Thứ Bảy, 11/1/2025
Bộ đội Sư đoàn Sao Vàng "đi dân nhớ, ở dân thương"
Có mặt tại Bệnh xá Sư đoàn 3 - Sao Vàng một ngày giữa tháng bảy, mặc dù gần trưa, thời tiết nắng nóng như nung, nhưng cán bộ, y tá, bác sĩ đơn vị vẫn tất bật khám, chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân. Tại phòng cấp cứu, chúng tôi gặp anh Hoàng Văn Thảo, 32 tuổi, đang chăm sóc vợ. Anh Thảo chia sẻ: "Chiều qua, vợ tôi không may gặp tai nạn xe máy, bị chấn thương sọ não; bệnh viện huyện, tỉnh thì ở xa cho nên tôi đưa vợ vào đây cấp cứu; được các y, bác sĩ đơn vị tận tình cứu chữa nên đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe dần hồi phục. Tôi và gia đình biết ơn bộ đội quân y Sư đoàn rất nhiều !".

Là người phụ trách chuyên môn của Bệnh xá, Thượng úy, bác sĩ Đặng Quang Trung cho biết: Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh cho cán bộ, chiến sĩ, trung bình mỗi tháng còn có từ 300 đến 400 người dân đến Bệnh xá Sư đoàn khám, điều trị bệnh. Tuy lực lượng, trang, thiết bị khám, điều trị còn hạn chế, song với tinh thần vì nhân dân phục vụ, đội ngũ cán bộ, y tá, bác sĩ đơn vị đã nêu cao trách nhiệm, khám, chữa bệnh cho nhân dân như người thân trong gia đình. Một kỷ niệm đáng nhớ là, cuối tháng 6-2014, ở thôn Thanh Lương, xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang), có gia đình tổ chức đám cưới cho con, do khâu an toàn vệ sinh thực phẩm chưa tốt cho nên cùng lúc gần 40 người bị ngộ độc thức ăn, được người thân đưa vào Bệnh xá Sư đoàn cứu chữa. Đơn vị đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện; nhiều cán bộ, y tá, bác sĩ thức thâu đêm suốt sáng để cứu chữa, chăm sóc bệnh nhân. Sau ba ngày điều trị, toàn bộ số người bị ngộ độc thức ăn được chữa khỏi trở về gia đình, trong niềm vui khôn xiết của người thân.

Đại tá Lê Văn Bền, Phó Chính ủy Sư đoàn cho biết: Địa bàn đơn vị đóng quân rộng, có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống; cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm xá..., đời sống cũng như việc khám, chữa bệnh của người dân có nơi còn gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế này, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Sư đoàn đã xác định, tham gia giúp dân xóa đói, giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân không chỉ là trách nhiệm, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim của người lính Sư đoàn. Trong đó, Sư đoàn đã đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân vận khéo" và xây dựng "Đơn vị dân vận tốt", gắn phong trào "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới", tham gia phát triển kinh tế - xã hội", xây dựng địa bàn an toàn, cơ sở chính trị vững mạnh. Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân, Sư đoàn đã chỉ đạo các đơn vị và Bệnh xá Sư đoàn đến bệnh xá các trung đoàn đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng "Bệnh xá văn hóa", "Đơn vị quân y năm tốt", "Chiến sĩ quân y làm theo lời Bác Hồ dạy", gắn thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh... Cùng với đó, cuối năm 2014, tham gia hành trình "Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng", nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22-12), Sư đoàn phối hợp cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện hành trình tại huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), tuyên truyền cho hơn 56 nghìn lượt người dân về thực hiện nếp sống vệ sinh khoa học, phòng ngừa dịch bệnh và dân số kế hoạch hóa gia đình; khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe cho hơn 500 lượt người dân tại hai xã: Hà Mãn và Trí Quả; thăm hỏi, động viên, trao 20 suất quà tặng các gia đình chính sách tại hai xã Ngũ Thái và Nguyệt Đức; trao thiết bị y tế tặng Trạm xá xã Ngũ Thái, với tổng kinh phí thực hiện hành trình gần một trăm triệu đồng.

Thực hiện phong trào thi đua, các cơ quan, đơn vị trong Sư đoàn đã phối hợp tham gia có hiệu quả Chương trình 12 quân dân y kết hợp; thăm, khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách nhân các dịp lễ, tết... "Mỗi năm đơn vị chúng tôi đã khám, điều trị bệnh cho gần 1.000 lượt người dân. Mới đây, anh Nguyễn Khắc Tới, 40 tuổi, ở thôn Thủy Sản, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) không may tai nạn xe máy, bị giập gan và lá lách, đơn vị không chỉ giúp sơ cứu ban đầu, mà còn điều xe ô-tô và cử bác sĩ cùng gia đình chuyển anh Tới về Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều trị. Nếu chậm gang tấc thì anh Tới sẽ không thoát khỏi lưỡi hái tử thần...", Trung tá Dương Văn Quang, Chính ủy Trung đoàn 141 (Sư đoàn Sao Vàng) cho biết.

Bằng việc làm thiết thực kể trên, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn để lại ấn tượng và tình cảm tốt đẹp của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trên địa bàn đóng quân. Phó Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) Trần Quốc Phong, đánh giá: "Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn không chỉ huấn luyện giỏi, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, chung tay xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả, mà còn tích cực tham gia chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bộ đội Sư đoàn Sao Vàng luôn được cấp ủy, chính quyền và nhân dân tin yêu, mến phục "đi dân nhớ, ở dân thương".

Nguồn: nhandan.org.vn, ngày 27/7/2015


Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất