Thứ Ba, 26/11/2024
Khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, Quốc hội Khóa XV
 
Quang cảnh hội nghị. 


Tham dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; lãnh đạo các bộ, ngành và các đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Cho ý kiến về số lượng các dự án luật nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội, Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chương trình công tác năm 2023, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ Sáu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, Khóa XV. Nội dung của Hội nghị nhằm thảo luận, cho ý kiến về một số dự án luật dự kiến trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Sáu.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức thành công 3 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, tiếp thu nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ của các đại biểu Quốc hội, góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự án luật, nghị quyết từ đó Quốc hội xem xét, thông qua với tỉ lệ đồng thuận cao.

Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 4 sẽ xem xét, cho ý kiến về 8 dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu tới gồm: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Sau Kỳ họp thứ Năm, các cơ quan của Quốc hội đã tích cực nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, tiếp tục lấy ý kiến chuyên gia, cơ quan và tổ chức có liên quan, khẩn trương phối hợp với Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật. Đến nay, các dự án luật này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 7 và tháng 8 vừa qua.

Nhấn mạnh đây là Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về số lượng các dự án luật nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, các dự án luật này đều là những dự án luật rất quan trọng, nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và đại biểu Quốc hội, có nhiều quy định mới, đối tượng chịu ảnh hưởng rộng,  một số nội dung còn có ý kiến khác nhau nhất là giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo nên cần tiếp tục được cân nhắc, thảo luận một cách kỹ lưỡng.

Không để quy phạm pháp luật có sơ hở có thể tạo ra tham nhũng, tiêu cực

Gợi mở một số vấn đề cần tập trung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đại biểu tham dự hội nghị tập trung rà soát và cho ý kiến về việc các dự án luật này đã quán triệt, thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn các chủ trương của Đảng - cơ sở chính trị đối với từng lĩnh vực liên quan hay chưa? Bên cạnh đó, xem xét việc thể hiện của các dự thảo Luật cho đến nay đã bám sát các nhóm chính sách lớn, các định hướng, nguyên tắc yêu cầu khi xây dựng các dự án luật chưa? Đối với những đề xuất mới đã có đánh giá tác động một cách đầy đủ chưa? Các đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhất là các dự án luật có mối quan hệ chặt chẽ với nhau như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…

Chủ tịch Quốc hội lưu ý các đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm, cho ý kiến đối với những vấn đề lớn, quan trọng đối với từng dự án luật về kỹ thuật lập pháp, điều khoản áp dụng, điều khoản chuyển tiếp...; cho ý kiến đối với các nội dung còn có ý kiến khác nhau để có nghiên cứu, phân tích, tính toán lựa chọn phương án tốt nhất.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, rà soát kỹ lưỡng về cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, chất lượng của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phát triển nhanh, bền vững, hội nhập quốc tế của Việt Nam; rà soát toàn bộ các quy trình về nội dung, cách thức, quy trình không để cho những quy phạm pháp luật có sơ hở có thể tạo ra tham nhũng, tiêu cực, gây ra thất thoát hoặc ách tắc, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt là bảo đảm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đảng về chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng pháp luật ngay trong Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục lắng nghe để hoàn thiện, các cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan soạn thảo, cơ quan tổ chức hữu quan để tiếp tục trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với tinh thần làm triệt để, để không có một ý kiến nào của đại biểu Quốc hội mà không được nghiên cứu, tiếp thu và giải trình.

Để bảo đảm hội nghị được tiến hành hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và đất nước, tham gia đầy đủ các phiên họp, tranh thủ tối đa thời gian để nghiên cứu, trao đổi, tranh luận, phản biện với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc về các dự thảo luật.

Chủ tịch Quốc hội kỳ vọng với bề dày kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu, các chuyên gia, các đại biểu sẽ tham gia ý kiến sâu sắc, tâm huyết về các vấn đề của dự thảo luật cũng như những vấn đề thực tiễn đặt ra để tiếp tục hoàn thiện đảm bảo chất lượng cao nhất các dự án luật trình Quốc hội xem xét, quyết định.

(daibieunhandan.vn) 

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất