Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà tư tưởng tiêu biểu của thế kỷ XVI là người có nhiều triết lý về thế giới và nhân sinh mang tính triết học.
Triết lý về nhân dân của ông gắn liền với những quan niệm về con người và mối quan hệ con người - tự nhiên, theo đó, con người là một bộ phận của tự nhiên, giữa người và trời có sự thống nhất: “Thiên nhân tương dữ hựu tương phù” tức là trời và người có quan hệ với nhau và phù hợp với nhau. Con người cũng như vạn vật sinh ra một cách tự nhiên, thực ra, trời chính là giới tự nhiên chứ không phải là một thực thể siêu nhiên có nhân cách. Tuy nhiên, do đồng nhất quy luật xã hội với quy luật tự nhiên nên ông cũng đã có những quan niệm duy tâm, cho cuộc sống con người là phụ thuộc số, mệnh. Ông có quan niệm về đạo trời, đạo người - sự phát triển của xã hội và vận mệnh cuộc đời con người và lý giải đạo người trên cơ sở đạo trời, không thừa nhận vai trò hoạt động của con người trong sự phát triển xã hội và bản thân nó mà tất cả đều do số, mệnh, do trời định...
Do thế giới quan này nên quan niệm về đạo người của ông mang nhiều những nội dung đạo đức mà cơ bản là “trung chính” có nghĩa là thiện, là nhân, là yêu thương và cứu giúp con người. Nhưng cũng chính do tính chất duy tâm của thế giới quan đó nên ông cũng có nhiều triết lý nhân sinh mang tính chất tiêu cực: khuyên con người an phận, thủ tiêu đấu tranh và do đó làm cho hệ thống lý luận của ông nhiều khi tự mâu thuẫn với chính nó.
Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà Nho sống gần gũi với nhân dân nên đồng cảm với họ, luôn mơ ước về một xã hội thái bình, thịnh trị, nhân dân được sinh sống yên ổn, no đủ trong một xã hội hoà bình, không có chiến tranh, triết lý chủ yếu theo quan điểm của ông ở vấn đề này mang nội dung “nhân nghĩa” - “Cổ lai nhân giả tri vô địch, Hà tất khu khu sự chiến tranh” có nghĩa là từ xưa đến nay, điều nhân là vô địch, Cần gì phải khư khư theo đuổi chiến tranh. Triết lý nhân nghĩa của ông biểu hiện ở tư tưởng chăm lo đời sống của nhân dân, nhất là dân nghèo; đất nước phải được hoà bình, triều đình phải có chính sách cứu vớt những người nghèo khổ, nhà vua phải chăm lo soi xét đến đời sống của muôn dân: “Quân vương như hữu quang minh chúc, ủng chiếu cùng lư bộ ốc dân” tức là nếu nhà vua có bó đuốc sáng thì nên soi đến dân ở nơi nhà nát xóm nghèo. Triết lý này không phải là sự thương xót, thông cảm của bề trên đối với kẻ dưới mà là xuất phát từ những nhận thức sâu sắc về đời sống và vai trò của quần chúng nhân dân trong xã hội: “Trời sinh ra dân chúng, sự ấm no, ai cũng có lòng mong muốn cả”; “Xưa nay nước phải lấy dân làm gốc, nên biết rằng muốn giữ được nước, cốt phải được lòng dân”.
Mặc dù đã thấy được vai trò của nhân dân trong sự an nguy của xã hội, nhưng do hạn chế về xuất thân và giai cấp, ông vẫn không xác định được vai trò sáng tạo lịch sử của quần chúng nhân dân. Quan niệm sai về sự phát triển của xã hội, ông đã không thừa nhận tính năng động chủ quan của con người trong hoạt động xã hội. Triết lý “dĩ hòa vi quý” cũng là một điểm nổi bật trong hệ thống lý luận của ông. Trong một giới hạn nhất định và trong những trường hợp cụ thể thì “hòa” là một triết lý sống tốt đẹp, là biện pháp để hành động có hiệu quả và còn là động lực của sự phát triển. Thế nhưng trong triết lý này của ông lại coi “hòa” là nguyên tắc tuyệt đối, vô điều kiện thì đó lại là một sự đồng nhất sai lầm.
Nguyễn Dư và Phùng Khắc Khoan là hai người học trò xuất sắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm, có những triết lý về quần chúng nhân dân và nhân nghĩa kế tiếp được người thầy của mình.
Nguyễn Dư có ra làm quan thời nhà Mạc một thời gian ngắn, nhưng sau đó cáo quan về ở ẩn, thế nhưng ở ông vẫn chủ trương đường lối chính trị nho giáo Khổng - Mạnh, tức là chú trọng đến vấn đề lòng người - nhân tâm và được lòng người - đắc nhân tâm. Ông cho rằng được lòng người tức là được lòng dân và vấn đề này có cả mặt đạo đức, cả mặt chính trị, giữa hai mặt có quan hệ biện chứng. Chính trị là trị nước, là mục đích; đạo đức vừa là phương tiện nhưng cũng vừa là mục đích bởi vì trị nước, phải sử dụng cương thường, mà cương thường theo quan điểm nho giáo lúc bấy giờ (Tống Nho) lại chỉ chủ yếu đề cập nghĩa vụ một chiều của người dưới (quần chúng nhân dân) đối với bề trên (vua, quan phong kiến), thế nhưng Nguyễn Dư lại muốn thực hiện quan niệm cương thường theo nho giáo Khổng Mạnh nghĩa là cũng phải chú trọng cả nghĩa vụ của người trên đối với kẻ dưới. Đây là tư tưởng tích cực của ông, phản ánh phần nào nhu cầu dân chủ, dân quyền của quần chúng nhân dân.
Tư tưởng về nhân nghĩa của ông có đối tượng là người dân - nhân dân. Nhà vua đối với dân phải có chính sách nhân nghĩa - đó chính là việc đem lại lợi ích cho dân - những con người luôn mong muốn không có chiến tranh, sống yên ổn, no đủ. Ai đáp ứng được những yêu cầu trên của nhân dân sẽ được họ ủng hộ, họ theo về và do đó sẽ có được thiên hạ.
Phùng Khắc Khoan, một học trò khác của Nguyễn Bỉnh Khiêm, cùng thời với Nguyễn Dư, nhưng khác ở chỗ, ông làm quan với nhà Lê từ năm 29 tuổi. Triết lý về nhân dân của ông lấy đường lối nhân nghĩa của nho giáo làm cơ sở bởi vì theo ông, đã là nhà nho thì phải lấy điều nghĩa làm mục đích, thực hành mọi việc theo điều nhân, đó là biện pháp tốt nhất để vua, quan và triều đình cứu dân, cứu nước. Thực hành điều nhân, làm theo điều nghĩa sẽ được trời giúp, dân theo. Mặc dù, không giải thích rõ nội dung cụ thể của “nhân nghĩa” nhưng qua tác phẩm của ông, có thể thấy, về cơ bản, đó là một đường lối nhân nghĩa hay nhân chính theo tư tưởng Khổng Mạnh nguyên gốc, tức là: tạo cho dân một tài sản nhất định; thu của dân có mức độ; tô thuế nhẹ đi, hình phạt bớt hà khắc; dạy cho dân biết đạo đức, lễ nghĩa, tạo một sự hoà hợp xã hội... Tuân theo triết lý ấy, ông đã thực hiện rất nhiều công việc có ích cho dân như hướng dẫn việc làm thuỷ lợi, dạy nghề dệt lụa, đem giống mới cho dân có thêm nguồn lương thực...
(còn nữa)