiệp chia sẻ với Nhà nước cùng nhau vượt qua khó khăn. Chúng ta phải đoàn kết trong ngoài, đoàn kết nội bộ, đoàn kết trên dưới và phối hợp hết sức chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương".
Về quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh, trước hết phải bám sát tình hình trên nguyên tắc xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, lấy kết quả thực tiễn làm thước đo để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp.
Thứ hai, trong lãnh đạo điều hành, không chuyển trạng thái một cách đột ngột, không điều hành một cách giật cục, tôn trọng quy luật khách quan của thị trường, gồm quy luật cung cầu và cạnh tranh.
Thứ ba, phản ứng chính sách phải kịp thời, chính xác, hiệu quả và phải phối hợp kịp thời, hiệu quả giữa các bộ, ngành.
Thứ tư, thực hiện nhất quán chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước là không hình sự hoá các quan hệ dân sự nhưng cương quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, phải bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân theo quy định của pháp luật. Bảo vệ, khuyến khích người làm đúng, người làm ăn chân chính, hiệu quả.
Thứ năm, siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Cho rằng vừa qua, có nơi, có lúc kỷ cương hành chính còn chưa nghiêm, Thủ tướng lấy ví dụ, trong điều kiện hiện nay, có nhiều vấn đề đột xuất, bất ngờ, cần phải xin ý kiến góp ý của các bộ, ngành, nên việc trả lời phải khẩn trương, bảo đảm đúng thời hạn, theo quy chế làm việc, bởi "chậm 1-2 giờ, thậm chí 1-2 ngày là mất cơ hội, có khi từ tình hình bình thường chuyển sang phức tạp hơn".
Thứ sáu, dứt khoát phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám hành động, vì lợi ích chung; tăng cường giám sát, kiểm tra.
Xử lý nghiêm việc tung tin giả, phá hoại nền kinh tế
Về nhiệm vụ giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác. Có giải pháp quyết liệt đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng, chống COVID-19 an toàn, khoa học, kịp thời, hiệu quả, nhất là tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 – 12 tuổi.
Bảo đảm chất lượng, tiến độ các đề án, nội dung trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội. Các thành viên Chính phủ, nhất là các đồng chí Bộ trưởng thuộc 4 lĩnh vực: Xây dựng, Nội Vụ, Thanh tra Chính phủ và Thông tin truyền thông và các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực thực hiện tốt công tác chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội XV, đáp ứng mong mỏi của cử tri cả nước.
Thủ tướng nêu rõ, tập trung cao chỉ đạo điều hành, phản ứng chính xác, hiệu quả, kịp thời đối với các vấn đề nảy sinh, phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo.
Từ nay đến cuối năm, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu: "Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nâng cao uy tín của đất nước".
Lưu ý một số vấn đề trong điều hành, Thủ tướng nêu rõ, điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, kịp thời, chính xác.
Tháo gỡ những cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn, hướng nguồn vốn vào các động lực cho tăng trưởng là: Tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu.
Kiểm soát chặt chẽ giá cả, nhất là mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm, xăng dầu..
Đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Rà soát, sửa ngay các nghị định, thông tư còn vướng mắc. Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, dạy các ngành đặc thù. Thúc đẩy các biện pháp tăng năng suất lao động. Hoàn thiện chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành thuộc Chính phủ.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong phát ngôn, nâng cao hiệu quả công tác thông tin truyền thông, tạo sự đồng thuận của xã hội, người dân, củng cố niềm tin của thị trường, nhà đầu tư, người dân. Cương quyết xử lý nghiêm theo pháp luật đối với tổ chức, cá nhân tung tin giả, sai sự thật nhằm phá hoại Đảng, Nhà nước, phá hoại nền kinh tế.
Chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành
Giao nhiệm cụ thể cho một số bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ động xây dựng phương án điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm chủ động, linh hoạt hiệu quả. Giữ ổn định, thúc đẩy phát triển hệ thống ngân hàng thương mại.
"Rất chia sẻ với ngành ngân hàng trong bối cảnh thế giới hiện nay lạm phát, tỷ giá, lãi suất tăng cao. Ba vấn đề này cùng với suy giảm kinh tế thế giới sẽ tác động, gây ra nhiều khó khăn cho chính sách tiền tệ", Thủ tướng nói.
Bộ Tài chính kiểm soát tốt chi ngân sách, đẩy mạnh tiết kiệm chi. Nghiên cứu sửa đổi Nghị định về trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với tình hình.
Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ, thực hiện quyết liệt các giải pháp tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, phấn đấu bảo đảm thặng dư thương mại bền vững.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Bộ GTVT phấn đấu khởi công 12 dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2 (2021-2025) vào cuối năm nay cũng như thông xe 4 tuyến cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 (2017-2020).
Bộ Y tế phải khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế.
Bộ Khoa học và Công nghệ phân tích, đánh giá kỹ việc thực hiện mục tiêu tăng năng suất lao động, đề ra giải pháp cụ thể.
"Các bộ, ngành, địa phương chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành trong lĩnh vực được phân công quản lý", Thủ tướng nêu rõ.
(baochinhphu.vn)