Thứ Ba, 26/11/2024
Đổi mới công tác dân vận của chính quyền ở Hà Giang
 
Cán bộ, đoàn viên xã Tân Tiến (Hoàng Su Phì) giúp đỡ người dân cải tạo vườn tạp.


Các cơ quan hành chính, chính quyền các cấp trên từ tỉnh đến cơ sở đã bám sát chủ trương, đường lối, các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác dân vận, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác dân vận gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đổi mới hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp theo hướng hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch, dân chủ, gần dân, sát dân.

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp đã đẩy mạnh phối hợp triển khai hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” gắn với các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế như: Chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ; phát triển bền vững cây cam Sành; phát triển chăn nuôi hàng hóa... Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 1.890 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó có 1.117 mô hình phát triển kinh tế, nhiều mô hình đã đem lại giá trị cao, giúp người dân tăng thu nhập, giải quyết việc làm.

Đặc biệt, “Dân vận khéo” trong lĩnh vực xây dựng Nông thôn mới đã được các cấp, các ngành triển khai hiệu quả, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các tiêu chí. Năm 2023, nhân dân hiến trên 188.000 m2 đất; đóng góp 162.741 ngày công lao động; mở mới 150 km đường đất, đá; sửa chữa, nâng cấp, mở rộng 190 km đường; xây dựng, tu sửa 147 nhà văn hóa thôn; láng nền nhà 2.715 hộ... Xây dựng Nông thôn mới đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi ở các khu dân cư, đem đến diện mạo ngày càng đổi mới cho khu vực nông thôn của tỉnh.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) cũng là một điểm nhấn nổi bật trong công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp của tỉnh. Thời gian giải quyết TTHC được rút ngắn tối đa, tỷ lệ giải quyết TTHC trước hạn và đúng hạn thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh đạt 99,8%, cấp huyện đạt 97%. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc kỷ cương, khoa học, văn minh, thân thiện, tận tình, nói không với tiêu cực, tham nhũng vặt. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh tăng qua từng năm. Trong đó, năm 2023, Hà Giang xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố về chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp (tăng 5 bậc so với năm 2022).

Thực hiện công tác dân vận chính quyền năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai đến các cấp, các ngành. Trong đó, tiếp tục tập trung đổi mới hoạt động quản lý điều hành của cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền các cấp theo hướng hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch, dân chủ, thân thiện và gần dân. Thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong quá trình triển khai các chương trình, đề án, chính sách, đặc biệt là trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm.

Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung đơn giản hóa một số TTHC trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp như: Đất đai, đầu tư, thuế, bảo hiểm xã hội, đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng. Chú trọng thực hiện tốt văn hóa công sở, nâng cao đạo đức công vụ, đổi mới phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng tác phong làm việc “Trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”. Tăng cường công tác thanh tra công vụ để chấn chỉnh, xử lý những biểu hiện, hành vi sách nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức.  

Đẩy mạnh phong trào “Dân vận khéo”, coi đây là nhiệm vụ chính trị của tất cả các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng. Phấn đấu năm 2024, các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, mỗi cơ quan xây dựng được ít nhất một mô hình “Dân vận khéo”. Xây dựng hệ thống nắm bắt thông tin từ cơ sở, tổ chức gặp gỡ, họp mặt cán bộ hưu trí, đại biểu trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nghiệp, đại diện đồng bào các dân tộc thiểu số, tôn giáo... Qua đó, lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân; đồng thời tiếp thu, giải thích rõ các vấn đề quan trọng của đất nước, của tỉnh, góp phần củng cố niềm tin và tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân.

(baohagiang.vn) 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất