Thứ Hai, 7/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Bình: "Dân vận khéo" theo lời dạy của Bác

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ, đảng viên phải gắn bó với nhân dân, sát dân để nghe dân, học dân, nói với dân và chăm lo đời sống của dân. Người dạy cán bộ, chiến sĩ không được tơ hào cái kim, sợi chỉ của dân. Những lời dạy của Bác hiện vẫn còn nguyên giá trị và trở thành “kim chỉ nam” để LLVT tỉnh làm tốt công tác dân vận hiện nay, đặc biệt là công tác dân vận vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

 
LLVT tỉnh tham gia làm đường, xây dựng NTM ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi 

 

Công tác dân vận vùng dân tộc thiểu số và miền núi được LLVT tỉnh gắn chặt với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, các phong trào thi đua “Dân vận khéo” và xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”, “LLVT Quảng Bình chung sức xây dựng nông thôn mới ”, “LLVT Quảng Bình chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Học tập, noi gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp”…

Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh cũng đã tổ chức cho lực lượng bộ đội địa phương hành quân dã ngoại làm công tác dân vận ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng giáo, nơi triển khai các dự án kinh tế trọng điểm của tỉnh, kết hợp với tham gia xây dựng NTM, giúp dân phát triển kinh tế - xã hội mang lại hiệu quả thiết thực.

Chia sẻ về kết quả công tác dân vận của LLVT tỉnh, thượng tá Trần Xuân Hà, Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh cho hay: “Thấm nhuần lời dạy của Bác về công tác dân vận, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh luôn nhận thức sâu sắc rằng, công tác dân vận không chỉ giải thích, vận động, tuyên truyền mà phải gần dân, nghe dân, hiểu dân để giải quyết những khó khăn, thắc mắc và chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Từ năm 2021 đến nay, LLVT tỉnh đã thực hiện các hoạt động hành quân dã ngoại giúp dân ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi với tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng và hơn 12.000 ngày công của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ và lực lượng dân quân. Các hoạt động góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, bồi đắp hình ảnh tốt đẹp của LLVT tỉnh trong thời kỳ mới, củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó quân - dân”.

Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy huy động nguồn kinh phí 1,5 tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng NTM ở vùng dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo, gồm: Xây dựng 1 cầu dân sinh tại thôn Bồng Lai (xã Hưng Trạch, Bố Trạch), làm đường giao thông tại các bản: Cổ Tràng (xã Trường Sơn, Quảng Ninh), Còi Đá (xã Ngân Thủy, Lệ Thủy) và K-ing (xã Trọng Hóa, Minh Hóa).

Bộ CHQS tỉnh cũng phối hợp chỉ đạo triển khai thực hiện công tác dân vận tại thôn Bồng Lai và 3 bản: Cổ Tràng, Còi Đá, K-ing với nhiều phần việc có ý nghĩa thiết thực, như: Giúp dân trên 600 ngày công lao động; sửa chữa, nâng cấp gần 1km đường giao thông; sửa chữa 22 nhà ở cho bà con; tặng 58 suất quà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn… với tổng kinh phí huy động gần 900 triệu đồng. Với chủ đề: “Kết nối yêu thương - nâng cánh ước mơ”, Bộ CHQS tỉnh đã hoàn thành và bàn giao công trình khu vui chơi giải trí cho các cháu Trường mầm non Hóa Tiến (xã Hóa Tiến, Minh Hóa) với kinh phí 250 triệu đồng…

Trao đổi với phóng viên, thượng tá Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh nhấn mạnh: “Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, LLVT tỉnh luôn đổi mới tư duy, nội dung, hình thức và phương pháp nhằm tạo sinh khí mới, sức sống mới trong dân tộc thiểu số và miền núi. Điểm nhấn trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” của Bộ CHQS tỉnh là các mô hình, như: “LLVT Quảng Bình hướng về đồng bào vùng sâu, địa bàn khó khăn, việc khó và hộ gia đình khó khăn”, “Cầu nghĩa tình quân dân”, “Đường quân - dân kiểu mẫu”, “Kết nối yêu thương - nâng cánh ước mơ”... Tại các địa phương có mô hình “Lên bản Rào Con” của Ban CHQS huyện Bố Trạch, “Nồi cháo tình thương” cho bệnh nhân nghèo của Ban CHQS huyện Minh Hóa, “Bữa cơm cho em” của Ban CHQS huyện Lệ Thủy, “Nâng bước chân em đến trường” và “LLVT huyện Tuyên Hóa chung sức vì hộ nghèo” của Ban CHQS huyện Tuyên Hóa...”.

Tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng ĐBDTTS, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, cơ quan quân sự địa phương các cấp đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương kiện toàn chức danh trưởng bản, người đứng đầu tổ chức Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội; phối hợp tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc và tham gia xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên vững mạnh.

Thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi , Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương tặng con giống, vật nuôi cho gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có quân nhân nhập ngũ với số tiền trên 3,5 tỷ đồng/năm. Đến nay, mô hình “Nâng bước chân em đến trường” của Bộ CHQS tỉnh đã nhận nuôi và hỗ trợ 49 cháu con em dân tộc thiểu số ở địa bàn khó khăn; trong đó nuôi tại gia đình 9 cháu với mức hỗ trợ gần 24 triệu đồng/cháu/năm, hỗ trợ 40 cháu với mức 7,4 triệu đồng/cháu/năm, thời gian nuôi và hỗ trợ các cháu đến hết lớp 12.

Qua đó, phát huy vai trò lực lượng nòng cốt trong vùng dân tộc thiểu số, giúp bà con nhận rõ đúng - sai, đấu tranh kịp thời với âm mưu, thủ đoạn chống phá, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch. LLVT tỉnh tích cực vận động quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới và giải quyết các vụ việc phức tạp, không để hình thành các “điểm nóng”; làm chỗ dựa tin cậy cho cấp ủy, chính quyền cơ sở trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Nhờ sự phối hợp, đóng góp quan trọng của cơ quan quân sự địa phương, hệ thống chính trị của các xã ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi có sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, ngày càng hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đại tá Trương Như Ý, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh khẳng định: “Với phương thức tiến hành  đúng nguyên tắc, quy chế, quy định, vừa linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể của địa phương theo phương châm: “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” và phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, công tác dân vận đã góp phần thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở, củng cố đoàn kết, thống nhất cao trong cơ quan, đơn vị. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng lan tỏa trong LLVT tỉnh cả bề rộng và chiều sâu; huy động được sự vào cuộc của hệ thống chính trị ở cơ sở để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững. Qua đó, tiếp tục củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết máu thịt quân - dân, phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, xây dựng LLVT tỉnh trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị”.

(baoquangbinh.vn) 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác