Thứ Bảy, 11/1/2025
Bình Phước: Nỗ lực nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công
 
 Cán bộ bộ phận một cửa thị xã Đồng Xoài giải quyết công việc của nhân dân
- Ảnh: Sỹ Hòa

DẤU HIỆU TÍCH CỰC

Theo báo cáo của Sở Nội vụ, năm 2015, Tổ chức nghiên cứu PAPI không thực hiện công bố xếp hạng chỉ số PAPI đối với các tỉnh, thành trong cả nước mà phân nhóm giữa các tỉnh, thành gồm 4 nhóm: Cao nhất, trung bình cao, trung bình thấp và thấp nhất. Trên cơ sở đánh giá, chấm điểm các nội dung, Bình Phước xếp trong nhóm trung bình thấp của cả nước. Với cách xếp hạng như cũ, theo tổng hợp điểm của Sở Nội vụ, năm 2015, tỉnh tăng 18 bậc về chỉ số PAPI so với năm 2014 (51/63). Trong đó các nội dung về thủ tục hành chính công, trách nhiệm giải trình với người dân, công khai, minh bạch được đánh giá cao.

Kết quả này có được là do năm qua tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó, tập trung xây dựng bộ phận tiếp nhận và trả lời kết quả (TN&TLKQ) từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Hiện toàn tỉnh có 10/11 huyện, thị xã và 2 cơ quan (Sở Kế hoạch - Đầu tư và Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh) TN&TLKQ trực tiếp trên cổng thông tin điện tử. Đây là bước quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa nền hành chính công của tỉnh. Việc vận hành cơ chế “Tiếp nhận, thẩm định tại chỗ” (một cửa, một cửa liên thông) và nguyên tắc “Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo” cho thấy bộ phận TN&TLKQ bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Theo thống kê, đến hết tháng 6-2016, có khoảng 91% thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành được đưa vào giải quyết tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông. Số hồ sơ được giải quyết đúng hạn đạt hơn 96%. Tỷ lệ hồ sơ quá hạn giải quyết thấp nhất thuộc lĩnh vực tư pháp, tài nguyên và môi trường. Ở cấp huyện, thị xã trên 90% thủ tục hành chính đưa vào giải quyết tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông. Mức độ hài lòng của tổ chức, công dân đến bộ phận TN&TLKQ các cấp đạt trên 94%... Ngoài ra, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã phát huy quyền làm chủ, sức sáng tạo của nhân dân. Từ đó giúp nhân dân nhận thức đúng hơn về quyền và nghĩa vụ của mình, chủ động tham gia bàn giải pháp phát triển kinh tế và những vấn đề liên quan đến lợi ích thiết thực tại cộng đồng.

NHƯNG VẪN CÒN KHÓ KHĂN TỒN TẠI

Mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng hiện việc nâng cao chỉ số PAPI vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế. Đó là bộ phận TN&TLKQ đã được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp nhưng diện tích xây dựng phần lớn chưa đạt chuẩn theo quy định, nhất là ở cấp xã. Một số công chức tại bộ phận TN&TLKQ còn hạn chế về kỹ năng hành chính khi tiếp công dân, thiếu nhiệt tình trong công việc, chưa phát huy trách nhiệm của mình. Việc công khai minh bạch các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khung giá đền bù chưa được người dân đánh giá tốt. Theo số liệu điều tra năm 2015, chỉ có 15% người dân biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện nay của xã, phường, thị trấn và 2,9% người dân có dịp đóng góp ý kiến vào việc này. Việc cung ứng các dịch vụ công, như y tế công lập (năm 2015 số hộ dân có bảo hiểm y tế chỉ đạt 56,4%, trẻ em dưới 6 tuổi được miễn phí khám, chữa bệnh chỉ 40%...), giáo dục tiểu học công lập còn hạn chế... Theo đánh giá, một số nội dung chỉ số PAPI của tỉnh vẫn ở nhóm đạt điểm trung bình thấp và nhóm đạt điểm thấp nhất là cung ứng dịch vụ công, kiểm soát tham nhũng khu vực công và sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở.

GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC

Để cải thiện chỉ số PAPI một cách bền vững, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhân rộng các mô hình hành chính công đạt hiệu quả cao. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch làm căn cứ để các cấp, ngành triển khai, khảo sát về sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của đơn vị mình. Trong đó, giao trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị và địa phương, đồng thời yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND các cấp trong tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nội dung của chỉ số PAPI, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bình Phước.

PAPI là chỉ số đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh dựa trên trải nghiệm và đánh giá của người dân khi tương tác với các cấp chính quyền địa phương. Chỉ số PAPI được đánh giá qua 6 nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công. Theo đánh giá của PAPI, trong năm 2015, sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở đạt 4,76/10 điểm; công khai, minh bạch đạt 5,65 điểm; trách nhiệm giải trình với người dân đạt 5,70 điểm; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đạt 5,67 điểm; thủ tục hành chính công đạt 7,28 điểm và cung ứng dịch vụ công đạt 6,32 điểm, là chỉ số đạt thấp nhất so với các tỉnh, thành trong cả nước.

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thành Chương cho biết, trong năm 2016, tỉnh phấn đấu đưa chỉ số PAPI nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có số điểm trung bình khá trong cả nước và tăng dần thứ hạng trong các năm tiếp theo. Do đó, các cấp, ngành trong tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; đổi mới công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở các cấp, ngành và cơ sở, bảo đảm thiết thực, hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia nhiều hơn vào quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển và xây dựng các cơ chế, chính sách của địa phương.

Nguồn: baobinhphuoc.com.vn, ngày 23/7/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất