Quyết tâm tạo chuyển biến rõ nét trong chuyển đổi số, quận Kiến An (thành phố Hải Phòng) đã có những cách làm sáng tạo, chủ động trong vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi số, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả xây dựng chính quyền số, xã hội số và công dân số trên địa bàn.
|
Ra mắt mô hình chợ dân sinh không dùng tiền mặt tại chợ Gò Công, quận Kiến An |
Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận Kiến An Phạm Văn Khanh cho biết, quận xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, tạo động lực phát triển bứt phá, với ba trụ cột chính: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; với mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ban Thường vụ Quận ủy đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/QU và tích cực chỉ đạo xây dựng, lan tỏa nhiều mô hình dân vận chuyển đổi số với cách làm sáng tạo, hiệu quả. Ðây chính là “sức mạnh mềm”, tạo đồng thuận cao trong nhân dân để công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn mang lại hiệu quả thiết thực.
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Bùi Thị Tuyết Mai chia sẻ: Khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là cần xây dựng công dân số, phải thay đổi thói quen của người dân khi chuyển từ môi trường thực sang môi trường số. Ðể người dân trở thành công dân số thì chất xúc tác đầu tiên là công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức và công tác dân vận không chỉ cần khéo mà còn phải đổi mới, phát triển phù hợp với yêu cầu của thời đại số.
Từ đầu năm 2023 đến nay, trong số hơn 400 mô hình dân vận khéo trên địa bàn đã có tới 230 mô hình gắn với chuyển đổi số. Mặt trận Tổ quốc quận và các tổ chức đoàn thể đều triển khai các mô hình dân vận chuyển đổi số sát thực tế, được đông đảo người dân hưởng ứng tham gia; tiêu biểu như các mô hình: “Mặt trận Tổ quốc với công tác chuyển đổi số”, “Hòm thư góp ý” của Mặt trận Tổ quốc quận; “Phụ nữ ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ủy thác vốn vay”, “Tổ phụ nữ ứng dụng công nghệ số tại cộng đồng”; “Ðẩy mạnh ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt”, “Chợ online phụ nữ Văn Ðẩu” của Hội Phụ nữ; “Chuyển đổi số trong tuyên truyền, quảng bá điểm du lịch, địa chỉ đỏ, di tích lịch sử-văn hóa”; mô hình “Khu phố 4.0” của Ðoàn Thanh niên…
Ðáng chú ý, Quận ủy đã giao trách nhiệm cho mỗi tổ chức đoàn thể phụ trách tổ công nghệ số cộng đồng tại một phường; vận động, hỗ trợ người dân làm căn cước công dân gắn chíp; kích hoạt định danh điện tử mức độ 2; mở tài khoản sử dụng dịch vụ công trực tuyến… Cách làm sáng tạo này đã giúp Kiến An trở thành một trong những đơn vị tốp đầu của thành phố Cảng sớm hoàn thành việc kích hoạt định danh điện tử, hỗ trợ người dân tạo tài khoản và thao tác sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Kiến An Ðoàn Thị Vân Anh, cùng với tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn thực hiện chuyển đổi số, các cấp công đoàn quận tập trung thực hiện chuyển đổi số ngay trong các hoạt động của 154 công đoàn cơ sở trực thuộc và tích cực hỗ trợ Tổ công nghệ số cộng đồng phường Ngọc Sơn. Các hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý đoàn viên, kinh phí, công đoàn phí… từ quận tới cơ sở đã được sử dụng phổ biến trên Zalo, các trang fanpage..., tạo các kênh tương tác hiệu quả giữa đoàn viên, người lao động với các tổ chức công đoàn.
Ông Nguyễn Văn Bình, người dân phường Ngọc Sơn (quận Kiến An) chia sẻ: “Trước đây, để làm các thủ tục hành chính về đất đai, đăng ký nhân khẩu thường trú, đăng ký kinh doanh, nộp thuế, khám, chữa bệnh hay đóng tiền điện, tiền nước, cước điện thoại, các khoản dịch vụ cho con em đi học… người dân phải mất nhiều thời gian, công sức đi lại. Nay nhờ hướng dẫn tận tình của tổ công nghệ số cộng đồng trong cài đặt trên điện thoại, người dân có thể tra cứu các chính sách, quy định và thực hiện tại nhà một cách nhanh chóng, thuận tiện và tiết kiệm. Ðiều này thật tiện ích và người dân chúng tôi ủng hộ sự thay đổi hiệu quả này”.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và bằng hoạt động thiết thực, hiệu quả trong công tác dân vận, quận Kiến An đã tạo nên những thay đổi căn bản trong cách thức vận hành của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, cũng như nhận thức và thói quen của người dân… trong chuyển đổi số. Quận Kiến An là một trong những địa phương đi đầu thành phố Cảng trong triển khai ký số kết quả đính kèm “Một cửa” điện tử; 15 lĩnh vực với 247 thủ tục hành chính được thực hiện bằng mã QR tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của quận và các phường.
Tỷ lệ người dân trên địa bàn thực hiện thanh toán trực tuyến tăng từ 0,13% năm 2022 lên 33% trong năm 2023, xếp thứ 3 trong số 14 địa phương toàn thành phố; xếp thứ tư toàn thành phố thực hiện “Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử”; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của quận tăng từ 61% năm 2022 lên hơn 90%; tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử tăng từ 0,71% năm 2022 lên gần 35%; hơn 86% số doanh nghiệp nộp thuế bằng dịch vụ công trực tuyến; 100% số doanh nghiệp áp dụng số hóa trong quy trình sản xuất, phân phối và kinh doanh thương mại điện tử.
Cùng với đó, sự thích ứng và ủng hộ của người dân trong thực hiện các hoạt động trên môi trường số cũng gia tăng mạnh mẽ với 81% số gia đình trên địa bàn quận thực hiện thanh toán tiền điện, 100% thanh toán tiền nước, gần 98% số gia đình nộp các loại phí và các dịch vụ giáo dục… bằng tài khoản; hơn 80,6% lượt người dân thực hiện khám, chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử và ứng dụng VNeID; 83% dân số toàn quận (đủ 14 tuổi trở lên) sử dụng điện thoại thông minh - phương tiện tham gia chuyển đổi số.
(nhandan.vn)