Thứ Bảy, 4/1/2025
Luật Đất đai phải đồng bộ, thống nhất với các luật, lĩnh vực chuyên ngành


Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải lắng nghe, xác định những vấn đề chưa được tiếp thu đầy đủ theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; những điểm mới từ đòi hỏi của thực tiễn; những vướng mắc, bất cập, tồn tại chưa được tháo gỡ, khắc phục đầy đủ.

Tạo thêm động lực, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí đã tổ chức khoa học, bài bản, thực chất và trách nhiệm để việc lấy ý kiến nhân dân thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực đất đai, qua đó, phát huy đầy đủ trí tuệ của nhân dân, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương.

Đặc biệt là các tầng lớp nhân dân đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với hơn 10 triệu lượt ý kiến tham gia được gửi về cơ quan soạn thảo.

Cơ quan soạn thảo đã tổng hợp, tiếp thu các nhóm ý kiến một cách cầu thị, xây dựng, khoa học để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, cho ý kiến.

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo trao đổi cụ thể về những nhóm vấn đề quan trọng, được các bộ, ngành, địa phương, nhân dân quan tâm nhất đã được cơ quan soạn thảo tổng hợp, tiếp thu như thế nào.

"Ngoài việc thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, dự thảo luật cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Đất đai năm 2013, cũng như khắc phục tình trạng giao thoa, chồng chéo, xung đột với các luật khác; thể chế hoá những quy định để tạo thêm động lực, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai", Phó Thủ tướng lưu ý.

Tiếp thu đầy đủ các ý kiến nhưng không "đẽo cày giữa đường".

Đại diện cơ quan soạn thảo, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, dự thảo luật hoàn thiện sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân có 16 chương, 242 điều, trong đó bổ sung mới 17 điều, bỏ 11 điều và tăng 1 mục so với dự thảo xin ý kiến nhân dân.

Một số nội dung lớn được nhiều ý kiến góp ý tập trung vào nhóm vấn đề về: Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; địa giới hành chính; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính đất đai, giá đất; chế độ, quản lý sử dụng các loại đất; giải quyết tranh chấp, khiếu nại…

Đáng chú ý, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, trong quá trình tiếp thu, còn một số vấn đề còn ý kiến khác nhau như quyền thuê trong hợp đồng thuê đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm; thu hồi đất trong trường hợp người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính; các trường hợp cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất; hỗ trợ cho đối tượng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp…

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có liên quan tới 22 luật, nhiều văn bản pháp lý, vì vậy, cơ quan soạn thảo cần rà soát, bổ sung nội dung liên quan đang thực hiện theo quy định của các luật hiện hành (Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư,…).

Để bảo đảm tính khả thi của Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua, lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng kiến nghị đưa những nội dung, quy định mới vào các dự án luật đang được xây dựng, soạn thảo theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; hoặc thực hiện 1 luật sửa nhiều luật đối với những luật chưa có kế hoạch bổ sung, sửa đổi.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là sản phẩm trí tuệ của các tầng lớp nhân dân, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp… Việc tiếp thu ý kiến đóng góp vào nội dung dự thảo luật phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong toàn bộ dự án luật, bám sát thực tiễn và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, không "đẽo cày giữa đường".

Cơ quan soạn thảo phải nỗ lực rất cao, rất cụ thể, bảo đảm về tiến độ thời gian, tính chính xác khi tổng hợp, tiếp thu những nhóm vấn đề được bộ, ngành, địa phương, nhân dân quan tâm, đóng góp ý kiến.

Tạo yên tâm cho người dân, doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng kiến nghị cơ quan soạn thảo cập nhật các văn bản pháp lý liên quan đến đất quốc phòng, an ninh vào dự thảo luật để phù hợp với thực tiễn và thẩm quyền sử dụng; tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng an ninh.

Từ thực tế "10 ý kiến có tới 8 ý kiến quan tâm đến thu hồi đất", Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho rằng dự thảo luật quy định danh mục các loại đất thu hồi càng cụ thể càng dễ áp dụng, vừa an dân, giữ ổn định xã hội, vừa đáp ứng được quy định của Hiến pháp về quyền sử dụng đất của người dân.

Chung ý kiến này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động đầu tư và môi trường đầu tư kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề cho thuê đất, thu hồi đất, tại các khu công nghiệp, khu kinh tế… "Các quy định về đất đai phải tạo yên tâm cho doanh nghiệp đầu tư, triển khai dự án sản xuất, kinh doanh. Luật Đất đai (sửa đổi) cũng cần có cơ chế khả thi nhằm thu hút hiệu quả nguồn lực đầu tư nước ngoài", Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho rằng hai vấn đề người dân rất quan tâm là phương pháp định giá đất, đây là nút thắt trong thu hồi, bồi thường, tái định cư; vai trò của chính quyền cấp xã trong quản lý, sử dụng đất. Các quy định trong dự thảo luật về hai vấn đề này đã được tiếp thu, hoàn thiện đầy đủ, khoa học, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng đề nghị cần có đánh giá tác động về bình đẳng giới khi triển khai Luật Đất đai (sửa đổi); chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động nhiều tuổi khi chuyển đổi đất đai.

Lãnh đạo các bộ KH&CN, GD&ĐT, VH-TT&DL cũng đóng góp ý kiến cụ thể về các quy định điều chỉnh hoạt động quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai của đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, văn hoá, du lịch, giáo dục…

Phải thể hiện được "hồn cốt" của các luật, lĩnh vực chuyên ngành

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị cơ quan soạn thảo tổng hợp, thống kê chính xác số lượng ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); xác định mức độ quan tâm của người dân, xã hội đối với từng nhóm vấn đề, thể hiện qua số lượng ý kiến đóng góp.

Đơn cử như những chính sách, chủ trương đặt ra trong Nghị quyết 18-NQ/TW; những vấn đề mới mẻ, xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn; những nhóm vấn đề vẫn còn vướng mắc.

Trong tiếp thu các ý kiến đóng góp, Phó Thủ tướng đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị chuyên môn để "tham chiếu" vào từng điều, mục cụ thể trong dự thảo luật, "thể hiện được "hồn cốt" của các luật chuyên ngành, đồng bộ, thống nhất trong từng lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành".

Phó Thủ tướng cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục tiếp thu một số ý kiến được nêu tại cuộc họp như quy định phân loại đất công, đất an ninh - quốc phòng đi kèm theo cơ chế, chính sách phù hợp để đơn giản hoá thủ tục hành chính; chính sách tiếp cận đất đai đối với người nước ngoài nhằm huy động, thu hút các nhà đầu tư lớn mà không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, bảo đảm bình đẳng của doanh nghiệp; cơ chế cho thuê đất, trả tiền hàng năm hoặc trả tiền một lần; có đánh giá tác động của các quy định mới trong dự thảo luật…

"Cơ quan soạn thảo phải lắng nghe, xác định những vấn đề chưa được tiếp thu đầy đủ theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW; những điểm mới từ đòi hỏi của thực tiễn; những vướng mắc, bất cập, tồn tại chưa được tháo gỡ, khắc phục đầy đủ", Phó Thủ tướng nói và yêu cầu cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để có phương án sửa đổi, bổ sung đồng bộ, thống nhất các luật, văn bản pháp lý có liên quan đến Luật Đất đai (sửa đổi).

(baochinhphu.vn) 


Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất