Thứ Hai, 25/11/2024
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy vai trò “đội quân công tác”, gắn bó máu thịt với nhân dân
 
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương,
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trao kinh phí của Bộ Quốc phòng và các doanh nghiệp quốc phòng
ủng hộ các địa phương xóa nhà tạm, nhà dột nát.
 

 

Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, phục vụ, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn mang bản chất truyền thống của một đội quân cách mạng, gắn bó máu thịt, thủy chung với đồng bào các dân tộc.

Trong thời kỳ đất nước đổi mới, phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, Quân đội ta thực hiện tốt chức năng “đội quân công tác”. Trong đó, công tác dân vận phát triển mạnh mẽ, toàn diện, được xác định là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch về công tác dân vận.

Những năm qua, công tác dân vận trong Quân đội đã có những bước đổi mới toàn diện, sâu rộng cả về nội dung, hình thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các đơn vị Quân đội thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm; đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc…

Đóng quân ở bất cứ đâu, các đơn vị Quân đội đều tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở địa phương vững mạnh. Bộ đội luôn sâu sát, gần gũi với nhân dân, “cùng ăn”, “cùng ở”, “cùng làm”, “cùng nói tiếng dân tộc”; tuyên truyền, vận động nhân dân nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.

Những năm qua, các đơn vị Quân đội tổ chức kết nghĩa với hơn 10.000 đầu mối, cử hơn 45.000 lượt cán bộ tham gia củng cố gần 13.000 chi bộ và tổ chức chính trị - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào tôn giáo, khu vực biên giới, địa bàn trọng điểm quốc phòng, an ninh; góp phần xóa tình trạng “trắng đảng viên”, “trắng chi bộ” ở nhiều thôn, bản. Tổ chức mở các lớp giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho hơn 3 triệu học viên các đối tượng khác nhau, hơn 300.000 chức sắc, chức việc tôn giáo và gần 20 triệu học sinh, sinh viên. Đặc biệt, đã phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, động viên thanh niên trong độ tuổi thực hiện tốt Luật Nghĩa vụ quân sự.

Các đơn vị Quân đội cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, các phong trào thi đua: “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Quân đội chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Các doanh nghiệp Quân đội, các binh đoàn, đoàn kinh tế - quốc phòng triển khai thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình, gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền; khắc phục hậu quả chiến tranh; bảo đảm việc làm, ổn định đời sống người lao động.

Nhiều chương trình, mô hình có sức lan tỏa, như: “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, “Thầy giáo, thầy thuốc mang quân hàm xanh”, “Ruộng lúa gắn kết”, “Con nuôi đồn biên phòng”, “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Ngôi nhà 100 đồng”, “Mái ấm Công đoàn - Nghĩa tình đồng đội”, “Mái ấm tình thương”, “Tết quân dân”, “Bệnh xá quân - dân y”…

Toàn quân đã phối hợp làm mới, sữa chữa, nâng cấp gần 100.000km đường nông thôn; hàng trăm nghìn km kênh mương nội đồng; xây dựng hàng nghìn nhà văn hóa, nhà ở chính sách cho người nghèo, hộ nghèo, người có công; xóa nhà tạm, nhà dột nát. Xây tặng và hỗ trợ xây dựng hàng trăm trường, lớp, phòng học; tham gia xóa mù chữ, phổ cập tiểu học cho học sinh; trao học bổng, tặng sách, vở và đồ dùng học tập trị giá hàng tỷ đồng; nhận đỡ đầu hơn 3.000 trẻ mồ côi; hỗ trợ Chương trình “Internet trường học”, “Sóng và máy tính cho em” với số tiền hơn 220 tỷ đồng.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng thường xuyên gần 3.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; khám bệnh, cấp thuốc và tặng sổ tiết kiệm cho hàng nghìn đối tượng chính sách; hỗ trợ trang thiết bị cho các trung tâm điều dưỡng người có công trị giá gần 700 tỷ đồng.

Trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, lực lượng Quân đội luôn xung kích trên tuyến đầu, tham gia khắc phục hậu quả hạn hán, cháy rừng, mưa lũ, xâm nhập mặn trên cả nước; cứu được hơn 12.000 người và hơn 7.500 phương tiện; chữa cháy 38.000ha rừng, thảm thực vật.

Thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú” trong Quân đội, đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu, như: “Đơn vị văn hóa”, “Khu vui chơi giải trí quân nhân”, “Giảng đường xanh”, “Điểm sáng văn hóa”, “Bệnh viện văn hóa”, “Cơ quan 5 tốt”, “Đoàn kết nội bộ”, “Đoàn kết cán - binh”… tạo môi trường lành mạnh, cán bộ, chiến sĩ thêm yêu mến đơn vị, gắn bó với nhân dân.

Những kết quả trên khẳng định rằng, thông qua thực hiện chức năng đội quân công tác, đặc biệt là những kết quả công tác dân vận của Quân đội, đã góp phần tích cực, to lớn trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh.

Để tiếp tục thực hiện tốt chức năng “đội quân công tác”, góp phần củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, tăng cường quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt quân - dân, công tác dân vận của Quân đội cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, quán triệt, nắm vững và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Nghị quyết số 49-NQ/QUTW ngày 26-1-2015 của Quân ủy Trung ương về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Quân đội trong tình hình mới”. Cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác dân vận, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan, đơn vị, của mọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ.

Hai là, bám sát thực tiễn, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp công tác dân vận, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng. Tập trung nghiên cứu xây dựng và vận dụng các mô hình điển hình “ Dân vận khéo” ở các vùng đô thị, khu công nghiệp, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, các địa bàn trọng điểm về quốc phòng - an ninh. Nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong các nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn; hành quân dã ngoại làm công tác dân vận; kết nghĩa, phối hợp hoạt động với các tổ chức chính trị-xã hội, các lực lượng trên địa bàn đóng quân.

Ba là, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, nâng cao chất lượng phối hợp hoạt động với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương trong tiến hành công tác dân vận, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phát huy vai trò của cán bộ tăng cường cơ sở, nâng cao chất lượng nắm tình hình địa bàn, tình hình nhân dân; tham mưu, đề xuất, giải quyết kịp thời những vấn đề mới nảy sinh, không để hình thành các “điểm nóng” về an ninh trật tự.

Bốn là, đẩy mạnh thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới”. Chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ trong chấp hành nghiêm pháp luật và kỷ luật khi quan hệ với nhân dân. Thực hiện nghiêm quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó trong nội bộ, đoàn kết cán - binh; xây dựng cơ quan, đơn vị thực sự là điểm sáng văn hóa trên địa bàn đóng quân.  

Năm là, thường xuyên quan tâm xây dựng cơ quan dân vận và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng; thường xuyên học tập, rèn luyện phong cách công tác dân vận “gần dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Làm tốt việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sắp xếp cán bộ dân vận các cấp, vừa có tính ổn định, kế thừa, vừa có hướng phát triển tốt. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ dân vận là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo.

Đại tá BẾ HẢI TRIỀU, Cục trưởng Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam

(qdnd.vn) 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất