Thứ Năm, 2/5/2024
Lâm Đồng: Công tác dân vận chính quyền góp phần củng cố lòng tin của nhân dân

Công tác cải cách hành chính được chú trọng thực hiện nhằm phục vụ người dân tốt hơn.


Theo đánh giá của UBND tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở đã đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác dân vận thông qua nhiều hình thức như: Phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở, nhà sinh hoạt cộng đồng; qua các cuộc họp, hội nghị hoặc lồng ghép, kết hợp trong các cuộc sinh hoạt chào cờ đầu tuần do các cơ quan, đơn vị tổ chức… Qua đó, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động đã nhận thức và có sự chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng đối với tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới, từ đó tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ.

Công tác dân vận chính quyền được thực hiện tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể, không dàn trải. Đơn cử như trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện từ cấp tỉnh tới cấp cơ sở với tinh thần dân chủ, công khai, lắng nghe ý kiến, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Từ đó, nhiều nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân đã được xem xét và trả lời trực tiếp; đối với những vụ việc có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, ngành của tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng liên quan, xem xét và giải quyết theo quy định. Quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được cải tiến. 

Thống kê của UBND tỉnh năm 2023 cho thấy, toàn tỉnh đã tiếp 2.236 lượt công dân. Nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chủ yếu tập trung trong lĩnh vực đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Qua tiếp công dân đã hướng dẫn, giải thích và tiếp nhận các vụ việc để giải quyết theo thẩm quyền quy định. Cũng trong năm này, toàn tỉnh đã tiếp nhận 6.446 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trong đó có 5.077 đơn đủ điều kiện xử lý với 597 đơn khiếu nại, 264 đơn tố cáo và 4.216 đơn kiến nghị, phản ánh. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo đạt 83,5%. 

Theo đánh giá của UBND tỉnh, những kết quả tích cực trong việc tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã góp phần bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và tổ chức, công dân, hạn chế phát sinh “điểm nóng”, tạo sự ổn định trên địa bàn tỉnh.

Hay như trong thực hiện cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) - lĩnh vực liên quan trực tiếp đến phục vụ người dân, hiệu quả công tác dân vận chính quyền đã được thấy rõ. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, thuận lợi, dễ hiểu, dễ thực hiện; hạn chế nhũng nhiễu, gây phiền hà cho công dân và tổ chức.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp tục duy trì, hoạt động có hiệu quả, giải quyết các TTHC theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông cho người dân và doanh nghiệp, không để xảy ra tình trạng chậm trễ, ách tắc. Đến nay, 100% sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đã thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC thông qua dịch vụ bưu chính công ích. 

Căn cứ các quyết định công bố TTHC của bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh công bố 28 quyết định danh mục TTHC kịp thời, đúng quy định. Đến nay, tổng số lượng TTHC thuộc phạm vi quản lý đã được công bố là 1.860 thủ tục. Trong đó, cấp tỉnh 1.404 thủ tục, cấp huyện 291 thủ tục, cấp xã 165 thủ tục.

Về giải quyết TTHC, tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh tiếp nhận 635.033 hồ sơ, giải quyết đúng và trước hạn đạt tỷ lệ 99,01%. Tiếp nhận 143 phản ánh kiến nghị, đã xử lý 100% và đăng tải kết quả xử lý trên Cổng Dịch vụ công quốc gia kịp thời và đúng quy định.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao đạo đức công vụ, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ CBCCVC, nhất là bộ phận thường xuyên tiếp xúc với nhân dân đã được lãnh đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị chỉ đạo triển khai thực hiện. Qua đó, giúp toàn thể đảng viên, CBCCVC của các cơ quan, địa phương, đơn vị ý thức về đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, kỷ cương, ý thức phục vụ nhân dân trong thực tiễn công tác; tích cực rèn luyện phong cách theo phương châm “trọng dân, gần dân, học dân”; “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”… Song song với đó, công tác kiểm tra, thanh tra công vụ; xử lý CBCCVC có hành vi cửa quyền, gây phiền hà cho nhân dân, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân cũng được triển khai chặt chẽ. Riêng năm 2023, cơ quan thanh tra các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện đã tổ chức kiểm tra 78 lượt, nhắc nhở 13 trường hợp CBCCVC vi phạm giờ giấc làm việc, lập biên bản 3 trường hợp; đề nghị xử lý 4 trường hợp vi phạm giờ giấc làm việc theo quy định.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, tổ chức bộ máy công tác dân vận từ tỉnh đến cơ sở từng bước được củng cố; đội ngũ cán bộ, đảng viên đoàn kết thống nhất, từng bước nâng cao trình độ chuyên môn và ngày càng có nhiều kinh nghiệm trong công tác dân vận. Tuy nhiên, hiện nay công tác dân vận chính quyền vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Trong đó phải kể đến công tác quản lý, điều hành của một số cơ quan hành chính, chính quyền một số địa phương còn chậm, thiếu chủ động trong việc tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Một số sở, ngành chưa chủ động nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực phụ trách, nhất là triển khai các chế độ, chính sách pháp luật mới ban hành. Nhận thức của một bộ phận nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng nói chung, về thực hành dân chủ nói riêng còn hạn chế. Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” chưa được phát huy tối đa, nhất là trong việc lấy ý kiến rộng rãi nhân dân khi xây dựng, triển khai các đề án, dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng cải cách hành chính vẫn còn một số nội dung, lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu…

Trước những điều kiện mới, tình hình mới, nhiệm vụ mới đòi hỏi công tác dân vận chính quyền cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả. Đồng chí Phạm Thị Phúc - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho rằng, năm 2024, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, tỉnh về công tác dân vận, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện về tư tưởng, tổ chức và hành động; tập trung giải quyết kịp thời những kiến nghị, bức xúc chính đáng của người dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. 

Có như vậy, “ý Đảng” mới phù hợp với “lòng dân”, tạo thành sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

(baolamdong.vn) 

Gửi cho bạn bè