Thứ Ba, 26/11/2024
Bà con kiều bào kỳ vọng vào thế hệ lãnh đạo mới của đất nước
Bà con kiều bào kỳ vọng vào thế hệ lãnh đạo mới của đất nước.

Tận tâm vì quê hương 

Là một Tiến sĩ Sinh học phân tử, sinh sống ổn định ở Canada, cách đây 10 năm, ông Nguyễn Quốc Bình đã bán nhà, ô tô ở Canada rồi đưa vợ con về Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Trở về nước, ông dồn hết tâm huyết vào việc đặt “nền móng” xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh. 

Kể lại những chuyện này, giọng nói của ông vẫn tràn đầy nhiệt huyết, tự hào. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình nhớ lại: “Năm 2003, khi về Việt Nam làm kinh doanh, được biết thành phố muốn xây dựng một trung tâm công nghệ sinh học nhưng chưa có người nào đứng ra tư vấn và xây dựng. Sau khi gặp và thảo luận với ông Nguyễn Thiện Nhân, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh - người phụ trách dự án, tôi quyết định ở lại Việt Nam tham gia xây dựng trung tâm”. 

Ở thời điểm đó, để lãnh đạo thành phố đồng ý đầu tư 100 triệu USD cho một trung tâm nghiên cứu phát triển về Công nghệ sinh học không phải là điều đơn giản. Ông cùng đội ngũ cộng sự của mình làm việc cật lực và đầy tâm huyết. Đến nay, Trung tâm công nghệ sinh học thành phố có gần 100 thạc sĩ, tiến sĩ đang làm việc và tuổi đời đều trên dưới 30; được xem là hiện đại nhất cả nước trong lĩnh vực này. Đáng chú ý, Trung tâm đã có bằng phát minh sáng chế về vắc xin cho cá tra kháng bệnh gan thận mủ. Sự thành công này đã mang lại lợi nhuận cho nông dân hơn 100 triệu USD. Một số vắc xin khác cũng đang được triển khai nghiên cứu, có kết quả tốt; các giống lan mới cũng được lai tạo thành công… 

Để có được thành công này, Tiến sĩ Bình cho rằng, chính những chính sách thu hút trí thức là Việt kiều của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung đã giúp ông có cơ hội trở lại quê nhà phục vụ, cống hiến. “Tôi là một trong những người đầu tiên được thành phố Hồ Chí Minh bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo trong cơ quan Nhà nước. Đây là một trong những ví dụ điển hình về thay đổi cơ chế để sử dụng trí thức Việt kiều. Mặt khác, với cơ chế mới cho phép trả lương đến 150 triệu đồng/tháng cho chuyên gia của thành phố Hồ Chí Minh, có thể nhiều chuyên gia sẽ có điều kiện hơn khi về làm việc tại Việt Nam”, Tiến sĩ Bình chia sẻ. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có các chính sách kịp thời, tạo điều kiện cho bà con kiều bào trên khắp thế giới trở về quê hương làm ăn, sinh sống. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình là một trong những “người con” như thế. Những chính sách “cởi mở” của Nhà nước đã khiến lượng kiều bào trở về nước thăm quê, làm ăn, sinh sống ngày càng tăng qua các năm. Trong số đó, không ít Việt kiều có những đóng góp quan trọng trong vấn đề an sinh xã hội, từ thiện. 

Ông Nguyễn Văn Công, một Việt kiều Pháp trở về nước vào năm 2000 khi tận mắt chứng kiến cảnh trẻ em ở đồng bằng sông Cửu Long cởi quần lội mương đi học, rồi mưa gió có khi lật ghe lật xuồng. Những hình ảnh đó luôn khiến ông bứt dứt, suy tư. Và rồi ông quyết định tập hợp một số kiều bào khác thành lập một nhóm chuyên đi xây những cầu hữu nghị. Hơn 10 năm qua, nhóm của ông đã xây gần 200 cây cầu bê-tông thay thế cầu khỉ, cầu tre ở nông thôn trên khắp mọi miền đất nước. 

Kỳ vọng vào thế hệ lãnh đạo mới 

Sang Đức từ năm 1969 theo diện du học, rồi ở lại sinh sống, lập gia đình và làm việc tại đây nhiều năm, thế nhưng khi liên doanh với Liên hiệp khoa học sản xuất in (nay là Tổng công ty Công nghiệp In - bao bì LIKSIN), ông Tạ Tấn Cường, Việt kiều Đức đã không ngần ngại xin về Việt Nam làm việc. Cách đây 5 năm, gia đình ông chuyển hẳn về Việt Nam sinh sống. Trải qua một thời gian dài theo dõi tình hình kinh tế, chính trị của đất nước, nhất là những đổi mới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII vừa được tổ chức thành công, ông Cường cho biết mình kỳ vọng rất lớn vào thế hệ lãnh đạo mới này. Theo ông Cường, có một điều dễ nhận thấy là nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong nhiệm kỳ mới này đã được đổi mới theo hướng trẻ hóa, kể cả những người trong Bộ Chính trị cũng còn rất trẻ. Ông hy vọng với đội ngũ lãnh đạo này sẽ có những tư duy đột phá để “chèo lái” đất nước trong bối cảnh hiện nay. 

Chia sẻ về những thách thức của Việt Nam trong thời gian tới, ông Cường cho rằng, nước ta có hai thách thức lớn, cần phải tập trung giải quyết, đó là vấn đề chủ quyền và kinh tế. Về vấn đề kinh tế, với xuất phát điểm từ một quốc gia nông nghiệp, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay và theo sự phân công của lao động quốc tế, Việt Nam không thể tránh khỏi “nhiệm vụ” phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay nông sản xuất khẩu của nước ta chủ yếu vẫn dưới dạng sản phẩm thô, người nông dân còn nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Do đó, vấn đề lớn đặt ra cho những người lãnh đạo trong nhiệm kỳ này là làm sao có thể đưa ra những quyết sách đúng đắn để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm nông nghiệp. 

Trở về nước đón Tết cổ truyền năm 2016, Tiến sĩ hóa học Vũ Đức Trinh (Việt kiều Thụy Sĩ) chia sẻ, ông cũng kỳ vọng rất lớn vào thế hệ lãnh đạo mới của đất nước có đủ sức mạnh, quyết tâm đưa đất nước hội nhập sâu vào cộng đồng thế giới. “Tôi thấy nhân sự được bầu chọn trong Đại hội XII có nhiều người mới với tuổi đời còn khá trẻ. Tôi mong rằng những người được lựa chọn lần này, kể cả những người mới và người cũ có đủ quyết tâm bảo vệ và xây dựng đất nước. Nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay, những người lãnh đạo đất nước sẽ có đủ nghị lực, quyết tâm để tiếp tục đổi mới và quan trọng nhất là giúp cho người dân có cuộc sống hiện đại, văn minh, dân chủ. Đó cũng là ý nguyện sâu sắc nhất của bà con kiều bào khắp nơi trên thế giới”, Tiến sĩ Vũ Đức Trinh chia sẻ./.

Nguồn: TTXVN, ngày 1/2/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất