Thứ Ba, 7/5/2024
Huyền thoại của sự hy sinh

 

Sáng 25/7, điện thoại người viết đổ chuông và đầu dây bên kia là ông Trần Xuân Anh, Bí thư Huyện ủy Triệu Phong. Ông Xuân Anh cho biết, ông đang cùng một số lãnh đạo huyện đến thăm các gia đình chính sách trên địa bàn nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7), nhưng đã phải đứng khựng lại trước tấm bia đặt trong 1 nghĩa trang gia đình ở thôn Linh An (xã Triệu Trạch). Ở đó, ngoài khắc tên Mẹ VNAH Lê Thị Hẹ thì còn khắc 14 cái tên khác, đều là con cháu Mẹ Hẹ và cũng là Mẹ VNAH, liệt sĩ. "Có lẽ ở tỉnh Quảng Trị này, hay trên đất nước này, không có nhiều những gia đình như vậy", ông Anh chia sẻ với giọng đầy xúc cảm.


 NTLS Quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị) những ngày tháng 7

Đại gia đình Mẹ VNAH, liệt sĩ

Theo chỉ dẫn của ông Anh, chúng tôi về thôn Linh An vào giữa trưa. Ngôi nhà lưu niệm của Mẹ Hẹ và cháu con có vẻ như ấm cúng hơn vào những ngày này vì được đón nhiều đoàn khách tới lui thăm viếng. Gian thờ chính giữa rất sạch sẽ, gọn gàng nhưng đơn sơ vì chẳng có một di ảnh nào. Chị Lê Thị Đẳng (cháu nội của Mẹ Hẹ) bảo rằng thời chiến tranh khốc liệt ấy, lấy đâu ra một tấm ảnh (?). Trái lại, chỉ cần ngước mặt lên, có thể thấy những tấm bằng truy tặng danh hiệu Mẹ VNAH, Huân chương Độc lập, Tổ quốc ghi công… treo kín.

Ngoài Mẹ Hẹ, đại gia đình cách mạng này có 4 Mẹ VNAH khác gồm: Mẹ Lê Thị Xá (con dâu), Mẹ Nguyễn Thị Con (con dâu); Mẹ VNAH, liệt sĩ Nguyễn Thị Xân (con dâu) và Mẹ VNAH, liệt sĩ Lê Thị Con (con gái). 9 liệt sĩ khác gồm: liệt sĩ Lê Công Lạp (con trai), liệt sĩ Lê Đình Trầm (con rể), liệt sĩ Lê Công Đổng (cháu nội), liệt sĩ Lê Công Hùng (cháu nội), liệt sĩ Lê Công Lạc (cháu nội), liệt sĩ Lê Công Điến (cháu nội), liệt sĩ Trần Thị Dẫn (cháu nội dâu), liệt sĩ Lê Đình Thiêm (cháu ngoại), liệt sĩ Lê Phổ (cháu ngoại). 


 Khu nhà thờ của gia đình Mẹ Hẹ rất đỗi khiêm nhường

Chưa hết, Mẹ Hẹ còn có em dâu là Nguyễn Thị Cương và cháu dâu là Nguyễn Thị Ném cũng là Mẹ VNAH và 6 người cháu gọi bằng cô ruột, gọi bằng bà, là liệt sĩ. "Tổng cộng cả 2 bên gia đình nội, ngoại thì đại gia đình Mẹ Hẹ có đến 7 Mẹ VNAH, 17 liệt sĩ. Những con số này là nỗi mất mát to lớn, nhưng cũng là niềm tự hào của gia đình tôi", bà Đẳng nói.

Theo ông Lê Công Kỷ (cháu nội Mẹ Hẹ), do Mẹ Hẹ mất quá sớm, lại trong khói lửa chiến tranh và những buổi đầu khó khăn xây dựng đất nước, không mấy người biết về Mẹ Hẹ. "Mãi về sau, khi thân nhân, chính quyền và ngành LĐ-TB-XH làm lại hồ sơ mới biết về sự hy sinh của Mẹ Hẹ, và Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Mẹ VNAH. Đây không phải lỗi của ai cả, chính chúng tôi, cháu con trong nhà cũng đâu biết nhiều về cuộc đời của Mẹ Hẹ. Chỉ biết rằng, Mẹ phải vĩ đại lắm với những mất mát, hy sinh vì sự độc lập tự do cho đất nước", ông Kỷ kể lại trong sự xúc động và tự hào.


 
 
 Gian nhà thờ treo đầy những bằng Tổ quốc ghi công, huân huy chương do Nhà nước trao tặng

Trong khi đó, những câu chuyện kể về sự dũng cảm, kiên cường của những người khác trong đại gia đình cách mạng này vẫn còn nhắc nhớ trong lòng người dân Triệu Trạch. Đó là chuyện về Mẹ VNAH, liệt sĩ Nguyễn Thị Xân (con dâu Mẹ Hẹ), bị địch tra tấn dã man khi bị bắt, nhưng không hé môi về đồng đội, đồng chí nên bị địch đốt xác, vứt lên đồi cát, mãi mấy ngày sau gia đình mới tìm về chôn cất. Hay đó là liệt sĩ Lê Công Điến (cháu nội Mẹ Hẹ), là bộ đội đặc công, khi bị địch bao vây, anh đã ném quả lựu đạn cuối cùng vào quân thù, bật dậy hô vang "Hồ Chí Minh muôn năm", trước khi ngã gục trên mảnh đất quê nhà. 


 Dịp 27/7, nhà thờ của gia đình Mẹ Hẹ là nơi tới lui của nhiều đơn vị đến tưởng nhớ

Tấm lòng của những người đang sống

Để có gian nhà thờ gia đình Mẹ Hẹ khang trang như hôm chúng tôi ghé thăm là một câu chuyện khá dài. Theo lời bà Đẳng, do nhà thờ xuống cấp trầm trọng, từ những năm 2012, gia đình Mẹ Hẹ ngoài tự bỏ tiền đóng góp, cháu con Mẹ Hẹ đứng ra kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng. Thế nên, trong tổng số 200 triệu đồng để sửa sang lại nhà thờ Mẹ Hẹ sau này (khánh thành vào tháng 8/2018), ngoài 50 triệu đồng của tỉnh Quảng Trị hỗ trợ, có 150 triệu đồng của ông Lữ Ngọc Cư (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk), ông Lê Nguyễn và ông Nguyễn Sỹ Khoa (doanh nghiệp ở Đà Nẵng) đóng góp. "Họ không hề quen biết gia đình chúng tôi, thế nhưng tấm lòng của họ thật đáng quý trọng", bà Đẳng nói. 


 
 
 
 
 Bà Đẳng cho biết mơ ước của gia đình là làm được 1 cuốn sách
về truyền thống cách mạng của gia đình

Ngưỡng mộ sự hy sinh của gia đình Mẹ Hẹ, đến anh thợ thi công đá bình thường cũng có thể làm những điều… khác thường. Theo lời bà Đẳng, sau khi làm nhà thờ, cháu con cùng chung sức để ốp đá granit cho 18 ngôi mộ trong nghĩa trang gia đình. "Có anh thợ đá ở TT.Cửa Việt (H.Gio Linh) lên xem và báo giá hơn 50 triệu đồng. Giá đó hơi "quá sức" với gia đình nên chúng tôi mới ậm ừ. Ấy thế mà chỉ sau một đêm, anh ấy trở lại cùng thợ thầy, máy móc, vật liệu rồi nói chỉ lấy một nửa tiền với lý do "cả đời chưa thấy gia đình nào mà có Mẹ VNAH và liệt sĩ nhiều đến thế!", bà Đẳng kể lại.

Dễ hiểu khi ông Lê Văn Kang, Chủ tịch HĐND xã Triệu Trạch cho biết, từ lâu gian thờ và khu mộ của gia đình Mẹ Hẹ đã trở thành "địa chỉ đỏ" của xã. "Nơi đây không chỉ là nơi thờ cúng tâm linh của các Mẹ và các anh hùng liệt sĩ, mà còn là nơi ghi dấu truyền thống anh dũng của một gia đình, của một vùng đất; là địa chỉ cách mạng để giáo dục thế hệ trẻ hôm nay và mai sau", ông Kang nói.

Liệt sĩ Lê Công Hùng, cháu nội mẹ Hẹ, một người lính đặc công hy sinh ở chiến trường Quân khu 5, đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. “gia đình đã vào Quảng Nam, Đà Nẵng nhiều lần để tìm anh hùng nhưng vô vọng” - Bà Đẳng nói

Ước mơ về một cuốn sách của gia đình

Sau nhiều quan tâm của chính quyền và cộng đồng, đại diện gia đình Mẹ Hẹ là bà Đẳng và ông Kỷ cho biết đều đã… thỏa lòng. Nhưng chỉ còn 2 điều gia đình vẫn còn đau đáu.

Đầu tiên chính là việc liệt sĩ Lê Công Hùng (cháu nội Mẹ Hẹ, một người lính đặc công) hy sinh ở chiến trường Quân khu 5, đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. "Gia đình đã vào Quảng Nam, Đà Nẵng nhiều lần để tìm anh Hùng nhưng vô vọng", bà Đẳng nói.


 Lớp trẻ hôm nay tri ân các anh hùng liệt sĩ

Cũng theo bà Đẳng, một điều khác, cháu con trong nhà Mẹ Hẹ đều ý thức rất rõ nhưng vẫn chưa có cơ hội thực hiện, đó là viết một cuốn sách về gia đình. "Các Mẹ, các bác, các anh chị mất sớm, lại trong hoàn cảnh chiến tranh, đến di ảnh cũng không có, rồi những câu chuyện về sự anh dũng kiên cường của họ theo thời gian rồi cũng phôi phai ít nhiều, nếu không còn ai chép lại, kể lại", bà Đẳng tâm sự.

Ông Kỷ cũng cho biết, ông mong có thời gian đề về lại làng quê mình, tìm những người già, những người từng tham gia cách mạng, góp nhặt trong trí nhớ của họ về những người thân của ông rồi viết ra sách. "Cuốn sách đó nếu hoàn thiện sẽ rất đỗi thiêng liêng, lưu giữ lại cho cháu con đời sau, để chúng biết rằng, gia đình này đã có những con người oanh liệt như thế!", ông Kỷ xúc động cho hay.

Chúng ta hôm nay không biết đến đạn bom, không chứng kiến những đau thương mất mát nhưng chúng ta biết cái giá của sự hy sinh của nhiều thế hệ lớp người đi trước, là những nỗi đau, sự mất mát lớn lao của biết bao mẹ VNAH, các anh hùng liệt sĩ, mà gia đình mẹ Hẹ là một biểu tượng, là một huyền thoại. (Đồng chí Trần Xuân Anh, Bí thư Huyện ủy Triệu Phong).

(thanhnien.vn)

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất