Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (đường Vành đai 4) đang được huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên triển khai thực hiện quyết liệt và hiệu quả. Trong đó, việc di dời các phần mộ nằm trong dự án hiện nay đã đạt nhiều kết quả nhờ địa phương quan tâm đẩy mạnh công tác dân vận gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở để có được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Đồng chí Tôn Ngọc Chuẩn, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện cho biết: Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án trọng điểm của quốc gia đi qua địa phận 5 xã, thị trấn trong huyện, dài khoảng 6,6km với tổng diện tích thu hồi khoảng 100 héc-ta. Để GPMB thực hiện đường Vành đai 4, huyện cần di chuyển khoảng 1.135 ngôi mộ. Xác định việc di dời các phần mộ nằm trong phạm vi GPMB là nhiệm vụ trọng tâm bảo đảm tiến độ triển khai thực hiện dự án, Ban Dân vận Huyện ủy thường xuyên giao ban với các đoàn thể chính trị - xã hội để giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và người dân đồng thuận với chủ trương của Nhà nước; tích cực chỉ đạo khối dân vận các xã, thị trấn sát sao nắm bắt tình hình, kịp thời báo cáo những vướng mắc phát sinh để tổng hợp, gửi cơ quan chức năng kịp thời tháo gỡ; đồng thời chủ động tham mưu với Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương có đất trong diện thu hồi thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”...
Đồng chí Lê Thế Am, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Như Quỳnh cho biết: Xác định việc di chuyển mồ mả để thực hiện Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội không đơn thuần là bồi thường, hỗ trợ bao nhiêu tiền, mà còn là chuyện tâm linh, tác động đến tâm lý của người dân. Đảng ủy thị trấn chỉ đạo cấp ủy và khối dân vận thôn Hành Lạc xây dựng các mô hình dân vận khéo, đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và người dân về tầm quan trọng của dự án đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước, chính sách bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước về GPMB… Bên cạnh tổ chức các cuộc họp dân tại nhà văn hóa, đại diện cấp ủy thôn, trưởng ban công tác mặt trận thôn Hành Lạc… còn “gõ cửa từng nhà”, đặc biệt là trưởng các dòng họ để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để có phương án tháo gỡ kịp thời.
|
Khu vực nghĩa trang nhân dân thôn Hành Lạc, thị trấn Như Quỳnh mới được quy hoạch |
Nhờ làm tốt công tác dân vận nên người dân hiểu chủ trương, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc triển khai dự án đường Vành đai 4, từ đó đồng tình, ủng hộ. Thị trấn Như Quỳnh đã vận động được 5 hộ có đất nông nghiệp trong khu vực dự kiến mở rộng nghĩa trang Nhân dân thôn Hành Lạc tự nguyện bàn giao đất phục vụ di chuyển mồ mả ra khỏi phạm vi GPMB với diện tích khoảng 1.372m2. Đến nay, cơ bản số ngôi mộ đã cải táng nằm trong dự án được người dân di chuyển về khu nghĩa trang mới, hiện số ít ngôi mộ còn lại, địa phương đang tích cực tuyên truyền người dân sớm thực hiện các thủ tục để di dời sang khu quy hoạch mới.
Hộ ông Nguyễn Văn Sợi ở thôn Hành Lạc, thị trấn Như Quỳnh đã di dời 22 mộ phần của tổ tiên sang khu nghĩa trang mới. Ông Sợi chia sẻ: Qua tham gia các buổi họp dân tại nhà văn hóa thôn, các đồng chí cấp ủy thôn thường xuyên tuyên truyền giúp tôi và các thành viên trong gia đình hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của tuyến đường Vành đai 4. Bản thân các đồng chí cán bộ “nói đi đôi với làm”, gương mẫu thực hiện trước nên người dân đồng lòng giao lại ruộng vườn, di dời mồ mả... để Nhà nước làm đường.
Thực hiện dự án đường Vành đai 4, xã Trưng Trắc cần GPMB trên 71,5 nghìn m2 và di dời 85 ngôi mộ… Đồng chí Đào Quang Huy, Bí thư Đảng ủy xã Trưng Trắc cho biết: Bên cạnh tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các bước trong công tác GPMB theo quy định, xã đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân thông qua nhiều kênh để người dân hiểu được ý nghĩa dự án và đồng thuận. Xã công khai, minh mạch toàn bộ các khâu, các bước trong quá trình GPMB như kiểm kê, thống nhất diện tích, áp giá bồi thường được thông báo đến từng hộ và niêm yết tại UBND xã và nhà văn hóa các thôn. Nhờ vậy, các doanh nghiệp, hộ dân có đất và phần mộ cần di dời để triển khai dự án đồng thuận cao với chủ trương của Nhà nước; 100% ngôi mộ thuộc phần đất dự án đã được di dời sang khu nghĩa trang mới.
Ông Nguyễn Văn Ngôn ở thôn An Lạc, xã Trưng Trắc cho biết: Gia đình ông có 2 ngôi mộ cần di dời để GPMB triển khai dự án. Lúc đầu tôi còn băn khoăn, lo lắng vì còn chưa hiểu hết về chính sách đền bù, cũng như lo ngại vấn đề tâm linh. Sau khi được địa phương tuyên truyền, hiểu rõ được lợi ích của dự án đối với sự phát triển của địa phương và đất nước, gia đình nhất trí di chuyển phần mộ về nghĩa trang mới.
Để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, huyện Văn Lâm cần di chuyển khoảng 1.135 ngôi mộ. Nhờ phát huy vai trò công tác dân vận, thực hiện nghiêm quy chế dân chủ trong GPMB, tôn trọng văn hóa, tín ngưỡng cũng như tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân nên các địa phương đã tạo được sự đồng thuận cao, đến nay huyện đã di dời được gần 700 ngôi mộ. Thời gian tới, huyện tập trung cao cho công tác tuyên truyền, vận động để di dời những phần mộ còn lại sang khu nghĩa trang mới để bảo đảm tiến độ bàn giao 100% diện tích mặt bằng thuộc dự án vào tháng 12/2023.
(baohungyen.vn)