Chủ Nhật, 29/12/2024
Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII

 Quang cảnh hội nghị 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo hội nghị Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Diên Hồng (thành phố Hà Nội) có các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đại diện các ban, bộ, ngành trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện các hội, liên hiệp hội, các nhà văn hóa, trí thức tiêu biểu.

Dự hội nghị tại điểm cầu các Tỉnh, Thành ủy, các Đảng ủy trực thuộc Trung ương có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Ban Dân vận Trung ương có các đồng chí cán bộ, đảng viên các chi bộ thuộc Đảng bộ cơ quan Ban Dân vận Trung ương

Xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo hội nghị trình bày Báo cáo kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. 

Báo cáo gồm: Phần thứ nhất “Đường lối, quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa”, phần thứ hai “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước”, phần thứ ba “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.


 Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa
phát biểu tại Hội nghị

Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, ngay từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định 3 mặt trận quan trọng của cách mạng nước ta là chính trị, kinh tế và văn hóa. Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng xác định xây dựng nền văn hóa Việt Nam (bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật) do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới; khẳng định 3 nguyên tắc vận động quần chúng xây dựng văn hóa là “Dân tộc hóa”; “Đại chúng hóa”; “Khoa học hóa”. Tính chất của nền văn hóa mới Việt Nam được xác định là “dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung”.

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công. Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong đó có 2 nhiệm vụ cấp bách thuộc về văn hóa: Một là, cùng với diệt giặc đói phải diệt giặc dốt. Hai là, phải giáo dục tinh thần cho nhân dân.

Sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa tiếp tục được đổi mới, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa từng bước được nâng cao.

Cùng với đó, việc xây dựng môi trường văn hóa đạt được một số kết quả tích cực, đặc biệt việc xây dựng văn hóa trong chính trị được triển khai gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19 từ cuối năm 2019 đến nay.

“Mặc dù đạt được rất nhiều kết quả quan trọng, nhưng qua 35 năm đổi mới, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam còn không ít hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thật sự thấm sâu trong các tầng lớp xã hội. Những năm qua (khi chưa có đại dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam), kinh tế liên tục tăng trưởng cao, đời sống vật chất nâng lên nhưng đời sống văn hóa tinh thần chưa phát triển tương xứng, một số mặt yếu kém, tiêu cực chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, thậm chí gia tăng”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nêu.

Về một số định hướng và giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời gian tới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định mục tiêu xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn. Đồng thời, xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong đó, mục tiêu cụ thể nhấn mạnh đến việc xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam, hệ giá trị con người Việt Nam, gia đình Việt Nam thời kỳ mới tạo môi trường và điều kiện để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, tâm hồn, thể chất; phát huy cao độ lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước. Đồng thời, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Trong đó, ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức, lối sống; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; phát huy vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong xây dựng văn hóa và hoàn thiện nhân cách con người.

Cùng với đó là huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm hoàn thiện các thiết chế văn hóa, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, văn hóa các dân tộc thiểu số, phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật, phát huy các giá trị tích cực trong tôn giáo, tín ngưỡng, phát triển truyền thông đại chúng, truyền thông mới, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, tăng cường hiệu quả nghiên cứu khoa học về văn hóa, nghệ thuật. Xây dựng và quản lý thị trường văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Về một số giải pháp trọng tâm, báo cáo nêu bật 9 nhóm giải pháp, trong đó tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững. Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. 

Đồng thời, hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa. Phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, văn nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý; cho các lĩnh vực then chốt, đặc thù. 

Cùng với đó là xây dựng văn hóa trong chính trị, trong kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội; văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước…

Giải phóng sức sáng tạo, khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa

Trong phần tham luận thảo luận tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đất nước tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành Văn hóa đã tập trung đổi mới tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”; tăng cường “củng cố, xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa” để giải phóng sức sáng tạo, khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa và khuyến khích sự tham gia tích cực của xã hội.

Sau 35 năm đổi mới, nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển, lĩnh vực văn hóa còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Đã xuất hiện các hiện tượng văn hóa tầm thường, dễ dãi, mang tính thị trường; các biểu hiện “lệch chuẩn” trong hưởng thụ văn hóa. Đời sống văn hóa, tinh thần ở một số nơi còn đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa chậm được rút ngắn; chưa có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao; việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa còn gặp khó khăn…

Từ thực tế này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiến nghị Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ để toàn ngành nỗ lực, tập trung thực hiện 6 nội dung. Trong đó, đề xuất phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm để phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam; gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau.

Tại Hội nghị, đại biểu các tỉnh, thành phố, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiêu biểu cũng đã có nhiều tham luận với nội dung  khẳng định rõ hơn vai trò “soi đường cho quốc dân đi” của văn hóa; đồng thời, các tham luận cũng “hiến kế” nhằm khắc phục những bất cập còn tồn tại trong lĩnh vực phát triển văn hóa, đề xuất giải pháp để phát triển những tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực văn hóa của mỗi địa phương, đơn vị… định hướng phát triển văn hóa và con người trong giai đoạn mới, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và  ý thức của con người Việt Nam thời đại mới.

Văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, tổ chức Hội nghị Văn hoá toàn quốc để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực văn hoá là một việc làm rất có ý nghĩa về nhiều phương diện.


 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

"Tôi rất vui mừng và hào hứng được đến dự hội nghị này", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ. Mượn lời tiền nhân “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”, Tổng Bí thư nhấn mạnh sự đồng tình với quan điểm “văn hóa còn thì dân tộc còn”. Văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc nên mất văn hóa là mất dân tộc.

Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hoá và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hoá trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Nhận thức của Đảng về văn hoá ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Đảng ta xác định: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hoá đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.

Nói sâu sắc, ngắn gọn như Chủ tịch Hồ Chí Minh là "Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi!"; nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội; kế thừa những truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, tinh hoa văn hoá của thế giới, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao.

Đồng thời, Đảng ta khẳng định: Con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hoá, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí của phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội; thực hiện bình đẳng giới là một tiêu chí của tiến bộ, văn minh.

Đảng ta khẳng định: Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hoá là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa văn hoá và chính trị, văn hoá và kinh tế; xây dựng văn hoá trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hoá công chức, văn hoá công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đảng ta cũng đã xác định, chủ thể xây dựng và phát triển văn hoá là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng; nhấn mạnh đến phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hoá.


 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện cùng các đại biểu dự Hội nghị văn hóa toàn quốc

Nhìn lại những thành tựu trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là trong 35 năm đổi mới gần đây, chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hoá vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc. Những thành tựu nổi bật cần khẳng định là nhận thức về văn hoá ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn trên các lĩnh vực, các loại hình; các sản phẩm văn hoá ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống và di sản văn hoá của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển. Văn hoá trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả, tích cực. Công nghiệp văn hoá và thị trường văn hoá có bước khởi sắc. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế có bước phát triển mới. Xây dựng con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việc đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây tác hại đến văn hoá, lối sống được chú trọng...

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư biểu dương và cảm ơn những đóng góp to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn thể cán bộ, đảng viên và đặc biệt là của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của các lực lượng tham gia trên mặt trận văn hoá trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Tổng Bí thư cho rằng cũng cần nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hoá, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục. Hạn chế, yếu kém nổi bật được nhắc lại nhiều lần lâu nay là văn hoá chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước.

Vai trò của văn hoá trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Phát triển các lĩnh vực văn hoá chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất. Thiếu những tác phẩm văn hoá, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Môi trường văn hoá vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Sự chênh lệch về hưởng thụ văn hoá giữa các vùng, các miền còn lớn. Đời sống văn hoá ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo còn không ít khó khăn. Nhiều di sản văn hoá quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hoá còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hoá các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hoá. Đầu tư cho văn hoá chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao…

Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hoá chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển văn hoá trong thời kỳ mới. Công tác giới thiệu, quảng bá văn hoá Việt Nam ra nước ngoài chưa mạnh; tiếp nhận tinh hoa văn hoá nhân loại còn hạn chế; chưa coi trọng đúng mức và có biện pháp tích cực để giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc; nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc (nói nặng ra là "vô văn hoá", "phản văn hoá").

Những yếu kém, bất cập nêu trên chậm được giải quyết mặc dù đã được nhắc đi, nhắc lại trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng. Sự yếu kém, khuyết điểm này đã gây hệ luỵ, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đến xây dựng con người và môi trường văn hoá của chúng ta. Đồng thời, Tổng Bí thư nhấn mạnh cần phân tích sâu sắc các nguyên nhân này để tìm cách khắc phục, nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc chấn hưng và phát triển nền văn hoá Việt Nam trong thời gian tới.

Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi"; phát huy giá trị văn hoá và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.

Tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện tốt để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá của dân tộc. Đồng thời bày tỏ tin tưởng một đất nước, một dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của dân tộc. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới. (Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng).

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trân trọng cảm ơn những tình cảm đặc biệt của đồng chí Tổng Bí thư. Đồng thời khẳng định, đây là những chỉ đạo xuyên suốt để thực hiện khát vọng chấn hưng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam./.

Hoàng Phong

 

 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác