Thứ Hai, 7/10/2024
Bắc Ninh: Tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, tạo đồng thuận xã hội

Với sự đồng thuận của người dân, Dự án mở rộng cầu Như Nguyệt (Quốc lộ Hà Nội - Lạng Sơn)
đoạn qua địa phận phường Đáp Cầu (thành phố Bắc Ninh) được triển khai xây dựng.


Dự án mở rộng cầu Như Nguyệt (Quốc lộ Hà Nội - Lạng Sơn) là dự án giao thông trọng điểm có ý nghĩa to lớn góp phần thúc đẩy kết nối giao thông, kinh tế hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và các tỉnh lân cận. Để thực hiện dự án, thành phố Bắc Ninh thực hiện thu hồi hơn 10.600 m2 đất (thuộc địa phận phường Đáp Cầu). Trong đó, đất giao thông hơn 1.500 m2, đất ở đô thị hơn 1.100 m2 của 16 hộ và đất nông nghiệp hơn 7.999 m2 của 132 hộ. Nhằm sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, thành phố Bắc Ninh phối hợp với phường Đáp Cầu thực hiện thông tin công khai, minh bạch quy hoạch, diện tích dự án, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng… để các tầng lớp nhân dân hiểu, nắm rõ. Đa số nhân dân đồng thuận, tuy nhiên một số người dân còn còn băn khoăn về đơn giá bồi thường đất ở đô thị, hỗ trợ tái định cư. Tháng 3-2022, thành phố Bắc Ninh có quyết định về việc phê duyệt dự án bồi thường hỗ trợ đất nông nghiệp và đã chi trả toàn bộ kinh phí bồi thường cho 132/132 hộ dân.

Đồng chí Hạ Thế Long, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Đáp Cầu cho biết: “Đối với 16 hộ dân có đất thổ cư chưa đồng thuận về chính sách bồi thường, phường Đáp Cầu thành lập các tổ tuyên truyền, vận động, phân tích cặn kẽ về những lợi ích khi triển khai dự án, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Lãnh đạo chủ chốt thành phố, phường tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại với các hộ có đất thu hồi, lắng nghe, giải quyết những thắc mắc, kiến nghị. Nhờ đó, đến đầu tháng 2/2023, 16/16 hộ dân nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng cho nhà nước”.

Là một trong những hộ cuối cùng nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng, ông Nguyễn Văn Hải, khu phố 5, chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi chưa đồng tình với chủ trương giải phóng mặt bằng, mở rộng cầu Như Nguyệt là do giá đền bù còn thấp và do tôi làm vận tải đường thủy cần ở vị trí gần sông, nếu chuyển qua ở chỗ khác sẽ không thuận lợi cho công việc. Được sự động viên, tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương và hiểu rõ được mục tiêu xây dựng, mở rộng cầu góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của đất nước, gia đình tôi đã nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng để triển khai dự án”.

Từ năm 2022 đến nay, thị trấn Thứa (huyện Lương Tài) tổ chức 4 cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân. Lãnh đạo Đảng ủy thị trấn duy trì việc tiếp công dân vào ngày 15 và 25 hằng tháng, Chủ tịch UBND thị trấn tiếp công dân vào thứ Năm hàng tuần. Qua tiếp xúc, đối thoại nhiều vấn đề bức xúc trong nhân dân được giải quyết kịp thời, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Điển hình, cuối năm 2022 nhiều hộ dân thôn Đông Hương có đơn thư phản ánh về tình trạng một số hộ dân lấn chiếm ao Đình. Đồng chí Phạm Thị Vẻ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn cho biết: “Trước tình hình đó, thị trấn tổ chức đối thoại với nhân dân thôn Đông Hương. Tại các cuộc đối thoại cùng với việc lắng nghe ý kiến, kiến nghị và giải đáp những băn khoăn trong nhân dân; lãnh đạo thị trấn tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai. Nhờ đó đến nay, 3/3 hộ dân tự nguyện nạo vét, tháo dỡ, trả lại phần đất lấn chiếm cho địa phương”.

Thực hiện Quy định 819-QĐ/TU, ngày 8/7/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Quy định lãnh đạo các cấp thực hiện đối thoại trực tiếp với nhân dân”, cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở duy trì thường xuyên công tác tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, qua đó góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong nhân dân ngay từ cơ sở, hạn chế tình trạng đơn thư, khiếu kiện vượt cấp. Trong năm 2022, toàn tỉnh tổ chức 416 hội nghị đối thoại trực tiếp với nhân dân, có hơn 30.000 lượt người tham gia phản ánh, kiến nghị về các vấn đề: Công tác quản lý đất đai; nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới; bảo vệ môi trường; bồi thường giải phóng mặt bằng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; an ninh và trật tự an toàn xã hội; chế độ chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo;… Đa số các ý kiến, kiến nghị của nhân dân được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trực tiếp trả lời hoặc chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan chức năng trả lời, giải quyết làm rõ tại hội nghị; các ý kiến không thuộc thẩm quyền được tổng hợp, gửi đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo quy định. Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh duy trì nền nếp, hiệu quả hoạt động tiếp công dân. Toàn tỉnh tiếp 2.936 lượt công dân, tiếp nhận 3.707 đơn thư các loại; tỷ lệ đơn thuộc thẩm quyền đã giải quyết xong đạt 86,2%, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Có thể khẳng định, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân là một trong những cách tiến hành “dân vận khéo” linh hoạt, góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc trong nhân dân, đồng thời tăng cường sự đồng thuận của người dân vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị vững mạnh.

(baobacninh.com.vn) 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác