Thứ Ba, 19/11/2024
Xem xét một số cơ chế, chính sách đặc thù với TP Hà Nội
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp. 

 

Tờ trình đề nghị xây dựng và dự thảo nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội, nêu rõ: Thời gian qua, TP Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp lớn cho sự phát triển và thu ngân sách nhà nước của cả nước, chia sẻ những khó khăn chung với Trung ương và các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, công tác quy hoạch, quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển; tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập; tình trạng tăng dân cư tự phát gây sức ép lớn đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở khu vực nội thành. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hà Nội đến năm 2020; Kết luận số 22-KL/TW, Kết luận số 46-KL/TW định hướng việc phân cấp, phân quyền về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Hà Nội; Ủy ban TVQH có văn bản đề nghị Chính phủ trình QH ban hành nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội tại kỳ họp thứ chín.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban TVQH tán thành với việc cần thiết ban hành dự thảo nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù là phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đối với TP Hà Nội.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng cho rằng, việc QH ra nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính - ngân sách nhằm bảo đảm để Hà Nội điều hành linh hoạt với cơ chế đặc thù của một thủ đô, trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa lớn. Trước mắt, ưu tiên để Hà Nội đầu tư hạ tầng y tế, giáo dục, môi trường, giao thông… Đồng tình với quan điểm nêu trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Hà Ngọc Chiến nêu khẩu hiệu “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước” đã thể hiện trách nhiệm của Nhà nước, cả nước đối với trái tim thân yêu của cả nước, để Hà Nội phát triển xứng tầm. Thực tế thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều dự án, chương trình giúp đỡ, ủng hộ, phối hợp các địa phương phát triển kinh tế - xã hội đạt hiệu quả rõ rệt. Do vậy, việc ra nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù là vì Hà Nội, góp phần để Hà Nội lo cho cả nước.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban TVQH nhất trí bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 nội dung dự thảo nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội; bổ sung nội dung này vào kỳ họp thứ chín và trình QH theo thủ tục rút gọn thông qua tại kỳ họp này. Đề nghị cơ quan soạn thảo hoàn thiện hồ sơ dự án dự thảo nghị quyết, cơ quan thẩm tra tiến hành thẩm tra chính thức và trình xin ý kiến các đại biểu QH xem xét, thông qua tại đợt 2 tại kỳ họp thứ chín.

Tiếp tục phiên họp buổi sáng, Ủy ban TVQH cho ý kiến, biểu quyết về dự thảo nghị quyết của Ủy ban TVQH quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025; nghe báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết của QH về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Nước CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên hiệp châu Âu và các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EVIPA).

Tại phiên họp buổi chiều, Ủy ban TVQH nghe báo cáo về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến bắc - nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020. Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã trình bày báo cáo, trong đó có đề xuất ba phương án điều chỉnh hình thức đầu tư đường cao tốc bắc - nam. Sau quá trình thảo luận, Ủy ban TVQH lựa chọn phương án 3 trong tờ trình của Chính phủ để trình ra kỳ họp QH thứ chín. Đó là: chuyển đổi sang đầu tư công ba dự án, gồm: hai dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây) và một dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết). Năm dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP. Ủy ban TVQH đề nghị Chính phủ hoàn thiện tờ trình để trình ra QH tại kỳ họp thứ chín để QH xem xét quyết định.

Tiếp tục phiên thảo luận, Ủy ban TVQH xem xét việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu QH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh; cho ý kiến về công tác nhân sự chuẩn bị trình QH.

(nhandan.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi