Thứ Năm, 9/1/2025
An Giang: Nhiều kết quả nổi bật trong “Năm dân vận chính quyền”
Tạo điều kiện thuận lợi khi giải quyết thủ tục hành chính

Tạo điều kiện thuận lợi khi giải quyết thủ tục hành chính

Theo đánh giá của Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành đều phân công cán bộ lãnh đạo phụ trách công tác dân vận; thực hiện nghiêm túc Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với cải cách thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng tác phong dân vận, phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong giải quyết TTHC có liên quan đến người dân, doanh nghiệp, nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh.

Riêng Trung tâm Hành chính công tỉnh (tiền thân là Trung tâm Tiếp nhận và Trả kết quả TTHC tỉnh) đi vào hoạt động từ ngày 15-6-2018, nhằm tạo bước đột phá trong lĩnh vực cải cách hành chính. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh Nguyễn Bảo Trung cho biết: “Trung tâm là đầu mối tập trung và chịu trách nhiệm trong việc hướng dẫn, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của 17 sở, ngành, với 1.312 thủ tục của 124 lĩnh vực. Hoạt động của trung tâm được thực hiện theo hướng đơn giản hóa về hồ sơ, công khai, minh bạch các quy trình và rút ngắn tối đa thời gian giải quyết TTHC. Sau 10 tháng hoạt động, trung tâm đã tiếp nhận 36.760 hồ sơ; xử lý và trả kết quả 32.627 hồ sơ (đúng hạn 32.419 hồ sơ, tỷ lệ 99,3%). Tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp chỉ đến 1 nơi để giải quyết TTHC, không phải liên hệ nhiều sở, ngành khi TTHC có liên quan nhiều ngành, lĩnh vực, góp phần giảm phiền hà, chi phí, thời gian và công sức của họ”.

Tại huyện Tịnh Biên, 100% TTHC được đưa vào thực hiện tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả hồ sơ hành chính huyện và 14 xã, thị trấn. Những sai sót, quá hạn trong giải quyết TTHC đối với người dân, doanh nghiệp được hạn chế ở mức thấp nhất; rút ngắn hơn 20% thời gian giải quyết so với trước đây. “Điểm nổi bật trong năm qua là tất cả các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện, xã được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông"; phòng họp trực tuyến cấp xã được trang bị và hoạt động hiệu quả; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 được triển khai rộng rãi; vận hành thông suốt hệ thống quản lý và xử lý văn bản trên môi trường mạng. Các xã, thị trấn sớm xây dựng và triển khai mô hình “3 trong 1” (cấp khai sinh, bảo hiểm y tế, nhập hộ khẩu) và “2 trong 1” (cấp giấy chứng nhận kết hôn và nhập hộ khẩu; cấp giấy chứng tử và cắt hộ khẩu). Huyện triển khai mô hình “3 không” (không viết, không nộp, không hẹn) trong giải quyết TTHC” - Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Tịnh Biên Trần Văn Tàu thông tin.

Khắc phục dần tình trạng “khoán trắng”

Ngoài điểm nổi bật trên, mối quan hệ giữa các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị trong thực hiện công tác dân vận ngày càng chặt chẽ và phát huy hiệu quả tích cực; đảm bảo chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Hệ thống chính trị các cấp không ngừng được nâng cao chất lượng hoạt động; quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân vận, nhất là cán bộ trẻ, có năng lực. Tình trạng “khoán trắng” công tác dân vận cho MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội dần được khắc phục.

Mỗi năm, bình quân tỉnh thực hiện chính sách an sinh xã hội 1.500 tỷ đồng, chi trả, hỗ trợ cho 7 nhóm đối tượng được thụ hưởng từ nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh, tín dụng huy động và các nguồn vận động khác. Toàn tỉnh đã xây dựng được 2.883 mô hình “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” (652 mô hình phát triển kinh tế; 1.545 mô hình văn hóa - xã hội; 383 mô hình đảm bảo quốc phòng - an ninh; 303 mô hình xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh). Trong đó có nhiều mô hình đã thực hiện hiệu quả ở những năm trước tiếp tục được duy trì và phát triển trong năm 2018, thu hút đông đảo cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tham gia đóng góp gần 1.900 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này dùng để xây dựng các công trình cầu đường, cất nhà Tình nghĩa, Tình thương, Đại đoàn kết…

“Để công tác dân vận của các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước đạt được những kết quả thiết thực, phát huy vai trò, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, UBND TP. Châu Đốc phối hợp Ban Dân vận Thành ủy, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng và nhà nước; tổ chức đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân; trao đổi, nắm bắt thông tin dư luận xã hội; phát động, xây dựng và duy trì các mô hình “Dân vận khéo” ở từng cấp, ngành. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 80 mô hình dân vận khéo hoạt động hiệu quả; là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới” - Phó Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn khẳng định.

Khánh Hưng/ baoangiang.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất