Thứ Sáu, 10/1/2025
Phát huy nguồn lực trí thức kiều bào để phát triển đất nước

Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”, và “công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân”.

Gần đây nhất, Chỉ thị 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới đã nhấn mạnh: “Tình hình quốc tế, trong nước và những yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới đòi hỏi công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần được tăng cường, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phát triển vững mạnh, nâng cao uy tín, tham gia tích cực vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước sở tại; góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; “…thường xuyên tổ chức cho người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp ý kiến và tham gia vào các sự kiện chính trị - xã hội lớn của đất nước”; “… có chính sách thu hút, sử dụng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài…”.

Trong những năm vừa qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) luôn luôn một lòng hướng về quê hương, mong muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Cộng đồng NVNONN chính là cầu nối quan trọng góp phần quảng bá Việt Nam với thế giới. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong mọi thời kỳ cũng luôn gắn với sự hậu thuẫn lớn của đội ngũ kiều bào, nhất là trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc. Trong thời bình, bà con kiều bào cũng luôn đóng góp, san sẻ khó khăn với đồng bào trong nước mỗi khi xảy ra thiên tai. Điều đó cho thấy sự gắn kết giữa kiều bào và đất nước ngày càng trở nên khăng khít, không thể tách rời.

 

Diễn đàn Chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế
và hội nhập của Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức, nhằm 
tạo cơ hội cho trí thức
 kiều bào đóng góp ý kiến vào những vấn đề trong phát triển kinh tế của đất nước.
 (Ảnh: Khánh Linh)


Đội ngũ trí thức kiều bào – nguồn lực to lớn của đất nước

Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), hiện nay, cộng đồng NVNONN có khoảng hơn 4,5 triệu người, tăng hơn 25 lần so với năm 1975, được phân bố không đồng đều tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, kể cả những khu vực nghèo, đang phát triển ở châu Phi, Trung Đông và Nam Mỹ, hoặc các đảo nhỏ ở Thái Bình Dương.

Đặc biệt, trong số đó, hiện có khoảng hơn 400.000 chuyên gia, trí thức NVNONN, chủ yếu ở các nước công nghiệp phát triển như: Mỹ, Australia, Pháp, Nga, Canada, Đức... Tại Mỹ, thống kê năm 2000 cho thấy, tỷ lệ người Việt ở Mỹ có trình độ đại học là 19,5%, tiến sỹ khoa học là 0,5%. Tại Pháp, ước tính đội ngũ trí thức người Việt khoảng 40.000 người; Australia, Canada – hơn 30.000 người. Tại Nga và Đông Âu có khoảng 10.000 trí thức người Việt. Số lượng các chuyên gia, trí thức người Việt tại các nước Đông Nam Á và các nước đang phát triển tuy có ít hơn song đang có xu hướng gia tăng.

Các chuyên gia, trí thức người Việt không chỉ có mặt trong các ngành khoa học nghiên cứu cơ bản, khoa học ứng dụng, công nghệ, sản xuất, kinh doanh mà còn hiện hữu trong ngành khoa học xã hội, quản lý, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, số chuyên gia, trí thức có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực khoa học xã hội, văn hóa, nghệ thuật chiếm tỷ lệ nhỏ hơn so với các ngành khác.

Đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài tập trung ở nhiều lĩnh vực khoa học chuyên ngành và kinh tế mũi nhọn của nước sở tại như: Công nghệ điện tử, thông tin – viễn thông, chế tạo máy, điều khiển học, công nghệ sinh học, khoa học vũ trụ, vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng, y học, các lĩnh vực quản lý kinh tế, ngân hàng, chứng khoán…

Không ít người đã đạt được vị trí quan trọng trong các cơ sở kinh tế, khoa học hàng đầu trên thế giới. Đặc biệt, nhiều nhà khoa học trẻ gốc Việt, du học sinh Việt Nam đã đạt những thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, được chính quyền nước sở tại và các viện nghiên cứu vinh danh trên lĩnh vực khoa học như: Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Nguyễn Thảo…; trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật như: Tiana Thanh Nga, Phạm Linh Đan… Nhiều nhà khoa học, nhà văn hóa người Việt có tên tuổi, có công trình được ghi nhận. Một số trí thức gốc Việt đã trở thành các chính trị gia có ảnh hưởng trong cộng đồng, với chính quyền sở tại và trong mối quan hệ với đất nước.

Trong thời gian tới, đội ngũ trí thức NVNONN tiếp tục gia gia tăng về số lượng và địa bàn cư trú, hội nhập sâu hơn vào xã hội sở tại, cơ cấu tiếp tục thay đổi. Thế hệ trẻ đang thay thế dần lớp người lớn tuổi, luôn muốn tìm mối liên hệ với cội nguồn. Ngày càng nhiều trí thức cao tuổi có nhu cầu về nước sinh sống, tham gia các hoạt động đóng góp cho quê hương.

Đúng như lời Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã nhấn mạnh tại Diễn đàn Chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam tháng 6/2015 vừa qua: Chiếm khoảng 10% trong hơn 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài là đội ngũ trí thức, trong đó có nhiều chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại các trường đại học lớn, các viện nghiên cứu, tổ chức tài chính lớn… Trí thức Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận vô cùng quan trọng, không chỉ của NVNONN, mà của cả dân tộc Việt Nam. Những kiến thức, kinh nghiệm quý báu, những kỹ năng và trí tuệ của các nhà khoa học đã và đang góp thêm động lực quan trọng để nâng cao chất lượng phát triển của Việt Nam.

Huy động nguồn lực “chất xám” của đội ngũ trí thức kiều bào

Đội ngũ trí thức NVNONN vẫn luôn được đánh giá là thế mạnh của cộng đồng, là một nguồn lực có thể góp phần tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam từng khẳng định: Trên thực tế, vai trò và vị trí của cộng đồng NVNONN luôn luôn giữ một vị trí rất quan trọng, thể hiện xuyên suốt trong tất cả chính sách, triển khai các hành động cụ thể của chúng ta. Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng, đánh giá cao vai trò của cộng đồng NVNONN. Chúng ta có đội ngũ trí thức kiều bào rất giỏi, bản chất người Việt Nam thông minh, được đào tạo tại nước ngoài trong môi trường khoa học, công nghệ phát triển nên đã có rất nhiều nhà khoa học xuất chúng.

“Trong thời kỳ kháng chiến, rồi đến thời bình, chúng ta triển khai rất nhiều chính sách đối với việc sử dụng và thu hút trí thức kiều bào ở nước ngoài. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dành nhiều sự quan tâm đối với bà con kiều bào ta ở nước ngoài thông qua việc tạo điều kiện về chính sách để thu hút kiều bào đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Kế thừa những chính sách đó, Nghị quyết 36-NQ/TƯ tiếp tục đưa ra những chỉ đạo cụ thể nhằm giúp các bộ, ngành thu hút tối đa nguồn lực trí thức kiều bào đóng góp vào sự phát triển từng lĩnh vực của đất nước” – Thứ trưởng Vũ Hồng Nam nêu rõ.

Trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã và đang từng bước hoàn chỉnh, xây dựng hệ thống chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của tri thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước. Chúng ta đang nỗ lực xây dựng chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với những chuyên gia, tri thức NVNONN; xây dựng và hoàn thiện các chính sách tạo thuận lợi và khuyến khích các ngành, các trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ,... ở trong nước mở rộng hợp tác, thu hút sử dụng chuyên gia, trí thức NVNONN tham gia đóng góp vào các công việc trong nước...

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam cho biết: Ủy ban đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện để kiều bào đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước bằng nhiều cách khác nhau. Ví dụ như: GS.TS vật lý Việt kiều Pháp Jean Trần Thanh Vân với việc xây dựng Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành tại TP. Quy Nhơn (Bình Định); hay GS Ngô Bảo Châu với nhiều đóng góp cho cộng đồng toán học trong nước nói chung và Viện Toán học - Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam nói riêng…

Đặc biệt, ngày 19/5 vừa qua, Bộ Chính trị ra Chỉ thị 45-CT/TW nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW. Đây là một thuận lợi lớn, căn bản. Một lần nữa, công tác đối với NVNONN được khẳng định vị trí hết sức quan trọng.

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam khẳng định: Sắp tới, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ xây dựng chương trình hành động để trình Chính phủ, các bộ, ngành nhằm triển khai tốt hơn nữa Nghị quyết 36 cũng như Chỉ thị 45, trong đó, chắc chắn sẽ nhấn mạnh đến việc tiếp tục thu hút trí thức kiều bào đóng góp cho sự phát triển của đất nước, sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Ủy ban đã, đang và sẽ tiếp tục đề xuất nhiều cách thức thu hút kiều bào nói chung và trí thức kiều bào nói riêng; mục đích là tranh thủ sự đóng góp của kiều bào vào sự phát triển chung, cũng là để họ phát huy sức mạnh của mình vì Tổ quốc.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng, mặc dù có nhiều nỗ lực song trên thực tế, việc huy động chất xám của đội ngũ trí thức kiều bào vẫn còn hạn chế. Tiềm năng trí thức của kiều bào là rất lớn, được đánh giá là một thế mạnh của cộng đồng, nhưng chưa được khai thác thực sự hiệu quả.
 
Vì vậy, để xây dựng một đội ngũ trí thức lớn mạnh, Đảng, Nhà nước cần có một cơ chế đặc biệt, mang tính đột phá nhằm thu hút nguồn lực cả về kinh tế và chất xám của chuyên gia, trí thức kiều bào./.

Nguồn: dangcongsan.vn/ Khánh Linh, ngày 1/8/2015

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất