Thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ: Cần nhanh hơn
Báo
cáo về quá trình thực hiện Nghị quyết 19 ngày 12-3-2015 của Chính phủ,
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết môi trường đầu
tư đã có cải thiện nhưng cần đẩy mạnh tốc độ cải cách. Cụ thể, với việc
ban hành Luật Doanh nghiệp 2014 (có hiệu lực từ ngày 01-7-2015), khởi sự
kinh doanh giảm 5 thủ tục (từ 10 thủ tục xuống còn 5 thủ tục) và giảm
thời gian từ 34 ngày xuống còn 17 ngày, trong đó thời gian đăng ký kinh
doanh còn 3 ngày (Nghị quyết đặt chỉ tiêu 6 ngày). Xếp hạng chỉ số này
sẽ cải thiện từ vị trí 109 lên vị trí 37 (tăng 72 bậc), cao hơn nhiều so
với mức trung bình của các nước ASEAN 6 (vị trí 99) và cao hơn trung
bình của nhóm nước ASEAN 4 (vị trí 70). Luật Doanh nghiệp 2014 có đổi
mới đáng kể trong bảo vệ nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư thiểu số theo
chuẩn mực và thông lệ quốc tế, nhờ đó cải thiện đáng kể điểm số về "Bảo
vệ nhà đầu tư" (từ 3,33 điểm lên 6,2 điểm), theo đó, xếp hạng chỉ số
"Bảo vệ nhà đầu tư" của nước ta sẽ tăng 105 bậc (từ vị trí 157 lên vị
trí 52), đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 6.
Về
chỉ tiêu nộp thuế và bảo hiểm xã hội, trong năm 2014 và đầu năm 2015,
Bộ Tài chính đã ban hành và sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật,
đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính về thuế. Theo đó, số
giờ nộp thuế dự kiến giảm được 380 giờ (từ 537 giờ/năm xuống còn 157
giờ/năm). Tuy vậy, thời gian nộp thuế vẫn chưa đạt yêu cầu của Nghị
quyết và cần tiếp tục giảm thêm 35,5 giờ nữa. Quy trình nộp bảo hiểm xã
hội đã được rút gọn. Thời gian nộp bảo hiểm xã hội dự kiến giảm được 100
giờ, từ 335 giờ/năm xuống còn 235 giờ/năm. Mức giảm này còn khoảng cách
tương đối xa so với mục tiêu là 49,5 giờ/năm, do đó cần tiếp tục giảm
thêm 185,5 giờ.
Như
vậy, tổng thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội dự kiến giảm được 480
giờ và cải thiện 27 bậc, từ vị trí 149 lên vị trí 122. Tuy nhiên, vị trí
này vẫn thấp hơn khá nhiều so với trung bình của các nước ASEAN 6 (vị
trí 67).
Cải cách hành chính để nâng cao hiệu quả quản lý thuế
Đơn
giản về cơ chế, chính sách, thủ tục khai nộp thuế, minh bạch việc xác
định doanh thu khoán và số thuế khoán phải nộp, tin học hoá các quy
trình quản lý... là những giải pháp mà ngành thuế đã và đang quyết liệt
triển khai nhằm cải cách công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh.
Mặc
dù dù tỷ lệ đóng góp trong tổng thu ngân sách nhà nước không cao
(khoảng 2%), song do số lượng khá đông, phạm vi rộng khắp các địa bàn,
nên việc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh thường tốn nhiều chi phí hơn
so với các nhóm đối tượng khác, nhất là về nhân lực.
Xác
định đây là một trong những nút thắt cần phải nhanh chóng tháo gỡ, Tổng
cục Thuế đã xây dựng và triển khai nhiều giải pháp. Về thể chế, đã tiến
hành đơn giản hoá về chính sách thuế, thủ tục khai nộp thuế để người
nộp thuế tự tính, tự khai và tự nộp được thuế (quy định tại Luật số
71/2014/QH13) để áp dụng từ năm 2015; đã áp dụng cách tính thuế theo tỷ
lệ trên doanh thu (nếu trên 100 triệu đồng/năm) thay cho cách tính thuế
phức tạp theo biểu thuế lũy tiến từng phần và thực hiện khai thuế chủ
yếu một năm/lần để cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính
thuế cho hộ kinh doanh.
Tổng
cục Thuế đang tiến hành hoàn thiện quy trình quản lý thuế đối với hộ
kinh doanh theo hướng: tăng cường công khai, minh bạch để người dân,
người nộp thuế, các ban ngành của địa phương được biết và tham gia ý
kiến từ khâu lấy ý kiến về dự kiến mức thuế phải nộp đến sau khi duyệt
và thông báo mức thuế phải nộp; công khai thông tin trên trang thông tin
điện tử của ngành thuế về doanh thu khoán, mức thuế khoán phải nộp của
từng hộ kinh doanh hàng năm, cập nhật sự thay đổi hàng tháng; công khai
đường dây nóng nhận phản ánh của người dân; xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về
doanh thu khoán và mức thuế khoán trên địa bàn theo các chỉ tiêu kinh
doanh như: ngành nghề, diện tích, thời gian, số lượng lao động, số lượng
hóa đơn sử dụng, theo địa bàn: đường phố, phường/quận; thôn, xã/
huyện.., từ đó xây dựng bộ tiêu chí quản lý thuế đối với nhóm đối tượng
này trên cơ sở tăng cường sự giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan
thuế cấp trên, tăng cường trách nhiệm của cán bộ thuế quản lý trực tiếp.
Ngành thuế cũng triển khai đề án đánh giá hiệu lực, hiệu quả của hội
đồng tư vấn thuế xã, phường để tăng cường, nâng cao vai trò và sự giám
sát của các các cấp, các ngành.
Ngoài
ra, nhằm công khai, minh bạch hoá công tác quản lý, cơ quan thuế các
cấp đã tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ đối với hộ kinh doanh;
tranh thủ sự hỗ trợ, phối hợp của các ban, ngành, tổ chức chính trị, xã
hội trên địa bàn trong việc tuyên truyền khi niêm yết công khai lấy ý
kiến về doanh thu, mức thuế khoán, điều tra doanh thu khoán, rà soát đối
tượng quản lý thuế; tuyên dương, khen thưởng người nộp thuế tự giác
chấp hành pháp luật về thuế; khuyến khích hộ kinh doanh phản ánh, tố cáo
các trường hợp cán bộ thuế có các hành vi vi phạm quy định của Luật
Quản lý thuế, Luật Công chức.
Công nghệ thông tin là yếu cản trở cải cách hành chính trong ngành y tế
Ngày
25-6, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính giai
đoạn 2011-2015. Bộ Y tế đang quản lý 386 thủ tục thuộc 15 lĩnh vực,
trong đó có 91 thủ tục hành chính, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính
liên quan tới giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan tới quản
lý dân cư. Bộ đã xây dựng phương án đơn giản hóa 225 thủ tục hành chính,
thực hiện rà soát 8 nhóm thủ tục hành chính trọng tâm và đề xuất sửa
đổi 14 thủ tục, bãi bỏ 1 thủ tục. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim
Tiến, công tác cải cách hành chính của Bộ Y tế thời gian gần đây đã có
nhiều khởi sắc: sự thay đổi về phân cấp quản lý, đơn giản hóa và bãi bỏ
một số thủ tục không phù hợp; giảm thời gian khám bệnh từ hàng giờ xuống
trung bình hiện nay còn 48,5 phút/người bệnh.
Hạn
chế lớn nhất trong cải cách hành chính của ngành y hiện nay là việc ứng
dụng công nghệ thông tin của các cơ sở khám chữa bệnh còn yếu. Năm
2014, mặc dù 100% bệnh viện tuyến trung ương có ứng dụng phần mềm tin
học bệnh viện; ở tuyến tỉnh là 68%, và tuyến huyện là 61%, nhưng mức độ
ứng dụng chưa cao và chưa thể kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa
các bệnh viện.
Xây dựng Trung tâm Hành chính - Chính trị tỉnh Thái Bình
Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý về nguyên tắc Ủy ban nhân dân tỉnh Thái
Bình triển khai công tác chuẩn bị đầu tư Khu trung tâm Hành chính -
Chính trị tỉnh Thái Bình.
Thủ
tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình rà soát kế hoạch
sử dụng đất và hiện trạng cơ sở vật chất của hệ thống trụ sở làm việc
các cơ quan; căn cứ tiêu chuẩn định mức sử dụng trụ sở, định hướng biên
chế của cơ quan hành chính nhà nước để xác định quy mô xây dựng Trung
tâm Hành chính - Chính trị phù hợp. Trên cơ sở đó, chỉ đạo chuẩn bị dự
án đầu tư theo quy định, triển khai từng bước phù hợp với nguồn lực và
theo đúng quy định pháp luật.
Theo
UBND tỉnh Thái Bình, mục tiêu chung xây dựng Trung tâm Hành chính -
Chính trị tỉnh Thái Bình là đảm bảo nơi làm việc tập trung cho các sở,
ngành, cơ quan Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, nâng cao hiệu
quả trong công tác quản lý điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo
thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư đến liên hệ công
việc, đồng thời, tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan đô thị.
Đà Nẵng: Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các kết luận, các chủ trương của lãnh đạo UBND thành phố
Theo
báo cáo của Thành ủy Đà Nẵng tại hội nghị mở rộng lần thứ 22, ngày
25-6, trong 6 tháng đầu năm 2015, Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh cải cách
hành chính, tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến quyền và lợi ích
của tổ chức, công dân như đất đai, giao thông vận tải, đầu tư, quản lý
nhà chung cư, thuế; củng cố, kiện toàn mô hình hoạt động của Bộ phận
tiếp nhận và trả kết quả tập trung tại Trung tâm Hành chính; tăng cường
theo dõi, xử lý trách nhiệm công chức gây chậm trễ hồ sơ.
Lãnh
đạo TP. Đà Nẵng cũng đã quyết định giải thể, hợp nhất 81 tổ chức phối
hợp liên ngành (giải thể 69 tổ chức, hợp nhất 12 tổ chức), đồng thời chỉ
đạo rà soát, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố
cáo. Các cơ quan hành chính và các tổ chức thanh tra đã tiếp 5.495 lượt
công dân; tiếp nhận, xử lý 219 đơn khiếu nại, tố cáo, giải quyết 21/60
đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỉ lệ 32%.
Theo
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng Võ Duy Khương, trong công tác
cải cách thủ tục hành chính, cần lưu ý cải cách thủ tục hành chính ở
ngay tại Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng và hai sở: Xây dựng, Tài nguyên và
Môi trường, làm thế nào cho gọn hơn; tăng cường công tác kiểm tra việc
thực hiện các kết luận, các chủ trương của lãnh đạo UBND thành phố.
"Lâu
nay có tình hình là lãnh đạo kết luận, Văn phòng UBND thành phố ra
thông báo. Thông báo xong, nó đi đâu chẳng biết. Không biết có làm hay
không? Hỏi lại Văn phòng chủ trương đã làm tới đâu, Văn phòng không
biết. Dưới sở cũng quên luôn. Do tình hình này mà việc điều hành rõ ràng
là trì trệ!” - ông Võ Duy Khương nói./.
Nguồn: tapchicongsan.org.vn/ Đức Toàn, ngày 29/6/2015