Thứ Sáu, 20/9/2024

Hội nghị Diên Hồng - Sức mạnh của sự đồng thuận

Để chủ động đối phó với dã tâm của đế quốc Nguyên Mông, năm 1282, triều Trần đã triệu tập các tướng lĩnh cao cấp đến tham dự hội nghị Bình Than để bàn định chiến lược và những kế sách cụ thể trong cuộc đọ sức không thể nào tránh khỏi với kẻ thù. Cuối năm 1284, để thống nhất ý chí và cũng là để tập hợp sức mạnh của toàn dân, triều đình nhà Trần đã trân trọng mời các vị bô lão đại diện cho Nhân dân các làng xã về dự một cuộc hội nghị đặc biệt tại cung điện Diên Hồng. Diên Hồng là tên cung điện trong Hoàng thành Thăng Long thời Trần, nơi Thượng hoàng Trần Thánh Tông tổ chức ban yến cho các vị đại diện bô lão từ khắp các làng xã trên cả nước triệu tập về kinh đô để bàn về một quyết sách trước họa xâm lăng của giặc Nguyên Mông đang đe dọa vận mệnh quốc gia. Thượng hoàng Trần Thánh Tông và Hoàng đế Trần Nhân Tông đích thân chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị Diên Hồng, các vị bô lão được nghe thông báo những tin tức về việc quân giặc đã áp sát biên giới phía Bắc nước ta. Quyết sách được định đoạt tại hội nghị này là sự lựa chọn một trong hai giải pháp là “đánh” hay “không đánh” (nói cách khác là để trả lời câu hỏi nên “hòa” hay “chiến”) một khi quân giặc kéo sang xâm lăng bờ cõi nước ta. Nếu chấp nhận hòa với quân giặc nghĩa là mất tất cả còn như nếu toàn dân đồng lòng liều chết để đánh thì có thể giữ được tất cả. Vậy, Đại Việt nên hòa hay nên đánh? Được nhà vua hỏi kế đánh giặc, các bô lão muôn người cùng hô một tiếng “Đánh!” Và tiếng hô quyết đánh đã rung chuyển cả điện Diên Hồng. Câu hỏi của những người đứng đầu Nhà nước Đại Việt đặt ra cho các bô lão, tầng lớp được tôn trọng nhất trong xã hội nước ta thuở đó, chính là sự củng cố sức mạnh đoàn kết của toàn dân trước thử thách mới của lịch sử.

Sử sách cũng chép tiếp rằng tháng 12 năm Giáp Thân (1284), thấy thế giặc rất mạnh, vua Trần Nhân Tông lại ướm hỏi vị tư lệnh chiến trường của mình là Trần Quốc Tuấn: “Thế giặc to như vậy mà chống với chúng thì dân chúng bị tàn sát, nhà cửa bị phá hại, hay là trẫm sẽ chịu hàng để cứu muôn dân?” thì lập tức nhận được câu trả lời rằng: “Bệ hạ nói câu ấy là lời nhân đức, nhưng tôn miếu, xã tắc thì sao? Nếu bệ hạ muốn hàng, xin trước hết hãy chém đầu thần đi đã, rồi hãy hàng!”. Như thế là đã có dân, lại có cả tướng chung một ý chí quyết đánh, như sử chép trai tráng Đại Việt xăm hai chữ “sát thát” vào cánh tay rồi đầu quân ra trận. Hiểu được lòng dân, nhà Trần đã tự tin vạch ra được những kế sách chống xâm lăng sắc sảo và chuẩn xác.

Thắng lợi vĩ đại của cuộc chiến tranh vệ quốc chống quân Nguyên Mông diễn ra vào năm 1285 gắn chặt với thành công của cuộc hội nghị lịch sử đặc biệt  này. Tuy còn phải có thêm cuộc kháng chiến lần thứ ba diễn ra từ tháng 12-1287 để đến tháng 4-1288 mới toàn thắng sau trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng, nhưng ý chí được người xưa chép lại rất mộc mạc “muôn người cùng hô một tiếng như bật ra từ một cửa miệng” tại Hội nghị Diên Hồng chính là bài học lớn nhất mà lịch sử dân tộc Việt Nam đã đúc kết, không chỉ với sự nghiệp giữ nước.

Hội nghị Diên Hồng là một sáng tạo rất độc đáo của nhà Trần, là biểu hiện của ý thức tin tưởng vào sức mạnh và trí tuệ của toàn dân. Mãi mãi “Hội nghị Diên Hồng” sẽ ăn sâu và trao truyền trong tâm thức của người dân Việt Nam như một sức mạnh của truyền thống gắn liền với mục tiêu phấn đấu cho nền dân chủ hiện đại. Kể từ đó hai chữ Diên Hồng đã trở thành biểu trưng cho ý chí thống nhất của một dân tộc, thể hiện sự đồng lòng nhất trí giữa Nhà nước với người dân trong mối quan hệ vua - tôi, trên - dưới... Hội nghị Diên Hồng cũng mang ý nghĩa như một nguyên lý tạo nên sức mạnh dân tộc trước những thử thách của lịch sử và trong chừng mực nào đó cũng biểu hiện nhân tố cận dân, thân dân.

Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, một lần nữa tinh thần của Hội nghị Diên Hồng lại được thể hiện tại Quốc Dân đại hội họp ở Tân Trào (Tuyên Quang), với sự có mặt của đông đảo đại biểu đến từ nhiều địa phương của cả nước, để từ đó ban hành lệnh tổng khởi nghĩa, làm lễ xuất quân, thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc trên cơ sở cương lĩnh của Mặt trận Việt Minh nhằm mục tiêu giành độc lập dân tộc và lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. 

Ngày nay, không chỉ mỗi lần “Toàn dân nghe chăng, sơn hà nguy biến... Biên thùy rung chuyển” như ca từ của bài hát Hội nghị Diên Hồng của nhạc sỹ Lưu Hữu Phước, người Việt Nam mới nhắc lại sự kiện này; mà ngay cả trước thử thách của đời sống gia đình, dòng họ, doanh nghiệp..., đứng trước những khó khăn cần đến sự đồng thuận của mọi thành viên, dù nói ra thành lời hay không thì tri thức về “Hội nghị Diên Hồng” cũng trở thành một ý niệm trong tâm thức của mọi người về sức mạnh đoàn kết, nhân tố để vượt qua mọi khó khăn thử thách. Giờ đây, cùng với tên gọi “Phòng họp Tân Trào” gắn với sự kiện Quốc Dân đại hội trong Cách mạng Tháng Tám, tên gọi “Phòng họp Diên Hồng” được đặt cho hội trường trung tâm dành tổ chức các phiên họp toàn thể trong Tòa nhà Quốc hội, ý niệm về một “Hội nghị Diên Hồng” của thời Trần hơn bảy thế kỷ trước đã trở nên gần gũi với ý niệm về dân chủ, về một nhà nước “của dân, do dân và vì dân” của xã hội hiện đại. Mãi mãi “Hội nghị Diên Hồng” sẽ ăn sâu trong tâm thức của người dân Việt Nam như một sức mạnh của truyền thống gắn liền với mục tiêu phấn đấu cho nền dân chủ hiện đại.

Hội nghị Diên Hồng cũng mang ý nghĩa như một nguyên lý tạo nên sức mạnh dân tộc trước những thử thách của lịch sử. “Hội nghị Diên Hồng” sẽ mãi mãi ăn sâu trong tâm thức của người dân Việt Nam như một sức mạnh của truyền thống đoàn kết. Tinh thần của “Hội nghị Diên Hồng” sống mãi trong lòng người dân Việt Nam nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay.

Trung Kiên (tổng hợp)

TẠP CHÍ IN