Thứ Sáu, 20/9/2024

Tăng cường vai trò của Nhân dân trong giám sát quá trình lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ ở Trung Quốc

Hội nghị Trung ương 6 khóa XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nêu: “Làm tốt việc của Trung Quốc, then chốt là ở Đảng, then chốt là ở chỗ Đảng cần quản Đảng, quản trị Đảng phải nghiêm ngặt”. Là đảng cầm quyền, nên công tác cán bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc có vị trí đặc biệt quan trọng. Trước những hạn chế trong cơ chế giám sát việc lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ trong thời gian qua, Trung Quốc đã rất chú trọng bổ sung, hoàn thiện cơ chế giám sát, với nhiều nội dung, giải pháp đồng bộ, trong đó vai trò giám sát của Nhân dân được tăng cường, đề cao.

Công khai, dân chủ trong quá trình lựa chọn, bổ nhiệm

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra và thực thi quy định về công khai thông tin trong công tác lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ, để đảm bảo sự giám sát của quần chúng Nhân dân đối với việc lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ. Các cơ quan có thẩm quyền phải thông qua các phương thức khác nhau, trong đó có qua các phương tiện truyền thông đại chúng để công khai với người dân về đối tượng hoặc trường hợp dự định bổ nhiệm vào vị trí nào đó.

Đồng thời, hoàn thiện một bước các quy định liên quan đến hoạt động khảo sát, đánh giá cán bộ trước khi bổ nhiệm. Thực hiện tốt việc khảo sát và đánh giá cán bộ trước khi bổ nhiệm là một yêu cầu đặc biệt quan trọng để ngăn ngừa hiện tượng bổ nhiệm cán bộ “có vấn đề”, bổ nhiệm cán bộ “không đảm bảo tiêu chuẩn”; việc hoàn thiện các quy định về khảo sát, đánh giá cán bộ trước khi bổ nhiệm ở Trung Quốc tập trung vào các khía cạnh:

Thứ nhất, xây dựng phương án khảo sát, đánh giá cán bộ chặt chẽ, đưa ra các quy định đầy đủ, cụ thể về nội dung, trình tự, phạm vi, phương pháp khảo sát và đánh giá; căn cứ từ yêu cầu để xác định hợp lý thành viên tham gia tổ khảo sát và đánh giá; trách nhiệm liên đới của tổ khảo sát và các thành viên.

Thứ hai, chú trọng việc khảo sát, đánh giá một cách tổng hợp, kết hợp giữa khảo sát, đánh giá trước khi bổ nhiệm với khảo sát, đánh giá hàng ngày, coi trọng việc khảo sát và đánh giá hàng ngày; coi trọng những thông tin phản ánh của Nhân dân và các cơ quan kiểm tra, thanh tra trong quá trình khảo sát và đánh giá. Đặc biệt coi trọng việc xác minh, làm rõ những trường hợp mà quần chúng và dư luận có những ý kiến khác nhau. Đổi mới phương thức và mở rộng phạm vi đánh giá. Việc đánh giá trước khi bổ nhiệm đổi mới theo hướng cụ thể hơn, toàn diện hơn và nhiều cấp độ hơn. Việc đánh giá và khảo sát không chỉ dừng lại ở công việc hàng ngày, mà bao gồm sinh hoạt hàng ngày và quan hệ xã hội của cán bộ; không chỉ đánh giá, khảo sát cán bộ trong làm việc, mà bao gồm cả ngoài thời gian làm việc; thiết lập cơ chế khảo sát, đánh giá liên tục và chế độ sát hạch cuối năm đối với cán bộ. Coi trọng việc khảo sát, đánh giá cán bộ thông qua hồ sơ, tài liệu có liên quan của cán bộ đó.

Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã cụ thể hóa tiêu chuẩn lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ. Kiên trì tiêu chuẩn kết hợp giữa “đức” và “tài”, trong đó lấy “đức” làm ưu tiên; đặc biệt coi trọng việc đánh giá đạo đức của cán bộ, đặt đạo đức lên vị trí hàng đầu được xác định là một biểu hiện thể hiện tính tiên tiến của đảng và cũng là vấn đề quyết định sự hưng thịnh của một chính đảng.

Thiết lập và thực thi chế độ truy cứu trách nhiệm trong lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành nhiều quy định, điển hình là “Quy định về truy cứu trách nhiệm trong công tác lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ”, và đặc biệt, Điều lệ chế độ trách nhiệm, ban hành tháng 6-2016 đã có những quy định về việc truy cứu trách nhiệm trong lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ. Việc truy cứu trách nhiệm sẽ được tiến hành khi người có trách nhiệm lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ sai phạm trong việc này, bất kể người đó là ai, đương chức hay đã nghỉ hưu. Cơ chế truy cứu trách nhiệm này là một biện pháp quan trọng góp phần ngăn ngừa hiện tượng lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ “có vấn đề”, không đủ tiêu chuẩn vào các vị trí và chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị.

Tăng cường giám sát người đứng đầu tập thể lãnh đạo - người có quyền lực và vai trò rất lớn trong việc quyết định các vấn đề của tổ chức. Trong lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ, dễ xuất hiện hiện tượng người đứng đầu tập thể lãnh đạo “độc đoán”, “chuyên quyền”; “lấn át” các thành viên khác trong tập thể lãnh đạo. Do vậy, việc hoàn thiện cơ chế giám sát đối với người đứng đầu tập thể lãnh đạo việc lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ được tiến hành theo hướng: (1) Tăng cường giám sát đối với hành vi, việc làm của người đứng đầu, thực hiện nghiêm việc truy cứu trách nhiệm đối với những sai phạm trong lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ của người đứng đầu; (2) xác định trách nhiệm liên đới của các thành viên khác trong tập thể lãnh đạo khi các thành viên trong tập thể lãnh đạo thiếu trách nhiệm trong giám sát, gây hậu quả trong lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ.

Nâng cao hiệu quả giám sát của Nhân dân

Đảng Cộng sản Trung quốc lãnh đạo tăng cường sự phối hợp giữa các chủ thể giám sát. Bên cạnh tăng cường hoạt động giám sát của các cơ quan chuyên ngành, chú trọng phát huy vai trò giám sát của Nhân dân với quá trình lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ. Đồng thời, coi trọng việc lắng nghe ý kiến của cơ quan lập pháp, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân, các đoàn thể Nhân dân và các đảng phái dân chủ. Trung Quốc cũng rất coi trọng việc phát huy vai trò giám sát của báo chí đối với công tác lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ. Để phát huy tốt vai trò của báo chí và dư luận trong hoạt động giám sát việc lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ, các địa phương và cơ quan đã thường xuyên thông báo tới các cơ quan báo chí về những vấn đề có liên quan đến công tác lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ.

Coi trọng vai trò mang tính quyết định của “ý dân” trong giám sát. Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng, chỉ có phát huy sức mạnh giám sát của quần chúng Nhân dân đối với việc lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ mới có thể bảo đảm chất lượng và hiệu quả giám sát. Do đó, trong các khâu của công tác lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ, nhiều địa phương và cơ quan rất chú trọng đến việc bảo đảm “quyền được biết” của Nhân dân, tôn trọng ý kiến Nhân dân và lắng nghe ý kiến của Nhân dân.

Để phát huy vai trò giám sát của quần chúng Nhân dân, nhiều địa phương, cơ quan đã thực hiện tốt việc công khai thông tin để đảm bảo “quyền được biết” của quần chúng Nhân dân đối với các trường hợp dự kiến sẽ bổ nhiệm; đồng thời thông qua nhiều phương thức “thuận tiện, an toàn và hiệu quả” để tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị và phản ánh của người dân đối với trường hợp dự định bổ nhiệm.

Đảm bảo tính liên tục của quá trình giám sát (giám sát trước, trong và sau). Giám sát ngay từ đầu đối với việc giới thiệu cán bộ (ứng viên), giám sát tư cách của ứng viên, quy trình giới thiệu ứng viên, tính hợp lý về mặt tiêu chuẩn của ứng viên. Trong giai đoạn khảo sát, đánh giá đối với ứng viên, hoạt động giám sát tập trung vào việc giám sát các thành viên của tổ khảo sát, giám sát tính chân thực của nội dung khảo sát, đánh giá, giám sát tính hợp pháp của trình tự khảo sát và đánh giá, giám sát tính khách quan của kết quả giám sát. Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng tăng cường xử lý trách nhiệm đối với cơ quan thực hiện chức năng giám sát.

Trọng Hòa

TẠP CHÍ IN