Thứ Năm, 23/1/2025
Quán triệt và thực hiện tốt công tác tôn giáo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

 Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương 
chúc mừng Giáng sinh năm 2021
Giám mục Vũ Đình Hiệu và chức sắc, chức việc, tu sĩ,
đồng bào Công giáo Giáo phận Bùi Chu

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác tôn giáo tiếp tục được quan tâm và đạt được những kết quả rất quan trọng. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác tôn giáo tiếp tục được nâng lên. Nhiều chủ trương, chính sách được ban hành, phát huy mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào tôn giáo, góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân, trong đó có đồng bào tôn giáo. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội chủ động đổi mới, nội dung, phương thức hoạt động, vận động, tập hợp đông đảo chức sắc, chức việc, tín đồ tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động sống “tốt đời, đẹp đạo”; phát huy các giá trị đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong đời sống xã hội, đóng góp thiết thực cho phát triển địa phương, đất nước... Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động và ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt tôn giáo, song các tôn giáo luôn đồng hành, chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong phòng chống dịch bệnh; qua đại dịch Covid-19, càng khẳng định thêm ý thức, trách nhiệm cộng đồng, niềm tin với đất nước của các tổ chức, cá nhân tôn giáo; chứng minh truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết vượt qua khó khăn của nhân dân Việt Nam, trong đó có cộng đồng đồng bào theo tôn giáo.

Chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo từng bước hoàn thiện; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tôn giáo được tăng cường; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được bảo đảm, hoạt động tôn giáo cơ bản ổn định. Tại kỳ họp thứ 2 ngày 18/11/2016, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, thay thế Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004. Đây là sự kiện quan trọng, dấu mốc lịch sử trên con đường hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta. Cùng với đó, các chính sách, pháp luật có liên quan đến tôn giáo đang tiếp tục được nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung bảo đảm đồng bộ với pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần khơi dậy, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Từ khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực, cơ quan quản lý nhà nước đã xem xét cấp đăng ký hoạt động tôn giáo và công nhận tổ chức với 03 tổ chức tôn giáo, nâng tổng số các tổ chức tôn giáo được công nhận lên 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau. Chính quyền các cấp đã chủ động hướng dẫn, giải quyết kịp thời nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tôn giáo theo đúng hiến chương, điều lệ và quy định của pháp luật; quan tâm giải quyết nhu cầu chính đáng về đất đai, xây dựng của các tổ chức tôn giáo; chủ động giải quyết các khiếu nại, tranh chấp liên quan đến tôn giáo, tạo sự đồng thuận của đa số chức sắc, chức việc, tín đồ và các tổ chức tôn giáo, làm cho đồng bào theo tôn giáo yên tâm, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các biểu hiện hoạt động tôn giáo lệch chuẩn, xâm phạm sức khỏe của người dân, gây hoang mang dư luận xã hội; kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm theo pháp luật các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo gây mất ổn định về an ninh chính trị, trật tự xã hội, tuyên truyền, kích động chia rẽ đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Hoạt động đối ngoại về tôn giáo được tăng cường và mở rộng. Hoạt động quan hệ quốc tế của chức sắc, chức việc và các tổ chức tôn giáo được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện. Nhiều hoạt động tôn giáo cấp khu vực và quốc tế được tổ chức tại Việt Nam, có sự tham gia của đại biểu các tổ chức tôn giáo đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước con người và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân được Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm, bảo đảm. Việt Nam chủ động duy trì đối thoại với Tòa thánh Vatican, Đặc phái viên không thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam, Đại sứ Mỹ và Đại sứ - Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam để cung cấp tình hình, kết quả thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam; kiên trì giải quyết hiệu quả những vấn đề còn vướng mắc liên quan đến tôn giáo, bảo vệ lợi ích quốc gia, không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của đồng bào, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người có uy tín trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, khẳng định cho các tổ chức, cá nhân bên ngoài về thành tựu của Đảng, Nhà nước ta trên lĩnh vực kinh tế, xã hội, dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo; được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong xây dựng chính sách pháp luật, phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, đánh giá rất tích cực việc đảm bảo và thúc đẩy đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, quan điểm về vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo tiếp tục được kế thừa, bổ sung, phát triển. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lí nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 khẳng định: “Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật; chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng tín đồ, đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn đoàn kết toàn dân tộc. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tôn giáo”.

Có thể thấy, quan điểm cơ bản về tôn giáo và công tác tôn giáo trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thể hiện trên một số điểm sau:

Thứ nhất, bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng tín đồ.

Việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận, là quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với tôn giáo. Đồng thời, văn kiện tiếp tục nhấn mạnh tạo điều kiện, chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng tín đồ. Các cấp ủy cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tôn giáo trong hệ thống chính trị và toàn xã hội; nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác tôn giáo trong tình hình mới. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tôn giáo, nhất là cấp huyện và cơ sở; hướng dẫn, bảo đảm và tạo điều kiện cho các tôn giáo bình đẳng, hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, hiến chương, điều lệ đã được Nhà nước công nhận; chủ động nắm bắt giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của quần chúng nhân dân phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của địa phương; tập trung chỉ đạo, thực hiện sớm hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; giải quyết nhanh chóng, kịp thời, thỏa đáng những khiếu nại, tranh chấp liên quan đến tôn giáo.

Thứ hai, vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng bào tôn giáo chiếm 27% dân số, là bộ phận quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc; niềm tin của đồng bào tôn giáo vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước ngày càng tăng. Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng; các cấp ủy cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội sát thực tế, phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng tôn giáo; chú trọng phát huy vai trò người có uy tín, cốt cán trong tôn giáo động viên toàn thể tín đồ, chức sắc, chức việc tích cực hưởng ứng, tham gia, ủng hộ các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”. Đồng thời, phải coi trọng vai trò của công tác tôn giáo trong việc tăng cường đoàn kết tôn giáo, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, hội nhập quốc tế của đất nước; coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, quan tâm giải quyết các vấn đề cụ thể liên quan đến công tác tôn giáo cũng như những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo, qua đó, góp phần tăng cường đồng thuận trong xã hội. Chủ động hướng dẫn, giúp đỡ các tổ chức tôn giáo tiếp tục xây dựng và thực hiện đường hướng hoạt động tiến bộ, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Thứ ba, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Có thể nói, đây sự kế thừa, bổ sung, phát triển quan điểm của Đảng về công tác tôn giáo trong tình hình mới; khẳng định, ghi nhận tôn giáo là nguồn lực cần được phát huy cùng với các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Nguồn lực tôn giáo được thể hiện ở hai phương diện, đó là: nguồn lực tinh thần và nguồn lực vật chất. Nguồn lực tinh thần (phi vật chất) được thể hiện trong hệ thống giáo lý, giáo luật, đề cập đến những chuẩn mực đạo đức nhằm điều chỉnh ý thức, hành vi của tín đồ hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ, làm điều lành, tránh điều ác và được tín đồ tin theo một cách tự nguyện, tự giác. Điều này không những không mâu thuẫn, mà còn phù hợp chủ trương xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nguồn lực vật chất gồm nguồn nhân lực (cá nhân và cộng đồng người) và vật lực (cơ sở vật chất, nguồn tài chính). Các tổ chức tôn giáo có hệ thống tổ chức, đội ngũ chức sắc, chức việc và một lực lượng tín đồ đông đảo, nhiều tổ chức tôn giáo có mối quan hệ quốc tế sâu rộng, là điều kiện thuận lợi để các tổ chức tôn giáo tham gia hoạt động xã hội, đối ngoại nhân dân; huy động các nguồn lực về con người, vật chất tham gia thực hiện các phần việc cụ thể bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội..., góp phần làm đa dạng việc huy động các nguồn lực xã hội, chia sẻ gánh nặng với chính quyền địa phương, với Nhà nước và xã hội.

Việc khẳng định phát huy các nguồn lực tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước là một nội dung đổi mới cơ bản cả nhận thức và hành động của Đảng đối với tôn giáo. Các cấp ủy cần chỉ đạo quán triệt sâu sắc, nâng cao hiệu quả công tác vận động, thúc đẩy và khơi dậy trong đồng bào tôn giáo ý chí và khát vọng phát triển đất nước, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Thứ tư, kiên quyết đấu tranh và xử lí nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chủ trương của Đảng, Nhà nước luôn khẳng định và nhất quán tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Song, cũng kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm theo pháp luật các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để lôi kéo nhân dân, kích động chia rẽ đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Các cấp ủy cần chỉ đạo tăng cường các hình thức tuyên truyền để nhân dân, nhất là đồng bào các tôn giáo hiểu đúng, đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng; nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thể lực thù địch, các phần tử cực đoan, phản động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá, tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng tổ chức đảng và hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện và giải quyết vấn đề liên quan đến tôn giáo phát sinh ngay từ cơ sở, nhất là việc lan truyền của các “tà đạo, đạo lạ”, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật. Tăng cường và chủ động công tác thông tin đối ngoại về tôn giáo để cộng đồng quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng về tình hình tôn giáo tại Việt Nam, đồng tình ủng hộ với các chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Quan điểm, chủ trương, chính sách về tôn giáo được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thể hiện hiện sự kế thừa, phát triển và một tư duy đổi mới của Đảng trong lĩnh vực tôn giáo; tạo điều kiện cho việc thể hiện niềm tin tôn giáo và các hoạt động tôn giáo một cách sâu sắc, nhân văn trong điều kiện mới, đồng thời là chỉ đạo, định hướng để các cấp ủy tiếp tục tăng cường, đổi mới công tác tôn giáo, vừa bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, vừa phát huy nguồn lực của các tôn giáo đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước./.

Đỗ Văn Phới
Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương

Gửi cho bạn bè

Các tin khác