Thứ Bảy, 18/1/2025
Mang điều tốt đẹp đến họ
Các nữ đại biểu trao đổi bên lề hành lang Quốc hội. Ảnh: Như Ý.

Bà đánh giá như thế nào về vai trò và chất lượng của nữ đại biểu Quốc hội trong khóa XIII này? 

Với vai trò, trách nhiệm là Chủ tịch của nhóm nữ đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) hai khóa XII, XIII, tôi thấy tần suất hoạt động của nữ ĐBQH ngày càng được tăng cường. Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH có thống kê thì thấy, tỉ lệ phát biểu của nữ ĐBQH rất cao (hơn 50%), nhất là những vấn đề liên quan đến xã hội như Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật lao động, Luật Trẻ em... Điều đó cho thấy sự tham gia của nữ ĐB tại QH đang ở mức độ rất tốt, vượt qua tỉ lệ sự hiện diện của họ tại QH (24,4%). Thứ hai, tần suất tập trung nhiều hơn liên quan đến những chính sách xã hội, quyền con người, quyền công dân. Tôi nghĩ điều đó hoàn toàn phù hợp vì thường là phụ nữ sẽ quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề đó. 

Về chất lượng hoạt động, cũng khó có thể đưa ra sự so sánh, nhưng nhìn chung trong nghị trường, chất lượng phát biểu của nữ ĐBQH khá tốt. Nhiều đề xuất, đóng góp của nữ ĐBQH cũng được thừa nhận. Ủy ban chúng tôi có 50% là phụ nữ, ý kiến của phụ nữ trong Ủy ban được ghi nhận và tiếp thu khá tốt.

Theo bà, nữ ĐBQH vừa phải lo toan cho cuộc sống gia đình, vừa phải hoàn thành trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cử tri giao phó thì thường gặp những khó khăn gì và phải cân bằng như thế nào, thưa bà?

Phụ nữ ở Việt Nam nói chung, nữ ĐBQH nói riêng không nằm ngoài nền văn hóa mà họ đang sống. Khi làm nữ ĐBQH, người ta phải chia sẻ công việc chung và công việc gia đình. Vì vậy, phụ nữ làm ĐB cần sự chia sẻ, quan tâm của chính người chồng, của gia đình, xã hội. Chính sự chia sẻ đó sẽ giảm đi gánh nặng, giúp người nữ ĐB hoàn thành trách nhiệm của một người ĐB và của một người mẹ, người vợ trong gia đình.

Ranh giới giữa văn hóa và sự phân biệt đối xử ở Việt Nam rất mong manh. Nếu phụ nữ làm việc nhà mà người ta thấy đó là niềm vui, là hạnh phúc và người ta muốn làm điều đó cho chồng con thì tôi nghĩ đó là văn hóa. Còn nếu người ta làm mà cảm thấy bức xúc, ức chế, cảm thấy gánh nặng đang trút lên vai họ thì đó là phân biệt đối xử. Làm sao để văn hóa hướng vào điều tốt đẹp và tạo điều kiện tốt hơn cho phụ nữ để họ làm trọn nhiệm vụ của mình. Nếu chúng ta không ứng xử tốt, biến nó thành sự phân biệt đối xử thì dù là nữ ĐBQH hay phụ nữ bình thường cũng đều cảm thấy vất vả để có thể vượt qua những thách thức đó, để có thể làm tròn trách nhiệm của mình, góp phần “giữ lửa” cho gia đình và xã hội.

 
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai. Ảnh: L.Dũng. 


Để khẳng định vai trò của phụ nữ trong cuộc sống hiện tại, QH khóa XIV tới đây cũng sẽ theo xu hướng tăng vị trí và tăng số lượng của nữ ĐB. Theo bà chủ trương này sẽ mang lại ý nghĩa gì?

Theo kinh nghiệm của tất cả các nước và kiến nghị của Liên minh Nghị viện thế giới, nếu phụ nữ tham gia ở mức thấp nhất 30%, khả năng tham gia và quyết định chính sách sẽ đảm bảo, nếu thấp hơn 30% thì việc tham gia của phụ nữ trong việc đề xuất, hoạch định chính sách sẽ trở nên khó khăn. Những chính sách này có thiên hướng nghiêng về các chính sách xã hội, chính sách liên quan đến phụ nữ và trẻ em.

Vì vậy, QH Việt Nam cũng đang xây dựng mục tiêu 30 - 35% phụ nữ trong các cơ quan nhưng sẽ rất khó khăn để thực hiện mục tiêu này. Chỉ riêng khóa V của QH, lần đầu tiên đạt được trên 30% ĐB nữ, từ khóa VI đến nay thì không đạt được mục tiêu này. Sang khóa XIV, chúng ta đặt ra mục tiêu thấp nhất có 30% nữ ĐB. 

Tuy nhiên, câu chuyện ở đây vẫn là vấn đề chất lượng ĐB. Dù ĐB là nữ, hay nam giới thì cuối cùng vẫn phải làm một việc mà người dân mong muốn là đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng chính đáng của cử tri. Nếu tỉ lệ đông mà không thực sự đại diện được cho tiếng nói của cử tri thì cũng sẽ khó khăn trong quá trình bầu cử.

Tôi mong muốn hình ảnh của nữ ĐBQH ngày càng xuất hiện rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn từ hoạt động của mình, để đáp ứng được sự tin cậy của người dân đối với mình.

Phụ nữ ở Việt Nam nói chung, nữ ĐBQH nói riêng không nằm ngoài nền văn hóa mà họ đang sống. Khi làm nữ ĐBQH, người ta phải chia sẻ công việc chung và công việc gia đình. Vì vậy, phụ nữ làm ĐB cần sự chia sẻ, quan tâm của chính người chồng, của gia đình, xã hội. Chính sự chia sẻ đó sẽ giảm đi gánh nặng, giúp người nữ ĐB hoàn thành trách nhiệm của một người ĐB và của một người mẹ, người vợ trong gia đình.

Nguồn: tienphong.vn, ngày 8/3/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất