Chủ Nhật, 29/12/2024
Hiệu quả công tác dân vận với “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ” ở Thanh Hóa
 
Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả ở
xã Đông Văn, huyện Đông Sơn.
 


Năm 2020, Ban Dân vận Tỉnh ủy Thanh Hóa đã phối hợp với Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Sơn lựa chọn xã Đông Văn, huyện Đông Sơn để tổ chức triển khai xây dựng thí điểm mô hình “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ” ở cấp cơ sở và nhân rộng ra các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Đến nay, lề lối làm việc, tác phong và thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức có nhiều chuyển biến rõ nét. Việc tổ chức sắp xếp, bố trí lịch làm việc của cán bộ, công chức đã khoa học hơn, cán bộ tươi cười, niềm nở hướng dẫn tận tình, chu đáo khi người dân đến làm thủ tục tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả.

Anh Nguyễn Văn Tâm ở thôn Văn Nam đến làm thủ tục hành chính, cho biết: "Tôi đến làm thủ tục về đất đai được cán bộ, công chức ở bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của xã hướng dẫn tận tình, hiểu rõ những giấy tờ cần phải thực hiện, các thủ tục được giải quyết nhanh chóng có giấy hẹn ghi rõ ngày, giờ đến nhận kết quả. Tôi rất hài lòng khi thấy cán bộ, công chức rất thân thiện”.

Thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ” tại các xã, phường, thị trấn trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, bố trí, phân công những cán bộ, công chức vững về chuyên môn, nghiệp vụ giải quyết công việc cho người dân; đổi mới tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức cấp xã... Đa phần cán bộ, công chức, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương đã cam kết và thực hiện tốt nội dung khẩu hiệu “5 biết” (biết nghe dân nói; biết nói dân hiểu; biết làm dân tin; biết xin lỗi; biết cảm ơn), “3 không” (không phiền hà, sách nhiễu; không né tránh trách nhiệm; không trễ hẹn trong quá trình xử lý công việc), “4 thể hiện” (tôn trọng trong giao tiếp; văn minh, văn hóa, lịch sự trong giải quyết công việc; lắng nghe đầy đủ, hướng dẫn tận tình quy trình xử lý công việc; gần gũi, giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân)... Bên cạnh đó, để tăng cường sự gắn bó, quan tâm giữa chính quyền với người dân, chính quyền các xã, phường, thị trấn đã triển khai việc gửi các thư “xin lỗi”, “cảm ơn”, “chúc mừng”, “chia buồn” đến người dân đảm bảo trang trọng, ý nghĩa và phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của địa phương.

Theo đánh giá của Ban Dân vận Tỉnh ủy, qua gần 3 năm triển khai thực hiện thí điểm mô hình đã tác động mạnh mẽ về tư tưởng, nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức ở chính quyền các cấp, tạo được sự đồng tình, tin tưởng của các tầng lớp nhân dân. Qua đó góp phần tạo chuyển biến rõ nét về tác phong, lề lối làm việc, nhận thức, trách nhiệm và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức; từng bước mang đến sự hài lòng cho người dân, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính ở các cấp chính quyền, đặc biệt là đơn vị xã, phường, thị trấn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, hạn chế, đó là: Một số cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện mô hình; việc phối hợp giữa Ban Dân vận cấp ủy với chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp trong xây dựng mô hình ở một số nơi chưa chặt chẽ, hiệu quả; MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội chưa thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện trong tổ chức thực hiện mô hình; việc bố trí nguồn lực để đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ phục vụ xây dựng mô hình ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...

Để tiếp tục xây dựng, nhân rộng và phát huy hiệu quả mô hình “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ” ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục thực hiện nghiệm Công văn số 965-CV/TU, ngày 6/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ” trên địa bàn tỉnh”; xác định công tác xây dựng “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ” ở xã, phường, thị trấn là nhiệm vụ thường xuyên gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức ở cơ sở nhằm xây dựng nền hành chính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân và doanh nghiệp trong thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính. Các địa phương cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, khắc phục bệnh hành chính, quan liêu, xa dân; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã “gần dân, trọng dân, hiểu dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, hướng dẫn dân làm.

(baothanhhoa.vn) 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác