|
Hội nghị hiệp thương bầu cử lần thứ nhất
do MTTQ tỉnh Nam Định tổ chức diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn. |
Đến
thời điểm này, MTTQ nhiều địa phương đã hoàn tất việc hướng dẫn nội
dung, các bước tiến hành giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND
tỉnh các cấp. Đây được xem là khâu rất quan trọng, bởi có nghiên cứu,
nắm vững nội dung, các bước tiến hành, các cơ quan, đơn vị được phân bổ
giới thiệu người ứng cử mới có thể đảm bảo các yêu cầu dân chủ, đúng
luật, hướng tới mục tiêu lựa chọn, giới thiệu được những ứng cử viên
xứng đáng…
Tỉ mỉ, chính xác
Theo ông Lương Hùng Tiến, Phó Chủ tịch UB
MTTQ tỉnh Nam Định, về tiêu chuẩn đại biểu, ngoài các tiêu chuẩn chung
theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Chính quyền địa
phương, từ đặc điểm riêng của tỉnh, MTTQ tỉnh Nam Định hướng dẫn các đơn
vị, địa phương nên có định hướng: Đại biểu HĐND nói chung có trình độ
THPT; đại biểu công tác trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính
trị từ cấp huyện trở lên nói chung có trình độ chuyên môn từ cao đẳng,
đại học trở lên; đại biểu là cán bộ, công chức xã, thị trấn nói chung có
trình độ chuyên môn và trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.
Đối với cán bộ thuộc diện Ban thường vụ cấp ủy quản lý nói chung cần đủ
tuổi tham gia trọn một nhiệm kỳ.
Liên quan đến việc chuẩn bị cũng như gửi
hồ sơ ứng cử của các ứng cử viên, ông Trần Quý Phong, Phó Giám đốc Sở
Nội vụ tỉnh Nam Định nhấn mạnh đây là một việc rất quan trọng,cần sự tỉ
mỉ, chính xác. Không đảm bảo yêu cầu này sẽ kéo theo rất nhiều phiền
toái, ảnh hưởng đến kế hoạch, chất lượng cuộc bầu cử.
“Chính vì vậy, tại hội nghị hướng dẫn mới
đây, chúng tôi đặc biệt lưu ý các cơ quan, đơn vị, địa phương việc này.
Trong đó phải đảm bảo khai đúng, khai đủ, nhất là về trình độ học vấn,
khen thưởng, kỷ luật, không được viết tắt để tránh hiểu nhầm; việc kê
khai tài sản thực hiện đúng theo Luật Phòng chống tham nhũng. Trên thực
tế, khi lựa chọn bầu ai, không bầu ai cử tri rất chú ý đến những thông
tin này” - ông Phong nhìn nhận.
Giới thiệu ứng cử viên chất lượng
Để đảm bảo tính dân chủ, ông Lương Hùng
Tiến, Phó Chủ tịch UB MTTQ tỉnh cho biết Mặt trận tỉnh cũng rất lưu ý
các địa phương, đơn vị việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri. Theo đó,
ở những nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể và đảm bảo
có ít nhất 2/3 tổng số tham dự; từ 100 cử tri trở lên thì không nhất
thiết phải tổ chức hội nghị toàn thể nhưng phải đảm bảo ít nhất có 70 cử
tri trở lên tham dự…
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn
Hùng Mạnh, Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định- đơn vị đã được hiệp
thương giới thiệu 4 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh -căn cứ vào hướng
dẫn của MTTQ tỉnh, hiện tại Ban đang tập trung chuẩn bị thực hiện 3
bước, gồm dự kiến người ứng cử; tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét cử
tri trong Ban đối với những người được dự kiến, trên cơ sở đó sẽ tổ chức
hội nghị lãnh đạo mở rộng để thảo luận, thống nhất giới thiệu người ứng
cử cụ thể, theo đúng nội dung, quy trình đã được hướng dẫn, đảm bảo đến
hết ngày 13/3 hồ sơ của các ứng cử viên sẽ được gửi đến Ủy ban Bầu cử
tỉnh…
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch
Hội Phụ nữ tỉnh Nam Định khẳng định: các cấp hội trong tỉnh xác định
tham gia tổ chức thắng lợi kỳ bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp tới đây là
nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của Hội.
“Phụ nữ địa phương chúng tôi rất mừng bởi
theo quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp phải đạt từ 35% trở
lên. Tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, cơ quan tỉnh hội cũng được
phân bổ giới thiệu 3 ứng cử viên nữ để bầu vào HĐND tỉnh” - bà Hà cho
hay.
Tất bật chỉ đạo công tác chuẩn bị bầu cử,
Bí thư Huyện ủy Giao Thủy (Nam Định) Phạm Đức Tạ cho biết: quá trình
thực hiện, Huyện ủy chỉ đạo hệ thống chính trị trong huyện phải bám sát
nội dung, quy trình theo hướng dẫn. Đặc biệt lưu ý hệ thống chính trị
trong huyện phải lựa chọn, giới thiệu được những ứng cử viên chất lượng
để giới thiệu bầu tham gia HĐND hai cấp huyện, xã. Bởi lẽ, theo ông Tạ,
đây là hai cấp HĐND gần dân, sát dân nhất, trực tiếp quyết định những
quyết sách liên quan đến đời sống nhân dân địa phương…
Tăng cơ cấu đại biểu cấp cơ sở
Tương tự, đến thời điểm này, qua tìm hiểu
chúng tôi được biết cả hệ thống chính trị tỉnh Thái Bình cũng đang tập
trung cao độ cho công tác bầu cử. Theo ông Đặng Thanh Giang, Chủ tịch
UBMTTQ tỉnh Thái Bình, việc chuẩn bị cơ cấu, thành phần tham gia HĐND
tỉnh nhiệm kỳ này của tỉnh có sự thay đổi quan trọng, đó là tăng cơ cấu
đại biểu cấp cơ sở, giảm số đại biểu khối các cơ quan trên tỉnh.
“Việc này nhằm khắc phục hạn chế của
nhiệm kỳ trước là hầu hết các đại biểu HĐND tỉnh, cụ thể là 51/67 người
sinh sống và làm việc tại thành phố, đến cuối nhiệm kỳ thì không còn đại
biểu nào (các đại biểu sau khi trúng cử một thời gian chuyển lên thành
phố sinh sống- PV). Sự gần gũi, gắn bó của các đại biểu với cử tri khu
vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tỉnh như vậy rõ ràng bị ảnh
hưởng” - ông Giang nêu thực tế.
Trên cơ sở cơ cấu, thành phần, số lượng
đã xác định, thực hiện hướng dẫn của MTTQ tỉnh, các cơ quan, địa phương
trong tỉnh cũng đang thực hiện các bước dự kiến người ứng cử đại biểu
Quốc hội và HĐND 3 cấp.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quý Dương, Chủ
tịch UB MTTQ xã Nam Thanh (Tiền Hải) chia sẻ, cán bộ và nhân dân địa
phương rất mừng khi biết chủ trương của tỉnh kỳ này là sẽ tăng cường cơ
cấu, thành phần đại biểu cấp cơ sở trong HĐND tỉnh, qua đó những quyết
sách của HĐND tỉnh sẽ phù hợp, sát thực hơn với đời sống.
Ông cũng cho hay, xã Nam Thanh có đặc thù
nằm ven biển, không ít bà con trong xã thời gian ở trên biển nhiều hơn ở
trên bờ. Chính vì vậy, ngoài phối hợp chuẩn bị thực hiện các quy trình
bầu cử, thời gian qua hệ thống chính trị địa phương, trong đó có MTTQ xã
đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cử tri địa phương hiểu rõ
mục đích, ý nghĩa của kỳ bầu cử, qua đó chủ động tham gia thực hiện
quyền lợi và trách nhiệm của mình trong đợt sinh hoạt chính trị quan
trọng này…
Nguồn: daidoanket.vn, ngày 5/3/2016