Thảo luận tập trung, nâng cao chất lượng các dự án luật
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội khóa XV đã xem xét thông qua 16 dự án luật, 21 Nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật với sự thống nhất và đồng thuận rất cao. Đây là kết quả của sự lãnh đạo sát sao, kịp thời của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, từ xa, khẩn trương của các cơ quan hữu quan, nhất là các cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội, cũng như sự đóng góp tích cực, trách nhiệm, tâm huyết, hiệu quả của các đại biểu Quốc hội nói chung và đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nói riêng.
Nêu rõ, hầu như trước mỗi kỳ họp Quốc hội đều có Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây là cố gắng, nỗ lực rất lớn của các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đặc biệt là của các đại biểu Quốc hội chuyên trách dù ở Trung ương hay ở địa phương. "Theo đánh giá chung của Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Hội nghị này có chất lượng rất cao và kết quả rất tốt, lắng nghe được nhiều ý kiến sâu sắc và tâm huyết của các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách", Chủ tịch Quốc hội nói.
Tại Kỳ họp thứ Năm sắp tới, công tác lập pháp là một nhiệm vụ trọng tâm, với việc xem xét, cho ý kiến và thông qua nhiều dự án luật lớn, quan trọng. Dự kiến, số lượng dự án luật trình xem xét thông qua hoặc xem xét cho ý kiến lần đầu ít nhất là gấp đôi so với các kỳ họp khác, bởi số lượng dự án luật do yêu cầu bức thiết của thực tiễn đưa vào dự kiến chương trình là rất lớn.
Trên tinh thần đó, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ ba của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các đại biểu tập trung vào 7 dự án luật, gồm: dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi); dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); dự án Luật Giá (sửa đổi); dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); dự án Luật Phòng thủ dân sự; dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Về 6 dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Năm, Chủ tịch Quốc hội cho biết, ngay sau Kỳ họp thứ Tư, các cơ quan chủ trì soạn thảo và chủ trì thẩm tra đã làm việc rất tích cực, tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu chuyên sâu, lấy ý kiến thêm các đối tượng bị tác động... "Và hầu như không có sự phân biệt vai giữa cơ quan chủ trì với cơ quan thẩm tra mà thực chất là 2 trong 1, phối hợp rất chặt chẽ". Tại Phiên họp thứ 20 và 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua cũng đã cho ý kiến kỹ lưỡng đối với 6 dự án luật, nhất là những vấn đề lớn, quan trọng hoặc những vấn đề mà còn có ý kiến khác nhau. Cho đến nay về cơ bản những vấn đề lớn đã được cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra cân nhắc kỹ lưỡng và thống nhất.
Với tinh thần này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ báo cáo với đại biểu Quốc hội chuyên trách về một số vấn đề trọng tâm của 6 dự án luật, đó là những vấn đề quan trọng, nằm trong những chính sách lớn; các vấn đề vẫn còn cân nhắc, có ý kiến này, ý kiến khác. Do đó, các đại biểu Quốc hội chuyên trách cần thảo luận một cách tập trung. Việc tổ chức Hội nghị một mặt là nâng cao được chất lượng của các dự án luật, mặt khác là rút được ngắn được thời gian của kỳ họp chính thức. Thực tế với cách làm như thế này từ trước đến nay thì đã tiết kiệm được thời gian và nâng cao được chất lượng các dự án luật, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Đối với 6 dự án luật trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội chuyên trách hôm nay, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định có họp cho ý kiến tiếp hay không; nếu vẫn còn những vấn đề khác nhau, những vấn đề cần phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo và thống nhất cao giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định trong Phiên họp lần thứ 22 và Phiên họp về chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng này để xem xét, cho ý kiến.
Khoảng 11,5 triệu lượt ý kiến góp ý với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Theo chương trình, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần hai tại Kỳ họp thứ Năm tới.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian qua việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật này theo Nghị quyết 671 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được thực hiện nghiêm túc, nhận được sự hưởng ứng tích cực, rộng khắp của các cơ quan, tổ chức, các tầng lớp nhân dân. Thống kê sơ bộ cho thấy, đến nay có khoảng 11,5 triệu lượt ý kiến góp ý, trong đó nhiều cơ quan, tổ chức, học viện... có tổ chức nghiên cứu rất bài bản. Tại hội nghị này, dự kiến cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ báo cáo với đại biểu Quốc hội chuyên trách tóm tắt một số vấn đề lớn cần xin ý kiến.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, hiện Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa họp, chưa cho ý kiến với dự án Luật này. Do đó, tại Hội nghị, căn cứ vào kết quả lấy ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng này. Nếu trường hợp chuẩn bị chưa kịp, chưa đầy đủ, thì có thể tổ chức một phiên họp riêng để tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Năm, bảo đảm làm một cách kỹ lưỡng.
Với tinh thần thận trọng và cầu thị, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, thể hiện rõ quan điểm với các nhóm nội dung trọng tâm. Đó là quyền và trách nhiệm của Nhà nước, của công dân đối với đất đai; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Cùng với đó là các vấn đề về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính đất đai và giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; giải quyết các tranh chấp, khiếu nại về đất đai; nguyên tắc áp dụng pháp luật và sự bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa dự án Luật với các dự án luật có liên quan.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các đại biểu Quốc hội chuyên trách nêu cao tinh thần trách nhiệm, tham dự đầy đủ các phiên họp, thể hiện rõ vai trò cầu nối giữa lý luận với thực tiễn, giữa tâm tư, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân với các quyết sách trình Quốc hội xem xét và thông qua. Nghiên cứu kỹ lưỡng trao đổi, tranh luận, phản biện với các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nhằm đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc với các dự thảo Luật.
(daibieunhandan.vn)