Thứ Sáu, 8/11/2024
Tuyên truyền, vận động bầu cử

Trả lời:

Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, vận động bầu cử được phân công cụ thể như sau:

- Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử trong phạm vi cả nước; Ủy ban bầu cử các cấp chỉ đạo thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, vận động bầu cử và giải quyết khiếu nại, tố cáo về vận động bầu cử ở địa phương.

- Các cơ quan báo chí ở trung ương có trách nhiệm đưa tin về quá trình tổ chức công tác bầu cử, tình hình vận động bầu cử trong phạm vi cả nước. Các cơ quan thông tin đại chúng của địa phương có trách nhiệm đưa tin về hội nghị tiếp xúc cử tri, trả lời phỏng vấn của những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và việc vận động bầu cử ở địa phương.

- Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử đại biểu Quốc hội. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp trong việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

- Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và chính quyền địa phương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tạo điều kiện cho người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp xúc với cử tri ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình.

Câu 154. Việc tổ chức tuyên truyền về cuộc bầu cử nhằm mục đích gì?

Trả lời:

Việc tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có các mục đích sau đây:

- Tuyên truyền sâu rộng, tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng chính trị và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội để tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đạt kết quả cao, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.

- Thông qua tuyên truyền bầu cử góp phần tích cực vào việc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Câu 155. Việc tuyên truyền về cuộc bầu cử cần tập trung vào các nội dung nào?

Trả lời:

Việc tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng; nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cần tập trung vào các nội dung sau đây:

1. Tuyên truyền, nêu bật mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; phân tích, làm rõ bối cảnh diễn ra sự kiện chính trị quan trọng này, đó là đất nước ta sau 35 năm đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực đời sống cũng như vượt qua những khó khăn, thách thức, nhất là từ dịch bệnh Covid - 19 của năm 2020.

2. Quán triệt đầy đủ, sâu sắc chủ trương, quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về cuộc bầu cử được nêu trong các chỉ thị của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị về Lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về Tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026); các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng các cấp, như Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV, Nghị quyết số 1186/NQ-UBTVQH14 về việc hướng dẫn tổ chức hội nghị cử tri, việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố, việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung, Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14 về dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026…), Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng (Hướng dẫn số 13-HD/UBKTTW ngày 02 tháng 12 năm 2020 về giải quyết tố cáo, khiếu nại về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban kiểm tra các cấp), Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/01/2021 về Hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026) và Hội đồng nhân dân các cấp...

3. Tuyên truyền các quy định của pháp luật, như Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2015 (vừa được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (vừa được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 47/2019/QH14), Thông tư số 01/2021/TT-BNV ngày 11 tháng 01 năm 2021 của Bộ Nội vụ về Hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong đó, tập trung tuyên truyền vị trí, vai trò của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; nguyên tắc bầu cử, tiêu chuẩn đại biểu, quyền bầu cử và ứng cử của công dân; số lượng, cơ cấu đại biểu (độ tuổi, vùng miền, thành phần...); việc thẩm định hồ sơ, danh sách, lý lịch của người được giới thiệu ứng cử và tự ứng cử; quyền lợi và trách nhiệm của cử tri... Chú trọng giới thiệu những điểm mới của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

4. Nêu bật những thành tựu của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp qua các thời kỳ; khẳng định sự kế thừa, phát huy tinh thần đổi mới của Quốc hội trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; việc thực hiện trách nhiệm là cơ quan quyền lực nhà nước trong việc thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong những năm vừa qua, đặc biệt là 05 năm gần đây.

5. Tuyên truyền sự lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp đối với công tác bầu cử (chuẩn bị tổ chức và quá trình thực hiện...); nhấn mạnh vai trò, tinh thần trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị cũng như cử tri cả nước, góp phần vào sự thành công của cuộc bầu cử. Tập trung tuyên truyền kết quả bầu cử và không khí dân chủ, đúng pháp luật trong bầu cử, nhất là ý thức tự giác thực hiện quyền lợi và trách nhiệm của cử tri.

6. Tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động chào mừng; biểu dương kịp thời những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bầu cử, nhất là bầu cử ở nơi biên giới, hải đảo, các vùng còn nhiều khó khăn, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo.

7. Tuyên truyền đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để kích động, gây rối, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước.

Câu 156. Các khẩu hiệu nào cần được tập trung sử dụng trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026?

Trả lời:

Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các cơ quan, tổ chức, địa phương cần tập trung sử dụng các khẩu hiệu tuyên truyền sau đây:

1. Nhiệt liệt chào mừng Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026!

2. Ngày 23-5-2021, cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026!

3. Cử tri cả nước tích cực tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026!

4. Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân!

5. Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là ngày hội của toàn dân!

6. Sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân bầu vào Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026!

7. Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là trực tiếp góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân!

8. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thi đua lập thành tích chào mừng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026!

9. Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!

10. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!

11. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

Câu 157. Các mốc thời gian cần tập trung cho công tác thông tin, tuyên truyền là như thế nào?

Trả lời:

Công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tiến hành từ tháng 01 năm 2021, cao điểm từ tháng 4 năm 2021 đến ngày bầu cử 23 tháng 5 năm 2021 và sau khi kết thúc bầu cử, công bố kết quả bầu cử, cụ thể:

- Đợt 1: Từ tháng 01 năm 2021, cao điểm tháng 4 năm 2021.

Tập trung tuyên truyền Hiến pháp năm 2013, Chỉ thị 45-CT/TW ngày 20 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, các quy định của pháp luật, kế hoạch, hướng dẫn về bầu cử; tiêu chuẩn về đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; quy định về giới thiệu người ứng cử, tự ứng cử; quyền lợi và trách nhiệm của cử tri.

Tuyên truyền những thành tựu của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp qua các thời kỳ, đặc biệt là những đổi mới trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước những năm gần đây.

- Đợt 2: Từ tháng 4 năm 2021 đến ngày bầu cử 23 tháng 5 năm 2021.

Tiếp tục tuyên truyền về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, quyền và nghĩa vụ của người ứng cử, quyền lợi và nghĩa vụ của cử tri, các quy định về bầu cử và thể thức bầu cử.

Tập trung tuyên truyền về diễn biến cuộc bầu cử, không khí phấn khởi, tin tưởng của cử tri và Nhân dân cả nước trong Ngày bầu cử 23 tháng 5 năm 2021.

- Đợt 3: Sau ngày bầu cử 23 tháng 5 năm 2021.

Tập trung tuyên truyền kết quả bầu cử và các hoạt động chào mừng thành công cuộc bầu cử trên cả nước.

Câu 158. Vận động bầu cử là gì và phải bảo đảm những yêu cầu gì?

Trả lời:

Vận động bầu cử của người ứng cử là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm; tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc với người ứng cử, hiểu rõ hơn người ứng cử; trên cơ sở đó cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Việc tổ chức vận động bầu cử phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

- Việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

- Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó.

- Các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.

Câu 159. Người ứng cử được sử dụng các hình thức vận động bầu cử nào?

Trả lời:

Việc vận động bầu cử của người ứng cử được tiến hành bằng các hình thức sau đây:

- Gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử.

- Thông qua phương tiện thông tin đại chúng.

Câu 160. Hội nghị tiếp xúc cử tri trong vận động bầu cử do ai tổ chức và có những nội dung gì?

Trả lời:

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Thành phần tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri gồm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cử tri ở địa phương.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tại đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình. Thành phần tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri gồm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cử tri ở địa phương.

Ủy ban nhân dân nơi tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri có trách nhiệm thông báo về thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị để cử tri tham dự đông đủ.

Chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri gồm các nội dung sau đây:

- Tuyên bố lý do.

- Đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chủ trì cuộc tiếp xúc cử tri, giới thiệu và đọc tiểu sử tóm tắt của người ứng cử.

- Từng người ứng cử báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

- Cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm.

- Người chủ trì hội nghị phát biểu ý kiến kết thúc hội nghị.

Sau hội nghị tiếp xúc cử tri, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh lập báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương, ý kiến của cử tri về từng người ứng cử đại biểu Quốc hội gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp lập báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương mình gửi đến Ủy ban bầu cử cùng cấp và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp.

Câu 161. Việc vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng được quy định như thế nào?

Trả lời:

Người ứng cử đại biểu Quốc hội trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương nơi mình ứng cử và trên trang thông tin điện tử về bầu cử đại biểu Quốc hội của Hội đồng bầu cử quốc gia.

Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và trên trang thông tin điện tử về bầu cử của Ủy ban bầu cử (nếu có).

Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan quản lý trang thông tin điện tử thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc đăng tải nội dung vận động bầu cử.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc đăng tải, thông tin chương trình hành động của người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

Câu 162. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đối với việc vận động bầu cử được quy định như thế nào?

Trả lời:

Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử trong phạm vi cả nước; Ủy ban bầu cử các cấp chỉ đạo thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, vận động bầu cử và giải quyết khiếu nại, tố cáo về vận động bầu cử ở địa phương.

Các cơ quan báo chí ở trung ương có trách nhiệm đưa tin về quá trình tổ chức công tác bầu cử, tình hình vận động bầu cử trong phạm vi cả nước. Các cơ quan thông tin đại chúng của địa phương có trách nhiệm đưa tin về hội nghị tiếp xúc cử tri, trả lời phỏng vấn của những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và việc vận động bầu cử ở địa phương.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử đại biểu Quốc hội. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp trong việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và chính quyền địa phương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tạo điều kiện cho người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp xúc với cử tri ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình.

Câu 163. Trong vận động bầu cử, pháp luật cấm những hành vi nào?

Trả lời:

Những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử gồm:

- Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác.

- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử.

- Lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình.

- Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.

- Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử không được vận động bầu cử cho những người ứng cử. Thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử nói trên không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để vận động bầu cử cho những người ứng cử nhằm bảo đảm sự công bằng, bình đẳng đối với những người ứng cử.

Theo cuốn sách “Hỏi - Đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”

Gửi cho bạn bè

Các tin khác