Thứ Ba, 14/1/2025
Khai mạc Phiên họp thứ 36 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
 
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp. 


Xem xét 12 nội dung quan trọng

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, căn cứ Chương trình công tác năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên họp thường kỳ thứ 36 trong 4 ngày từ ngày 19 – 22/8, xem xét 12 nội dung quan trọng và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với các Bộ trưởng, Trưởng ngành.

Thứ nhất, về công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về 3 dự án luật: Luật Điện lực (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nếu Chính phủ chuẩn bị tốt, các cơ quan thẩm tra đồng thuận với cơ quan soạn thảo, đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng đồng thuận cao thì dự án Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân. Trên cơ sở ý kiến ĐBQH tại Kỳ họp thứ Bảy vừa qua và Phiên họp này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan tiếp tục hoàn chỉnh, trình Hội nghị ĐBQH chuyên trách, xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, các cơ quan, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung 2 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Luật Phòng bệnh.

Đến nay, khối lượng công việc các dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám và Kỳ họp thứ Chín đã rất lớn, do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, ngay từ thời điểm này cần phải xem xét, tính toán việc bổ sung các dự án luật sao cho phù hợp. Đã bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì cơ quan soạn thảo phải chuẩn bị kỹ, cơ quan thẩm tra cũng phải thẩm tra chặt chẽ, đúng quy trình; những vấn đề nào “đã chín, đã rõ” thì đưa vào luật, những vấn đề “chưa chín, chưa rõ”, chưa được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh thì tiếp tục nghiên cứu, không vì thời gian gấp mà bỏ qua các công đoạn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

“Vấn đề xây dựng pháp luật vừa qua có kẽ hở nào, công đoạn nào làm chưa kỹ thì phải nghiêm túc rút kinh nghiệm. Quốc hội Khóa XV chỉ còn 3 kỳ họp là Kỳ họp thứ Tám, Kỳ họp thứ Chín, Kỳ họp thứ Mười, do đó, phải làm thật kỹ, thật chắc, luật nào ra đời là phải có “tuổi thọ” và chất lượng cao”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với 9 nhóm lĩnh vực

Thứ hai, về công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày (cả ngày 21/8 và sáng ngày 22/8/2024) cho hoạt động chất vấn, qua đó, sẽ đánh giá toàn diện, tổng thể về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 liên quan đến 9 lĩnh vực.

Cụ thể, nhóm lĩnh vực thứ nhất là nhóm kinh tế - xã hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành, liên quan đến 3 lĩnh vực: công thương; văn hóa, thể thao và du lịch; nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Nhóm lĩnh vực thứ 2 thuộc nhóm nội chính do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành, liên quan đến 6 lĩnh vực: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, phiên chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn để làm cơ sở cho các cơ quan triển khai và để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, các ĐBQH theo dõi, giám sát.

Bên cạnh đó, theo Chương trình giám sát năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Đoàn giám sát và thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023”; xem xét Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7/2024 theo thông lệ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương Báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Cùng đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tổ chức Diễn đàn Quốc hội về hoạt động giám sát. “Đây là sáng kiến mới, lần đầu tiên được tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội”. Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại Phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về chủ trương tổ chức hoạt động này. Qua đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến cụ thể để công tác chuẩn bị và tổ chức Diễn đàn bảo đảm thiết thực, chu đáo, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đạt hiệu quả cao nhất.

Thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, quyết định các nội dung theo thẩm quyền, gồm: việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 của Bộ Y tế.

Đồng thời, xem xét, thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định một số nội dung liên quan đến các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính là đô thị giai đoạn 2023 - 2025. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 để đầu năm 2025 tập trung cho Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc cũng như bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thông qua nghị quyết để xử lý chung một số vấn đề phát sinh trong triển khai sắp xếp đơn vị hành chính. “Đối với việc sắp xếp cụ thể của địa phương, khi Chính phủ gửi hồ sơ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bố trí thời gian để xem xét một cách tập trung, mỗi lần bố trí xem xét việc sắp xếp của 10 đến 20 địa phương, tránh phân tán, rải rác quá nhiều lần”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Nhấn mạnh khối lượng công việc của phiên họp này rất nhiều, thời gian chỉ 4 ngày, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan báo cáo ngắn, gọn, rõ, phát biểu thẳng vào vấn đề. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành bảo đảm tiến độ chuẩn bị các dự án luật theo đúng trình tự, thủ tục, tránh việc đăng ký vào chương trình nhưng lại không chuẩn bị kịp; bám sát chương trình, chủ động chuẩn bị nội dung để sẵn sàng tham dự.

(daibieunhandan.vn) 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất