Trong thi hành án dân sự, kê biên cưỡng chế là biện pháp cuối cùng buộc phải thực hiện nhằm đảm bảo cho bản án được thi hành đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, quan điểm của các cơ quan thi hành án là hạn chế đến mức thấp nhất việc tổ chức cưỡng chế, phát huy vai trò của công tác dân vận, tuyên truyền, thuyết phục để người phải thi hành án đồng thuận và hợp tác, giúp cho công tác thi hành án vừa đạt được hiệu quả, vừa ổn định tình hình địa phương.
Năm 2020, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quảng Xương thụ lý giải quyết một bản án dân sự, trong đó người phải thi hành án nợ không có khả năng thanh toán số tiền 207 triệu đồng cả gốc và lãi cho Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng. Đây là vụ việc phức tạp do đối tượng phải thi hành án thuộc gia đình chính sách, ngôi nhà là tài sản thế chấp hiện đang thờ cúng Mẹ Việt Nam anh hùng và hai liệt sĩ.
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quảng Xương đã xin ý kiến Cục thi hành án dân sự tỉnh thống nhất chưa kê biên, bán đấu giá ngôi nhà mà vận dụng mọi biện pháp, tạo điều kiện để gia đình có thể thi hành án.
Trong suốt thời gian dài, các chấp hành viên đã kiên trì động viên gia đình, gặp gỡ, tranh thủ ý kiến, sự ủng hộ của dòng họ, phối hợp với chính quyền địa phương, làm việc với Ngân hàng bàn phương án miễn giảm lãi suất.
Kết quả, đến tháng 8/2023, số nợ 207 triệu đồng đã được thanh toán cho Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng. Đối với số tiền lãi phát sinh sau thời điểm có đơn đề nghị thi hành án, Chi cục Thi hành án đang tìm phương án xin miễm giảm cho gia đình.
Trong nhiều vụ việc, dù số lượng tiền không lớn nhưng rất phức tạp và khó thi hành, nhất là các vụ việc về giao đất, giao con… đòi hỏi cán bộ thi hành án phải hết sức khéo léo và kiên trì.
Do làm tốt công tác dân vận, năm 2023, các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hoá đã vận động, thuyết phục được các đương sự tự nguyện thi hành xong 14,3 nghìn vụ việc trên tổng số 16,6 nghìn vụ việc có điều kiện thi hành án, thu hồi cho nhà nước, tổ chức, cá nhân số tiền gần 800 tỉ đồng, vượt chỉ tiêu Tổng cục giao. Trong đó, các cơ quan Thi hành án chỉ phải tổ chức cưỡng chế 169 trường hợp, giảm 9 trường hợp so với năm 2022.
Thi hành án là bước cuối cùng nhưng cũng là bước gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ngoài yếu tố khách quan thì nguyên nhân chính là do người phải thi hành án không hợp tác. Để người phải thi hành án hiểu và tự giác thực hiện, cách hiệu quả nhất vẫn là vận động, thuyết phục.
Thời gian tới, các cơ quan thi hành án tỉnh Thanh Hóa sẽ tăng cường hơn nữa công tác dân vận, hạn chế thấp nhất việc kê biên cưỡng chế, tránh gây ra điểm nóng, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
(truyenhinhthanhhoa.vn)