Ngày 19/10, Hội đồng tư vấn Đối ngoại và Kiều bào Ủy ban TW MTTQ
Việt Nam đã tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội Đại biểu
toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha dự hội nghị.
Theo ông Phạm Văn Chương - nguyên Phó ban
Đối ngoại Trung ương, Phó chủ nhiệm HĐTV về Đối ngoại và Kiều bào, tại
trang 37 nói về “đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền đối ngoại”
đề nghị thêm “đổi mới và tăng cường thông tin về các vấn đề đối ngoại
cho nhân dân trong nước và đồng bào định cư ở nước ngoài”.
Đây là một việc cần làm để tạo sự đồng
thuận xã hội, đoàn kết toàn dân mà lâu nay chúng ta làm chưa tốt hoặc
làm lẻ tẻ theo vụ việc, chưa có hệ thống. Vì thế, người dân ít thông tin
đành phải tìm đến các nguồn không chính thức, nhiều khi gặp những thông
tin sai lệch, những phân tích thiếu khách quan hoặc có dụng ý xấu.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Phú Bình- Phó
chủ nhiệm HĐTV, Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài nhận
định: Về việc hội nhập kinh tế quốc tế, trong báo cáo có nói đến cộng
đồng kinh tế ASEAN, TPP… nước ta chưa chính thức gia nhập nhưng việc đàm
phán đã xong và nó đã ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam rất nhiều.
Mặc dù trong quá trình gia nhập TPP, Việt
Nam có những khó khăn nhất định nhưng rõ ràng cơ hội nhiều hơn thách
thức. Báo cáo Chính trị có đề cập đến việc này nhưng chưa tương xứng.
Có nhiều năm nghiên cứu công tác Mặt trận,
bà Lương Bạch Vân- Chủ tịch Hội Liên lạc với Người Việt Nam ở nước
ngoài TP HCM khẳng định: Ủy ban MTTQ TP HCM đã có văn bản hướng dẫn các
Mặt trận quận, huyện thành lập Ban Liên lạc với Người Việt Nam ở nước
ngoài cấp quận, huyện, phường, xã và phối hợp với chính quyền địa phương
rà soát, tập hợp các gia đình có thân nhân kiều bào, có con em du học
nước ngoài, có người kết hôn với người nước ngoài để tuyên truyền, phổ
biến chính sách của Đảng, Nhà nước về vai trò đối với người Việt Nam ở
nước ngoài.
Tuy nhiên, bà Vân cho rằng: Khó khăn lớn
nhất gây cản trở, vướng mắc cho kiều bào đó là sau khi Luật về người
Việt Nam ở nước ngoài được Quốc hội ban hành nhưng để có hiệu lực thi
hành thì phải chờ Nghị định, Thông tư hướng dẫn nhưng thời gian chờ đợi
rất lâu, gây phiền hà, làm kiều bào nản chí. Thậm chí, nhiều chính sách
có quá nhiều các cơ quan liên quan, mỗi nơi đề ra những Nghị định, Thông
tư thuận lợi cho đơn vị mình, không phù hợp với điều kiện của người
Việt Nam ở nước ngoài.
Ngoài ra, theo bà Vân, bên cạnh việc nới
lỏng các chính sách, Đảng, Nhà nước cũng cần mở rộng đối tượng là người
Việt Nam ở nước ngoài bao gồm: Người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài,
các du học sinh, lưu học sinh và gia đình có người kết hôn với người
nước ngoài. Như vậy, vô hình trung bộ máy của ta sẽ rộng lớn hơn.
Hoan nghênh các ý kiến đóng góp của các
đại biểu, ông Vũ Xuân Hồng- Chủ nhiệm HĐTV Đối ngoại và Kiều bào, Chủ
tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam cho rằng: Trong tổng kết
Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về Người Việt Nam ở nước ngoài cho thấy
nhận thức của bà con Việt Kiều đối với đất nước đã có sự thay đổi.
Tại hội nghị, các đại biểu đã có những ý
kiến sôi động, toàn diện, từ tiêu đề của dự thảo báo cáo chính trị Đại
hội, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn đối với người Việt Nam ở nước
ngoài cho đến những ý kiến mang tính lý luận sâu sắc, quan trọng đã được
đưa ra bàn luận sôi nổi. Những ý kiến trên sẽ được Hội đồng tư vấn tổng
hợp để báo cáo Ban thường trực Ủy ban TW MTTQ Việt Nam.
Nguồn: daidoanket.vn, ngày 20/10/2015