Thứ Năm, 19/9/2024
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Bảo vệ trẻ em mọi lúc, mọi nơi - tiền đề xây dựng xã hội nhân ái, thế hệ công dân đầy đủ phẩm chất, trí tuệ
 
Quang cảnh Phiên họp 


Sáng nay, 10/9, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội - biểu trưng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc, ý chí và nguyện vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam, Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ Nhất đã được Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội phối hợp tổ chức.

Đặc biệt, Phiên họp có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, các tổ chức chính trị, xã hội... 

Với sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội trẻ em Đặng Cát Tiên, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội trẻ em Lê Quang Vinh, Quốc hội trẻ em đã thảo luận, tranh luận về hai vấn đề mang tính thời sự đối với trẻ em hiện nay là: Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng và phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em. Phiên họp giả định đã nghe các thành viên Chính phủ trẻ em báo cáo, giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội trẻ em đặt ra. Qua đó, đã thống nhất biểu quyết thông qua Nghị quyết về hai nội dung này. 

Dành những điều kiện tốt nhất cho trẻ em - tương lai của đất nước

Phát biểu với các đại biểu Quốc hội trẻ em sau khi kết thúc Phiên họp giả định, thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sáng kiến tổ chức Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em.

 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. 

 

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt cho trẻ em. Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam luôn đặt niềm tin yêu và kỳ vọng vào thế hệ măng non, những chủ nhân tương lai của đất nước, kế tục sự nghiệp cách mạng của ông cha. Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.

Kế thừa và phát huy quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Đảng ta đã đề ra hệ thống quan điểm nhất quán về chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em, xác định trách nhiệm của toàn Đảng, của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã khẳng định chủ trương: “Chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, phát triển toàn diện và bảo đảm quyền của trẻ em; dành những điều kiện tốt nhất, sự chăm lo chu đáo nhất cho trẻ em - tương lai của đất nước”.

Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để khẳng định các quyền của trẻ em và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, của gia đình, nhà trường và xã hội trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Nổi bật nhất có thể kể đến là Luật Trẻ em 2016, Luật Giáo dục 2019, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em và nhiều chương trình, đề án về phát triển toàn diện trẻ em.

Hiện nay, cả nước ta đang có trên 25 triệu trẻ em, chiếm 25,5% tổng dân số. Trong đó, 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Gần 100% các cháu đến độ tuổi được đến trường, 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine. Đời sống tinh thần, vui chơi giải trí, môi trường giao tiếp xã hội của trẻ em ngày càng phong phú, đa dạng, được các cấp, các ngành và cả xã hội quan tâm, chăm lo. Chương trình hỗ trợ trẻ em mồ côi do đại dịch Covid - 19 được đông đảo các cơ quan, đơn vị, cá nhân và tổ chức quốc tế hưởng ứng rất tích cực và có hiệu quả.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, nhưng công tác giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. "Thực tế cho thấy chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để bảo vệ và chăm sóc tốt hơn nữa cho thế hệ tương lai của đất nước", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tiếng nói của trẻ em lay động và thay đổi nhận thức của người lớn

Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương và Quốc hội trẻ em đã lựa chọn hai nhóm vấn đề rất có tính thời sự là: “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” và “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em” để thảo luận và kiến nghị.

 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà lưu niệm đại biểu trẻ em dự
Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ nhất.
 

 

Bày tỏ ấn tượng và đánh giá rất cao thành công tốt đẹp, sự chuyên nghiệp của Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ Nhất, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các đại biểu Quốc hội trẻ em hôm nay là những tấm gương tiêu biểu trong học tập, rèn luyện, cũng là niềm hi vọng của đất nước. Dù tuổi còn nhỏ nhưng các cháu đã chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu, thể hiện sự chững chạc, phong thái tự tin, có suy nghĩ chín chắn, sâu sắc khi đóng vai là những đại biểu Quốc hội, đóng vai lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trong điều hành, thảo luận và có nhiều đề xuất, kiến nghị rất xác đáng để giải quyết những vấn đề của trẻ em.

Chủ tịch Quốc hội mong các cháu tiếp tục phấn đấu, có hoài bão, ước mơ, sau này đóng góp thật nhiều cho sự phát triển của đất nước; hi vọng sẽ có nhiều cháu khi trưởng thành, qua quá trình rèn luyện, phấn đấu sẽ nhận được sự tín nhiệm của nhân dân, trở thành đại biểu Quốc hội thực sự.

"Chính sự thể hiện xuất sắc của các cháu hôm nay cho thấy mô hình phiên họp Quốc hội giả định là một mô hình rất có ý nghĩa và hiệu quả nhằm thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em, hướng cho trẻ em trở thành những công dân có trách nhiệm với đất nước, với xã hội và khả năng trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai", Chủ tịch Quốc hội nói.

Nhấn mạnh thực tế trên toàn cầu cho thấy, tiếng nói của trẻ em đã lay động, làm thay đổi nhận thức của người lớn và góp phần làm thay đổi cả thế giới, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ý kiến thảo luận của các cháu, và đặc biệt là Nghị quyết của phiên họp giả định là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ và các ban, ngành, đoàn thể nghiên cứu, tiếp thu, có sự chuẩn bị tốt hơn trong quá trình ban hành các chính sách, pháp luật về các vấn đề có liên quan tới trẻ em, nhất là hai chủ đề đã được Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lựa chọn.

Thẩm tra bảo vệ quyền trẻ em cần trở thành khâu bắt buộc trong hoạt động lập pháp

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, về phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em đã được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, đã đem lại những kết quả tích cực trong thực tiễn. Tuy nhiên, các vụ việc tiêu cực liên quan đến trẻ em vẫn xảy ra, các mối nguy hại đối với trẻ em, đặc biệt là trên môi trường mạng đang diễn biến với những hình thái phức tạp, khó lường.

"Điều đó đòi hỏi việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện chính sách, pháp luật, các chương trình, đề án về chăm sóc, bảo vệ trẻ em, quan tâm, đầu tư các nguồn lực, cả về ngân sách và con người để thực hiện công tác trẻ em trong thời gian tới", Chủ tịch Quốc hội nói. 

Đối với các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện quyền trẻ em và các quy định của pháp luật về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Kịp thời tổ chức các phiên giải trình về những vấn đề thời sự cấp bách có liên quan đến trẻ em. Trong quá trình xem xét, thông qua các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết, cần chú trọng thẩm tra các quy định bảo đảm quyền trẻ em.

"Trong thời gian tới, cần nghiên cứu để đưa quy trình thẩm tra nội dung bảo đảm quyền trẻ em thành một khâu bắt buộc trong hoạt động lập pháp, tương tự như việc thẩm tra về bình đẳng giới hiện nay", Chủ tịch Quốc hội gợi mở. 

Đối với Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để giải quyết những vấn đề nổi lên trong công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, nhất là những vấn đề các em đã kiến nghị và ra Nghị quyết tại phiên họp Quốc hội giả định hôm nay. Rà soát để hoàn thiện và chỉ đạo thực hiện các chính sách chăm lo cho trẻ em, nhất là trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số, con em công nhân và người lao động.

Bảo vệ, chăm sóc trẻ em phải đồng bộ từ gia đình, nhà trường và xã hội

Chủ tịch Quốc hội đồng thời nêu rõ, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cần được thực hiện đồng bộ bởi gia đình, nhà trường và xã hội.

Qua phiên họp giả định hôm nay, từ các vấn đề các đại biểu trẻ em đã phát biểu, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các bậc phụ huynh, những người chăm sóc trẻ em và mỗi gia đình cần nêu cao trách nhiệm hơn nữa trong quan tâm, nuôi nấng, dạy dỗ trẻ em, để trẻ em thực sự hạnh phúc, an toàn, được bày tỏ tiếng nói trong ngôi nhà của mình. Gia đình cần quan tâm đến sức khỏe thể chất, tâm lý của trẻ em, tránh gây áp lực không hợp lý cho các em về học tập và cuộc sống.

Đối với các nhà trường, các thầy, cô hãy tạo điều kiện, môi trường giáo dục giúp các cháu mỗi ngày đến trường là một niềm vui, để thầy cô là người cha, người mẹ thứ hai của các cháu, thường xuyên lắng nghe ý kiến, nguyện vọng và đồng hành để các cháu không bị áp lực học hành, thi cử.

Với cộng đồng xã hội, hãy luôn dành những tình cảm, trách nhiệm và lòng yêu thương, sự quan tâm, nâng niu nhất tới trẻ em. "Bảo vệ trẻ em ở mọi lúc, mọi nơi, đó cũng là tiền đề để chúng ta xây dựng một xã hội giàu lòng nhân ái, sẻ chia, tạo nên một thế hệ công dân tương lai có đầy đủ phẩm chất, trí tuệ góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng phát triển", Chủ tịch Quốc hội khẳng định. 

Đối với các địa phương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, chính quyền các cấp cần đóng vai trò làm cầu nối, phối hợp giữa chính quyền, gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. HĐND, lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần tăng cường các hoạt động đối thoại với trẻ em; nghiên cứu lồng ghép các chỉ tiêu phát triển trẻ em vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; bố trí ngân sách và nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án, đề án về công tác trẻ em. Có giải pháp cụ thể nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của chính quyền và cán bộ làm công tác trẻ em cấp cơ sở.

Đối với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương và các cấp bộ Đoàn, Đội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tiếp tục phát huy vai trò là tổ chức đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; luôn thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo trong tham mưu, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước một cách sinh động, hiệu quả đến với các đối tượng trẻ em. Chú trọng triển khai tốt các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan liên quan định kỳ tiếp tục tổ chức ngày càng tốt hơn Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” để lắng nghe, giải quyết những nguyện vọng, kiến nghị của trẻ em cả nước. 

Khẳng định Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho việc tổ chức các Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương đặc biệt quan tâm, đảm bảo đầy đủ các điều kiện để Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương và các cấp bộ Đoàn, Đội thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của chính trẻ em.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước và các đại biểu dự Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội chúc các đại biểu Quốc hội trẻ em và tất cả thiếu nhi cả nước luôn chăm ngoan, học giỏi, thực hiện tốt 5 Điều Bác Hồ dạy, không ngừng rèn luyện, phấn đấu, thực sự trở thành “Chủ nhân của đất nước”, tích cực phát huy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em, thực hiện tốt quyền và bổn phận của mình, chung tay góp sức hiện thực hoá mục tiêu, khát vọng Việt Nam hùng cường, đưa dân tộc Việt Nam vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Trước đó, phát biểu với các đại biểu Quốc hội trẻ em, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ, Phiên họp giả định được tổ chức trang trọng với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu quốc hội và lãnh đạo các bộ, ngành không khác gì một phiên họp chính thức của Quốc hội là minh chứng cho sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với thiếu niên - nhi đồng. Điều này cũng khẳng định vai trò quan trọng, quyền hiến định của thiếu niên, nhi đồng - những mầm non tương lai của đất nước - trong việc được lắng nghe, được bàn bạc, được quyết định những vấn đề đặc biệt hệ trọng của chính các em nói riêng, tham gia vào quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật của Quốc hội, Chính phủ nói chung.

Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Chính phủ sẽ luôn hết sức lắng nghe, ghi nhận ý kiến của các em, đặc biệt là những vấn đề đã được quyết nghị trong Nghị quyết Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ Nhất để tiếp tục hoàn thiện, tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng, ban hành các kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực để chăm lo, bảo vệ, tạo môi trường cho hơn 15 triệu thiếu niên, nhi đồng Việt Nam phát triển ngày càng tốt đẹp, an toàn hơn.

(daibieunhandan.vn) 

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất