Thứ Ba, 26/11/2024
Công an tỉnh Sơn La: Xây dựng thế trận lòng dân
 

Tranh thủ trong những ngày mùa vụ, lực lượng công an xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên
tuyên truyền về cài đặt định danh điện tử cho người dân.

 

Nỗ lực vì người dân

Bắc Yên là huyện vùng cao của tỉnh Sơn La, chủ yếu là đồng bào H’Mông sinh sống ở những địa bàn đi lại khó khăn. Do vậy, việc làm các thủ tục như cài đặt tài khoản định danh điện tử không hề đơn giản. Điều này đòi hỏi cần phải có những cách làm sáng tạo và phù hợp với thực tiễn của địa bàn.

Theo chân Tổ công tác của Công an xã Hồng Ngài đến bản Suối Háo thu nhận hồ sơ, cấp tài khoản điện tử cho các hộ dân, mới thấy được sự khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sĩ nơi đây.

Vào thời điểm này, bản Suối Háo đã vào mùa lên nương, do đó việc gặp người dân đã khó, việc cài đặt tài khoản định danh điện tử cho bà con lại càng khó hơn.

“Nắm được những vấn đề trên, anh em trong Tổ công tác đã phối hợp với lực lượng cán bộ, công chức, công an viên bản chia thành 8 tổ đến từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân. Những gia đình nào đi nương, đi làm ruộng thì anh em đến tận nương, tận ruộng để cấp tài khoản định danh điện tử cho bà con”, Đại úy Hoàng Văn Đông, Phó trưởng Công an xã Hồng Ngài chia sẻ.

Đơn cử như trường hợp chị Mùa Thị Váng, bản Suối Háo. Khi Tổ công tác tới nhà thì cả gia đình đang canh tác trên nương. Các cán bộ, chiến sĩ lại tới cánh đồng thu nhận hồ sơ và cấp tài khoản định danh điện tử cho gia đình.

Vừa bất ngờ, vừa vui mừng, chị Mùa Thị Váng, nói: “Tôi đã được các anh công an làm căn cước công dân gắn chip. Hôm nay được các anh đến tận ruộng hướng dẫn và cài đặt tài khoản định danh. Tôi sẽ tuyên truyền và huy động bà con trong bản đến nhà văn hóa cài đặt tài khoản định danh”.

Chia sẻ với phóng viên, Đại úy Luyện Sỹ Dũng, Trưởng Công an xã Hồng Ngài cho biết thêm: “Mấy tháng nay, chúng tôi làm việc không có ngày nghỉ. Do người dân chưa hiểu hết những tiện ích mà căn cước công dân gắn chip hay tài khoản định danh điện tử mang lại? Chúng tôi luôn xác định mục tiêu lớn nhất trong chiến dịch thực hiện Đề án 06 đó là phải giúp bà con hiểu, tin về những gì mình đang làm”.

Trung úy Mùa A Do bộc bạch: “Thời điểm ban đầu, việc tuyên truyền vận động bà con gặp nhiều khó khăn. Nhưng mưa dầm thấm lâu, nói bằng tiếng đồng bào H’Mông thì bà con cũng cảm thấy gần gũi và thân thuộc nên rất ủng hộ. Do đó, tôi tranh thủ dạy thêm tiếng H’Mông với những từ giao tiếp cơ bản cho đồng nghiệp để thuận tiện trong giao tiếp và công tác”.

Đến nay, rất nhiều người dân trên các bản vùng cao huyện Bắc Yên nói riêng và toàn tỉnh Sơn La nói chung đã biết cách sử dụng tài khoản VNeID của công dân để nộp hồ sơ trực tuyến, tra cứu thông tin cư trú của công dân và thực hiện các thủ tục liên thông khai sinh, khai tử.

Qua đánh giá thực tiễn cho thấy việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác hiệu quả ứng dụng chuyển đổi số tại các xã, bản vùng cao của Sơn La đã góp phần phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực an ninh biên giới, an ninh dân tộc; giúp người dân học tập, ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại địa phương.

“Vùng đất nóng” chuyển mình

Đã từng được nghe rất nhiều về xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ qua những lời kể và từ những tư liệu của đồng nghiệp, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi được đặt chân đến tận địa bàn được coi là “thánh địa của tội phạm ma túy”.

Dẫn chúng tôi đến bản Lóng Luông, Thiếu tá Lý Văn Minh, Trưởng Công an xã Lóng Luông kể rất nhiều về những đổi thay trên vùng đất này sau bao năm lực lượng công an phối hợp với các lực lượng tuyên truyền, vận động đồng bào.

Lóng Luông là địa bàn phức tạp về ma túy. Có thời điểm, cả xã có hơn 30 đối tượng truy nã về tội mua bán trái phép chất ma túy, trong đó có cả những đối tượng cộm cán... Ngược dòng thời gian của một thập kỷ trước, để giải quyết tình hình phức tạp này, năm 2013, Phương án 279 đã được triển khai thực hiện với 11 tổ công tác cắm tại các bản trên địa bàn xã Lóng Luông.

Các tổ công tác 279 và lực lượng công an xã, cùng chính quyền địa phương đã kiên trì đến từng hộ, từng bước vận động người dân phát giác, tố giác tội phạm, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. “Mưa dầm, thấm sâu”, nhiều người đã hiểu và vận động con em mình ra đầu thú.

Đồng chí Giàng A Dê, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lóng Luông cho biết: “Những năm qua, tình hình an ninh trật tự tại địa bàn xã đã có những chuyển biến tích cực, tội phạm đã giảm nhiều, tình hình không còn phức tạp như trước. Kết quả đó có sự đóng góp rất nhiều của lực lượng công an xã chính quy tại địa bàn, góp phần làm thay đổi nhận thức về pháp luật của bà con trong xã”.

“Riêng trong việc triển khai thực hiện Đề án 135 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, công an xã đã tham mưu cho Đảng ủy xã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định thành lập các tổ giúp việc Ban Chỉ đạo phòng, chống và kiểm soát ma túy trên địa bàn xã Lóng Luông; tổ chức ký cam kết, giao ước thi đua với 62 đơn vị, 1.395 hộ; giữ vững 100% đơn vị không có ma túy”, đồng chí Giàng A Dê cho biết thêm.

Giống như Lóng Luông, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La những năm trước cũng là một trong những địa bàn rất phức tạp về tình hình tội phạm ma túy…

Ngọc Chiến từng là xã trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự, là nơi tội phạm ma túy ngày đêm hoạt động, đối tượng thường lợi dụng địa bàn giáp ranh với tỉnh khác để vận chuyển và tiêu thụ ma túy. Tệ nạn ma túy, kéo theo trộm cắp tài sản, mất đoàn kết trong gia đình, cộng đồng dân cư, ảnh hưởng nhiều tới phát triển kinh tế.

Trao đổi thêm với Trung tá Lê Mùi, Trưởng Công an huyện Mường La, được biết: Xã Ngọc Chiến đã và đang duy trì hiệu quả hoạt động của 157 nhóm liên gia tự quản về an ninh trật tự, 15 tổ an ninh nhân dân, 16 tổ hòa giải, 16 đội phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn và một tổ liên gia tự quản phòng cháy, chữa cháy.

Đầu năm 2024 đến nay, nhóm liên gia tự quản về an ninh trật tự tại xã Ngọc Chiến đã tham gia cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ 38 người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Các tổ, đội, nhóm cung cấp cho công an xã gần 100 tin giá trị về an ninh trật tự, giúp lực lượng công an ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật ngay tại cơ sở…

Từng phạm tội buôn bán ma túy, sau khi cải tạo trở về địa phương, tận dụng được đất của gia đình và được công an xã, các cấp chính quyền cơ sở tạo điều kiện, anh Quàng Minh Tuấn, xã Ngọc Chiến đã chủ động mở homestay làm ăn chân chính và tạo thu nhập cho gia đình…

Anh Quàng Minh Tuấn, chia sẻ: “Được xã tạo điều kiện, các anh công an xã giúp đỡ, gia đình tôi đã chuyển hướng sang phát triển du lịch, trồng thêm cây ăn quả, nuôi lợn, gà. Giờ cuộc sống gia đình đã ổn định. Bản thân tôi sẽ không nghe theo kẻ xấu dụ dỗ đi buôn bán, sử dụng ma túy nữa…”.

Những kết quả mà lực lượng công an tại các cơ sở của tỉnh Sơn La đạt được trong thời gian qua đã và đang góp phần quan trọng xây dựng địa bàn cơ sở an toàn, vững mạnh, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, loại trừ triệt để những vấn đề phức tạp ngay từ khi mới nảy sinh, góp phần bảo đảm an ninh trật tự và phát triển kinh tế-xã hội, tại các cơ sở...

(nhandan.vn) 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất