|
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận phiên chất vấn |
Trong một ngày làm việc, phiên chất vấn đối với lĩnh vực tài chính và lĩnh vực ngoại giao đã có 69 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, tranh luận, trong đó có 5 lượt đại biểu tranh luận, với 86 câu hỏi đã được các đại biểu đặt ra với các Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, các nhóm vấn đề thuộc 2 lĩnh vực được lựa chọn chất vấn lần này đều rất quan trọng, thu hút sự quan tâm, chú ý rộng rãi của cử tri, Nhân dân cả nước.
Các đại biểu Quốc hội, từ kinh nghiệm hoạt động của mình, đã chuẩn bị kỹ các câu hỏi ngắn gọn, phản ánh sát thực tế và đời sống, nguyện vọng của cử tri, thực hiện chất vấn bảo đảm đúng thời gian quy định.
Các Bộ trưởng với tinh thần trách nhiệm cao, hiểu biết, nắm chắc thực trạng, ngành lĩnh vực phụ trách đã trả lời rõ ràng, rành mạch, thẳng vào các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm và đã làm rõ thực trạng, đề xuất nhiều giải pháp đối với các vấn đề chất vấn.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tổ chức thực hiện đồng bộ
Nêu các nhiệm vụ trong thời gian tới, đối với lĩnh vực tài chính, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, các Bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra, tập trung vào các vấn đề sau:
Một là, về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tìm giải pháp phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế; đa dạng và chuyên nghiệp hóa kênh phân phối bảo hiểm nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp được tham gia bảo hiểm; công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp bảo hiểm; thực hiện nghiêm quy định về Luật Kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt là việc không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức, nhất là việc bán bảo hiểm kèm theo những sản phẩm của ngân hàng…
Hai là, về việc thẩm định, cấp giấy phép hoạt động các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kế toán, kiểm toán, thẩm định giá dịch vụ xếp hạng tín nhiệm và chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện theo hướng tiếp cận với thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam; rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán độc lập, sửa đổi về điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán trong Luật Kế toán và Luật Quản lý thuế. Nâng cao chất lượng thẩm định, cấp giấy phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính. Tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ kế toán viên, kiểm toán viên trong bối cảnh hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề thẩm định giá, kiểm toán…
Ba là, về hoạt động kinh doanh xổ số trò chơi có thưởng, cần hoàn thiện khung pháp lý đối với lĩnh vực xổ số đặt cược casino và trò chơi có thưởng; đến năm 2025 hoàn thành việc sửa đổi Nghị định số 06/2017/NĐ-CP của Chính phủ; từng bước tái cơ cấu thị trường theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, kinh doanh xổ số; tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong các hoạt động này, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Bốn là, về công tác hải quan, tiếp tục xây dựng hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước trong khu vực và thế giới; đến năm 2025 cơ bản hoàn thành công tác nâng cấp, hoàn thiện hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan; 100% thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến hoàn chỉnh cho người dân, doanh nghiệp và được tích hợp với hệ thống mở cửa quốc gia…
Năm là, về công tác quản lý giá, ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giá, nhất là quy định về chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam, bảo đảm có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024. Chủ động công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá cả thị trường để xây dựng và cập nhật kịch bản lạm phát nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra. Tiếp tục thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường trên cơ sở đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá…
Cùng với đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị lĩnh vực tài chính thực hiện đồng bộ các giải pháp: tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật và tổ chức thực hiện đồng bộ tất cả các lĩnh vực; hoàn thiện biện pháp tổ chức quản lý Nhà nước, xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ, của từng bộ, ngành, địa phương, cả Bộ quản lý chuyên ngành và Bộ quản lý tổng hợp, đồng thời, đề cao nguyên tắc phối hợp trong tổ chức thực hiện; phát huy vai trò của các hiệp hội ngành nghề dịch vụ tài chính, đề cao đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề dịch vụ, của tổ chức và cá nhân cũng như là trách nhiệm của các thành viên hội viên trong việc chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước.
Đẩy mạnh các công tác ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa
Đối với lĩnh vực ngoại giao, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các đại biểu, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế, trong đó tập trung vào một số vấn đề lớn:
Một là, về việc thực hiện các thỏa thuận, cam kết song phương, đa phương, cần hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển theo tinh thần Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Tăng cường rà soát, đôn đốc việc thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, trong đó tập trung vào các điều ước, thỏa thuận hợp tác lớn và quan trọng…
Hai là, về liên kết hội nhập quốc tế, cần phát huy vai trò của mạng lưới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là cầu nối, là chủ thể hội nhập; tiếp tục tham mưu thúc đẩy ký kết, sửa đổi, bổ sung các hiệp định, các thỏa thuận đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do mới theo hướng chọn lọc, ưu tiên các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trên nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc và thúc đẩy quan hệ thương mại quốc tế theo chiều sâu, hiệu quả và thực chất…
Ba là, về ngoại giao văn hóa, phát triển du lịch và chính sách miễn thị thực, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả đổi mới về nội dung, hình thức, phương thức của công tác ngoại giao văn hóa, thông tin, tuyên truyền về đối ngoại; tích cực, chủ động hợp tác song phương và đa phương về du lịch; gắn kết chặt chẽ ngoại giao văn hóa với ngoại giao kinh tế, góp phần thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư du lịch, hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi để đất nước phát triển nhanh, bền vững; tận dụng tốt các nền tảng số để quảng bá hiệu quả hơn, sáng tạo hơn hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam…
Bốn là, về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân, cần nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo hộ công dân và người Việt Nam ở nước ngoài; triển khai toàn diện, hiệu quả công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm phát huy hơn nữa nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong triển khai bảo hộ công dân…
Năm là, về công tác tổ chức bộ máy ngành ngoại giao, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về lĩnh vực ngoại giao, đáp ứng yêu cầu công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trong tình hình mới của đất nước; có kế hoạch xây dựng, cải tạo trụ sở và điều kiện làm việc của các cơ quan này nhằm nâng cao khả năng, năng lực thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, kết quả phiên chất vấn lần này cho thấy, nhiều vấn đề tồn tại và đang bức xúc trong xã hội đã được đưa ra diễn đàn Quốc hội bàn thảo, giúp phát hiện những bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật, cũng như nâng cao trách nhiệm của các bộ trưởng trong việc tìm ra các giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với các giải pháp mà các Bộ trưởng đã cam kết, với quyết tâm cao của tập thể Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các lĩnh vực được chất vấn lần này sẽ tiếp tục có nhiều chuyển biến mới, tốt đẹp hơn trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, ngay sau phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết về chất vấn, trong đó xác định rõ những công việc trọng tâm cụ thể mà Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan địa phương cần thực hiện. Quốc hội, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát việc thực hiện theo nghị quyết và lời hứa của các vị bộ trưởng, trưởng ngành.
(daibieunhandan.vn)