Thứ Hai, 7/10/2024
Người dân hài lòng hơn với dịch vụ công

 


Tham nhũng cấp cơ sở thuyên giảm

Dịch vụ công đã không còn là vấn đề nóng, được quan tâm tại PAPI 2018. Khảo sát của PAPI 2018 cho thấy, mặc dù tỷ lệ người dân cho rằng có nhũng nhiễu trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có hiện tượng cán bộ sử dụng công quỹ vào mục đích riêng không giảm, nhưng họ cũng cho biết nhũng nhiễu trong lĩnh vực y tế và giáo dục tiểu học công lập thuyên giảm; hài lòng hơn với hầu hết dịch vụ công căn bản; các cấp chính quyền cơ sở tương tác với người dân nhiều hơn. Điểm các chỉ tiêu đo lường dịch vụ hành chính công về cấp phép xây dựng và dịch vụ “một cửa” cấp xã/phường tăng lên.

Nội dung thành phần “Y tế công lập” cho thấy ngành y tế có một số cải thiện trong năm 2018, nhất là ở chỉ tiêu đánh giá độ bao phủ của bảo hiểm y tế. Theo kết quả khảo sát PAPI năm 2018, tỷ lệ người dân có bảo hiểm y tế tiếp tục tăng từ 80% năm 2017 lên 87% năm 2018. Cơ sở hạ tầng căn bản, bao gồm các dịch vụ như đường sá, thu gom rác thải, cung cấp điện lưới và nước sạch cho ăn uống, sinh hoạt, cũng được người dân đánh giá tích cực hơn trong năm 2018. So với các nội dung khác, sự hài lòng của người sử dụng dịch vụ giáo dục tiểu học năm 2018 nói riêng có xu hướng giảm sút, phần lớn là do điều kiện vật chất, trang thiết bị của trường tiểu học công lập và chất lượng giáo dục có phần xuống cấp.

Kết quả phân tích dữ liệu PAPI năm 2018 cho thấy, yếu tố tác động lớn nhất tới mức độ hài lòng với hiệu quả quản trị và hành chính công là hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Gần 60% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp xã/phường đã thuyên giảm trong ba năm qua, song chỉ có 50% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp quốc gia có xu hướng thuyên giảm. PAPI 2018 cũng cho thấy, tham nhũng vẫn là một trong ba mối quan ngại hàng đầu của người dân.

Không có giải pháp nào cho tất cả

PAPI 2018 cho thấy đã có sự cải thiện từng bước ở cả bốn nhóm dịch vụ và thủ tục hành chính công PAPI đo lường, bao gồm dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền cơ sở; dịch vụ cấp giấy phép xây dựng; dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy CNQSD đất); và dịch vụ hành chính công cấp xã/phường.

Khi được hỏi về những vấn đề quan trọng nhất trong năm 2018 cần Nhà nước tập trung giải quyết, nghèo đói tiếp tục là vấn đề được nhiều người chọn nhất. Mặc dù nhiều người cho rằng điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình và của đất nước có cải thiện. Thế nhưng vẫn có tới 25% số người được hỏi chọn nghèo đói là vấn đề hệ trọng nhất. Tuy nhiên, khi so sánh kết quả khảo sát câu hỏi này của năm 2018 với các năm trước, mối quan ngại về tham nhũng, tăng trưởng kinh tế, an ninh - trật tự và chất lượng giáo dục gia tăng nhiều hơn. So với kết quả khảo sát năm 2015, mối quan ngại về môi trường cũng gia tăng đột biến.

Để tìm hiểu sâu hơn về mối quan ngại đối với chất lượng môi trường, khảo sát PAPI 2018 thêm một số câu hỏi tìm hiểu quan điểm và lựa chọn của người dân trước một số vấn đề liên quan tới quản trị môi trường. Kết quả phân tích cho thấy đa số người dân ủng hộ bảo vệ môi trường, cho dù có phải hy sinh tăng trưởng kinh tế. Đa số người trả lời ủng hộ mạnh mẽ việc xây dựng các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu “sạch” (nhiên liệu tái tạo), miễn sao nguồn điện đó ổn định, không gây gián đoạn trong cung ứng. Ngoài ra, đa số người dân quan ngại về chất lượng nguồn nước ngày càng xuống cấp hiện nay ở địa phương; hơn 50% số người được hỏi cho rằng chất lượng nguồn nước cho ăn uống, sinh hoạt hiện nay kém hơn so với ba năm trước.

Có thể thấy, mỗi địa phương đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng; không có địa phương nào thuộc về nhóm đạt điểm cao nhất ở cả 8 chỉ số nội dung (tham gia của người dân cấp cơ sở; công khai minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử). Chẳng hạn, Lạng Sơn và Bắc Giang thuộc về nhóm đạt điểm ở 6 trong 8 chỉ số nội dung, tuy vậy Bắc Giang vẫn thuộc về nhóm đạt điểm trung bình thấp ở chỉ số nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân”.

Hơn nữa, khoảng cách giữa điểm cao nhất cấp tỉnh (47,05 điểm) và mức điểm tối đa là 80 điểm (trên thang điểm từ 10 - 80 điểm cho tất cả 8 chỉ số nội dung) còn rất xa. Khoảng cách này cho thấy còn nhiều cơ hội đổi mới chính sách và cách thức thực thi chính sách để chính quyền các cấp ngày càng cởi mở hơn, minh bạch hơn, thực hiện trách nhiệm giải trình tốt hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, hoạt động có mục đích và thực hành liêm chính tốt hơn. Không có giải pháp nào phù hợp với tất cả các địa phương, mà mỗi tỉnh/ thành phố cần nghiên cứu các chỉ tiêu cụ thể, rà soát những điểm người dân đã hoặc chưa hài lòng, từ đó tìm ra giải pháp phù hợp.

Quyền đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam Caitlin Wiesen cho rằng, trọng tâm nghiên cứu của PAPI rất sát với sứ mệnh của UNDP - đặt người dân là trung tâm của quá trình phát triển. Qua thời gian, Chỉ số PAPI ngày càng khẳng định là mô hình thúc đẩy quản trị, có sự tham gia mà một số quốc gia trên thế giới đã tìm hiểu và học hỏi, trong quá trình xây dựng những chỉ báo quan trọng đo lường tiến bộ trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 16 về xã hội hòa bình, công bằng và bình đẳng.

Đình Khoa/ daibieunhandan.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi