Thứ Tư, 27/11/2024
Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi): Gỡ nút thắt xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

Quang cảnh phiên họp


Phát triển nhà ở cho người nghèo

Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm tháo gỡ nút thắt về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Tiếp tục Phiên họp thứ 21 chiều ngày 17/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật quan trọng này.

Theo Tờ trình dự án Luật do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày, việc sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường. Sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 nhằm tháo gỡ các tồn tại, hạn chế; đồng thời bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi) với các luật khác có liên quan.

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong quản lý, phát triển nhà ở, phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở trong thực hiện chính sách, pháp luật về nhà ở; hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm khắc phục hạn chế, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, bổ sung các vấn đề mới nảy sinh; luật hóa các quy định dưới luật đã được thực tiễn khẳng định phù hợp; hoàn thiện các quy định, chế tài để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật về nhà ở; bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định khác của pháp luật có liên quan như pháp luật về đất đai, đầu tư công, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, quy hoạch đô thị…

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý, tiến độ gửi hồ sơ dự án Luật còn chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng thẩm tra của Thường trực Ủy ban Pháp luật và sự tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Giải trình đầy đủ, bảo đảm tính pháp lý

Liên quan đến chính sách phát triển nhà ở xã hội, trong đó có quy định về bố trí đất xây dựng nhà ở xã hội, theo quy định hiện hành, việc bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh và chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2 ha trở lên tại các đô thị loại đặc biệt và loại I và từ 5ha trở lên tại các đô thị loại II và loại III phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ.

Tuy nhiên, thực tiễn vừa qua đã cho thấy, quy định trên có nhiều bất cập, trong đó có việc hầu hết các địa phương chỉ quy hoạch, bố trí quỹ đất, xác định diện tích đất ở dành để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị; không bố trí quỹ đất độc lập để phát triển nhà ở xã hội.

Trong lần sửa đổi này, Chính phủ đề nghị quy định rõ tại khoản 1, Điều 80 của dự thảo Luật việc bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh. Đồng thời, bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 80 theo hướng UBND tỉnh có trách nhiệm báo cáo HĐND cùng cấp xem xét, quyết định việc dành một tỷ lệ nhất định tiền sử dụng đất thu từ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để thực hiện công tác đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có) và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Luật nhằm nâng cao trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc quy hoạch, bố trí quỹ đất làm nhà ở xã hội ngay từ khâu lập và phê duyệt quy hoạch liên quan đến nhà ở, góp phần giảm bớt chi phí lập, điều chỉnh quy hoạch, chi phí quản lý quy hoạch đô thị, khuyến khích đầu tư vào các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị nói chung và nhà ở xã hội nói riêng; khắc phục tình trạng chia nhỏ dự án dưới 10ha để trốn tránh nghĩa vụ dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội....

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cơ bản tán thành với phương án của Chính phủ, nhưng đề nghị, nên thay đổi phương thức thực hiện. Theo đó, nếu Luật hiện hành quy định mỗi dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất để làm nhà ở xã hội thì có thể sửa đổi theo hướng dành số tiền tương đương 20% giá trị tiền sử dụng đất thương phẩm của dự án để nộp cho chính quyền địa phương làm Quỹ phát triển nhà ở xã hội. Từ đó, chính quyền địa phương có thể quy hoạch làm dự án khu nhà ở xã hội riêng biệt, hiện đại, khang trang hơn. Cách thức này sẽ thuận lợi hơn trong thực tiễn triển khai chính sách phát triển nhà ở xã hội. "Mục tiêu vẫn như thế, cách thức, nghĩa vụ đóng góp vẫn như thế, chỉ thay đổi cách làm. Ban soạn thảo nên nghiên cứu thêm phương thức thực hiện này”, Chủ tịch Quốc hội nói. 

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 81 và Khoản 3, Điều 89 dự thảo Luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân. Đây là quy định mới so với Luật Nhà ở hiện hành. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trách nhiệm xây dựng nhà ở xã hội là trách nhiệm của Nhà nước, của chính quyền địa phương. Nếu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quỹ đất riêng, phù hợp với quy hoạch thì được quyền đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, quy định này phải phù hợp với pháp luật về công đoàn, đấu thầu và các pháp luật khác có liên quan.

Đồng tình với quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, quy định này là rất cần thiết, góp phần rất quan trọng tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn, vướng mắc trong mấy năm vừa qua về giải quyết nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, đây cũng là giải pháp để công nhân gắn bó hơn với tổ chức Công đoàn. Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đề nghị cơ quan ban soạn thảo cần có giải trình đầy đủ để bảo đảm tính pháp lý cho đề xuất này. 

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, dự thảo Luật đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Năm, tuy nhiên, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện dự án Luật trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân. Các nội dung lớn của dự án Luật cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật, dự thảo luật có liên quan, phù hợp với Nghị quyết số 18 của Trung ương về đất đai, Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về quản lý, phát triển đô thị.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Giá (sửa đổi), dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)... để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. 

(daibieunhandan.vn) 


Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất