Đây là mong muốn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong cuộc gặp các thành viên Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững (VBCSD), chiều 27/3.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần đơn giản hoá bộ tiêu chí đánh giá DN phát triển bền vững sao cho dễ nhớ, dễ thực hiện
|
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VBCSD cho biết trong năm 2019, VBCSD đang triển khai các chương trình hỗ trợ, đánh giá xếp hạng DN phát triển bền vững, thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh, sáng kiến kinh tế tuần hoàn… Một trong những hoạt động trọng tâm của VBCSD là nhân rộng các mô hình điển hình về phát triển bền vững với các mục tiêu như không xả thải ra thiên nhiên, nhận diện thương hiệu xanh, bản đồ xanh…
Tại cuộc gặp, các ý kiến đại diện DN cho rằng một trong những yếu tố để phát triển bền vững trong DN là xây dựng được văn hoá DN, thực hiện nguyên tắc quản trị minh bạch hướng tới bền vững thông qua tương tác với môi trường, xã hội, người lao động. Đồng thời thu hút các DN lớn ở tầm quốc gia để tạo “lõi” cho các chương trình phát triển bền vững.
Đáng chú ý, không chỉ các DN sản xuất mà ngay cả những DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, tài chính cũng có thể góp phần vào phát triển bền vững từ hoạt động quản trị để tiết kiệm năng lượng sử dụng, chính sách lựa chọn nhà thầu cho các dự án đầu tư theo tiêu chí bền vững.
Phó Thủ tướng đánh giá cao Hội đồng và các DN thành viên đã có nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể để lan toả tinh thần phát triển bền vững đến mọi DN, mọi người dân
“Hội đồng cần phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, với số lượng thành viên tham gia ngày càng đông đảo. Mốn vậy, bộ tiêu chí đánh giá DN phát triển bền vững hiện nay cần tiếp tục được đơn giản hoá thành những nhóm tiêu chí quan trọng, dễ nhớ, dễ thực hiện để ngay cả những DN lớn cũng không còn cảm thấy quá phức tạp. Ví dụ như để phát triển bền vững chắc chắn phải tuân thủ pháp luật, minh bạch, có các hoạt động, chính sách hướng tới bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội”, Phó Thủ tướng gợi ý.
Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của các sáng kiến kinh tế tuần hoàn, tái chế, xử lý vấn đề rác thải nhựa, nilon. Đi cùng với đó, VBSCD cần đề xuất chính sách hỗ trợ DN trong xử lý, tái chế rác thải, tham gia thực hiện hoặc tài trợ các chương trình vận động người dân trong phân loại rác thải.
“Các mô hình, sáng kiến phải được chia sẻ, thực hiện trong từng thành viên của VBSCD, từ đó nhân rộng ra cả cộng đồng DN, sau đó kêu gọi, vận động cả xã hội cùng vào cuộc”, Phó Thủ tướng nói
Đình Nam/chinhphu.vn