Thứ Ba, 26/11/2024
Dày công xây đắp thương hiệu Bộ đội Biên phòng
 
 Cán bộ quân y Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An chăm sóc sức khỏe cho người dân biên giới


"Ðồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt", tinh thần và trách nhiệm ấy được mỗi cán bộ, chiến sĩ biên phòng mang trong hành trang lên biên giới suốt 65 năm qua, đã góp phần quan trọng làm cho diện mạo các làng, bản trên biên giới, hải đảo ngày càng đổi thay, khởi sắc.

"3 bám, 4 cùng" để dân hiểu, dân tin, dân làm theo

Công tác vận động quần chúng, tuyên truyền đặc biệt của Bộ đội Biên phòng được Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Sự bền bỉ, vượt khó, sáng tạo qua nhiều năm đã xây dựng nên thương hiệu của Bộ đội Biên phòng.

Ðến nay, 22 phong trào, chương trình, mô hình, sáng kiến của Bộ đội Biên phòng tiếp tục phát huy hiệu quả và có tính lan tỏa cao; nhất là các chương trình "Nâng bước em đến trường-con nuôi đồn biên phòng", "Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản", "Biên cương đêm hội trăng rằm", "Ðồng hành cùng phụ nữ biên cương"...

Một số mô hình mới được triển khai trong giai đoạn này đã huy động hàng trăm tỷ đồng hướng về cơ sở, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Chương trình "Nâng bước em tới trường-con nuôi đồn biên phòng" đỡ đầu gần 2,5 nghìn em học sinh, nhận nuôi 388 em có hoàn cảnh khó khăn làm con nuôi tại các đồn biên phòng.

Thành công của chương trình đã tạo khí thế, động lực và sự tin tưởng để Bộ đội Biên phòng tham mưu Bộ Quốc phòng thực hiện hiệu quả Dự án "Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường" với 400 em được nhận nuôi, gần 5.500 em được nhận hỗ trợ.

Trưởng phòng Vận động quần chúng, Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng, Ðại tá Nguyễn Văn Minh chia sẻ: Công tác vận động quần chúng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và là biện pháp công tác cơ bản, nền tảng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác biên phòng. Công tác này đòi hỏi phải thường xuyên, liên tục. Có gần dân, nắm chắc tình hình địa bàn, tâm tư, nguyện vọng của dân mới vận động được dân nghe và tin, thì chủ trương nào cũng được dân ủng hộ.

Cùng với việc triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp công tác biên phòng, Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lực lượng xác định và tập trung chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng, nhất là ở đơn vị cơ sở. Mỗi cán bộ, chiến sĩ nhất là đội ngũ cán bộ vận động quần chúng đã phát huy vai trò trách nhiệm, chủ động khắc phục khó khăn thực hiện "3 bám, 4 cùng" để dân hiểu, dân tin, dân làm theo và giúp đỡ bộ đội.

Mô hình "Cán bộ biên phòng tăng cường xã" triển khai từ năm 1998 đến nay đã "chọn mặt gửi vàng", bố trí hàng chục nghìn lượt cán bộ, đảng viên là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đảm nhận nhiệm vụ cán bộ tăng cường xã và hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ "3 bám, 4 cùng" với bà con dân tộc khu vực biên giới. Hiện, vẫn tiếp tục duy trì, phát huy có hiệu quả hoạt động của 289 cán bộ tăng cường xã, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố hệ thống chính trị cơ sở; thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới.

Ðồng thời, việc nâng cao hiệu quả sinh hoạt của 1.560 đảng viên các đồn biên phòng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản biên giới ngày càng được chú trọng. Theo đó, các đơn vị phân công 9.661 đảng viên đồn biên phòng phụ trách gần 42.300 hộ gia đình ở khu vực biên giới, vừa tăng cường nắm tình hình, vừa giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xóa đói, giảm nghèo.

Các đơn vị Bộ đội Biên phòng nhận đỡ đầu 189 xã xây dựng nông thôn mới, trong đó có 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động quân dân y kết hợp, duy trì các lớp học xóa mù chữ, lớp học tình thương; tổ chức khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí và xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học cho nhân dân, xây mái ấm cho người nghèo, công trình dân sinh nơi biên giới, hải đảo.

Nhân lên những tin yêu

Cùng với thực hiện các chương trình, mô hình, phong trào do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng triển khai, các đơn vị Bộ đội Biên phòng hiện đang thực hiện 100 mô hình hay, cách làm tốt giúp dân phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực biên giới. Ðó là những mô hình "Phòng đọc biên giới" ở Quảng Nam, "Tiếng kẻng vùng biên" ở các tỉnh Long An, Gia Lai, Ðắk Nông; "Ngân hàng bò" ở Hà Giang, "Dê giống khởi nghiệp, bò giống cho đồng bào nghèo biên giới" ở Quảng Trị...

Trong số đó, mô hình "Bữa sáng cho em" tuy giản đơn nhưng đầy ân tình của mỗi cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Hằng ngày, tại Trường tiểu học Loong Sập (huyện Mộc Châu, Sơn La) những người lính biên phòng đã trích quỹ tăng gia, cử cán bộ nấu bữa sáng, phối hợp giáo viên tổ chức cho hơn 80 cháu học sinh tiểu học và mầm non ăn sáng tại trường.

Hay từ những đôi bàn tay khéo léo, mô hình "Tay kéo biên phòng" đã triển khai tại 33 tỉnh, thành phố, tổ chức cắt tóc miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, các em học sinh… Mô hình "Mỗi tuần 1 địa chỉ", "Mỗi tuần giúp đỡ 1 hộ nghèo" được Bộ đội Biên phòng các tỉnh Long An, Bình Ðịnh triển khai một tổ công tác, hằng tuần phối hợp ban, ngành, đoàn thể địa phương đến từng gia đình có hoàn cảnh khó khăn dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa, công trình vệ sinh, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn nơi đây.

Sự thành công từ các mô hình "dân vận khéo" do Bộ đội Biên phòng triển khai, cầm tay chỉ việc được bà con các bản, làng biên giới hưởng ứng, làm theo. Trong đó, tiêu biểu là mô hình nuôi cá hồi, cá tầm ở Pa Vệ Sử; nuôi trâu sinh sản, nuôi bò, dê lấy thịt ở Dào San của Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu; trồng lúa nước của Bộ đội Biên phòng các tỉnh: Thanh Hóa, Quảng Bình, Gia Lai; nuôi bò, dê sinh sản của Bộ đội Biên phòng các tỉnh Hà Giang, Ðắk Nông; trồng chuối, chanh leo... xuất khẩu của các đơn vị ở Lào Cai, Sơn La... Các mô hình không chỉ đem lại thu nhập, thoát nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững cho nhân dân mà từ đây nhiều gia đình trở nên giàu có.

Qua quá trình triển khai thực hiện, các đơn vị cũng đã tham mưu, phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai đạt hiệu quả thiết thực, với nhiều phong trào tiêu biểu, như: Phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới", "Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất nhập cảnh trái phép" ở khu vực biên giới; "Hộ gia đình tham gia bảo vệ đường biên, mốc quốc giới", "Tổ tuần tra thanh niên", "Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới", "Thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận", "Buôn làng không có người vượt biên trái phép", "Tiếng kẻng vùng biên", "Dòng họ tự quản về an ninh trật tự", "Bến bãi an kết", "Tổ đoàn kết sản xuất trên biển"...

Tính đến nay, quần chúng nhân dân đăng ký tự quản được 1.546 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới; thành lập 3.388 tổ tàu thuyền an toàn, đoàn kết bảo vệ chủ quyền biển, đảo và 100% thôn, bản biên giới thành lập tổ tự quản an ninh trật tự. Thông qua đó, nhân dân cung cấp hàng trăm tin có giá trị phục vụ công tác quản lý, bảo vệ biên giới và công tác đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, mua bán người, buôn lậu, xuất, nhập cảnh trái phép, tích cực tham gia hàng nghìn ngày công phát quang đường biên, mốc quốc giới và đường thông tầm nhìn biên giới...

Thiếu tướng Trần Văn Bừng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng cho biết: Những mô hình mới, kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo trong việc phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia từ cơ sở trong thời gian qua, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nhận thấy có thể nhân rộng trong toàn lực lượng như: "Ngân hàng bò giống", "Lũy tre biên giới", "Ánh sáng vùng biên", "Phát triển đảng viên là chiến sĩ nghĩa vụ trong bộ đội biên phòng", "Biên giới với học đường", "Tiếng loa biên phòng"...

Việc áp dụng rộng rãi mô hình này được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân khu vực biên giới ủng hộ, đồng thuận cao; từ đó, tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa tuyến trước với tuyến sau ngày càng gắn bó. Ðồng thời, nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân tuyến sau đối với việc tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới ngày càng được nâng cao, góp phần giảm bớt những khó khăn về vật chất, tinh thần cho quân, dân trên địa bàn biên giới, kịp thời động viên khích lệ đồng bào các dân tộc và cán bộ chiến sĩ nơi tuyến trước yên tâm gắn bó với biên giới, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

(nhandan.vn) 

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất