Chủ Nhật, 22/12/2024
Cảnh sát biển Việt Nam đồng hành với ngư dân vươn khơi, bám biển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc
 
 Tặng cờ Tổ quốc, áo phao cho bà con ngư dân đảo Bạch Long Vĩ


Kỳ 1: Xây “điểm tựa” nơi cửa biển

Chúng tôi lên đường ra huyện đảo Bạch Long Vĩ trên tàu CSB 8004 của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 vào một ngày đầu năm 2019. Đúng 05 giờ sáng, khi thành phố Cảng còn đắm chìm trong màn đêm, trên cầu tàu, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển đã quân phục chỉnh tề, thực hiện nghi thức tiễn Đoàn công tác trong tiếng còi tàu vang vọng cả một vùng cửa biển. Con tàu từ từ rời bến, bắt đầu chuyến hành trình mang theo mùa xuân tràn đầy sức sống và chứa chan tình cảm của đất liền đến với huyện đảo tiền tiêu Tổ quốc. Đây là chuyến công tác của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 phối hợp với một số tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”.

Sau chục tiếng đồng hồ hành quân trên biển, chúng tôi cùng Đoàn công tác ra đến Đảo. Chuyến đi lần này tương đối vất vả vì sóng to do gió mùa Đông Bắc thổi mạnh. Quá trình cập tàu để vận chuyển người, đồ đạc lên đảo gặp không ít khó khăn, nhưng nhờ có sự hỗ trợ nhiệt tình của cán bộ, chiến sĩ tàu CSB 8004, đến hơn 16 giờ toàn bộ Đoàn công tác đã lên đảo an toàn.

Đêm giao lưu văn nghệ “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” được Đoàn công tác triển khai ngay sau đó. Mặc cho cái rét như cắt da, cắt thịt trong khuôn viên của Trung tâm văn hóa, thông tin, thể thao huyện Bạch Long Vĩ vẫn tấp nập, đông vui bởi sự có mặt của cán bộ lãnh đạo, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể cùng đông đảo quân, dân trên Huyện đảo và Đoàn công tác. Xen lẫn những tiết mục văn nghệ là các đợt trao tặng quà của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, các nhà tài trợ cho đối tượng chính sách, gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, các cháu học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn. Hơn 120 suất quà với giá trị trên 160 triệu đồng đã được trao tận tay cho từng người. Số tiền tuy không lớn, nhưng đã thể hiện sự quan tâm, động viên kịp thời của cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 1, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đối với các gia đình chính sách, các cháu học sinh nghèo vượt khó trên đảo. Đó còn là tình cảm, trách nhiệm, tấm lòng của cả cộng đồng dành tặng cho những người đang ngày đêm vượt lên khó khăn, thiếu thốn, bám trụ xây dựng, bảo vệ vùng biển, đảo Đông Bắc của Tổ quốc.

Có thể nói, đêm giao lưu thực sự trở thành một ngày hội của Đảo - ngày hội của tình thân ái, sự yêu thương, sẻ chia khi mọi người cùng nhau đốt lên ngọn lửa nhân ái xua tan lạnh giá nơi cửa biển. Chúng tôi được biết, đây là một trong những nội dung hoạt động của mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, mang ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc như ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc Công ty Sáng Ban Mai - Nhà tài trợ của Chương trình, chia sẻ: “Tôi đánh giá rất cao mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”. Là một doanh nghiệp, tôi luôn luôn quan tâm những hoạt động xã hội có ý nghĩa như thế này. Tôi thấy hoạt động này rất hữu ích, giúp cho bà con nhân dân yên tâm bám biển, vừa phát triển kinh tế cho gia đình, vừa góp phần giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.

Các hoạt động sôi nổi trong Chương trình tiếp tục diễn ra ở các địa điểm trên Đảo vào ngày hôm sau. Tại Trung tâm văn hóa, thông tin, thể thao huyện Bạch Long Vĩ, Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 thực hiện nội dung tuyên truyền về biển, đảo và phổ biến quy định của pháp luật khi đánh bắt, khai thác hải sản trên biển; tập huấn kỹ năng sử dụng áo phao, phao cứu sinh cho hàng trăm ngư dân. Còn tại Trung tâm Y tế quân - dân y của Huyện, nhân dân được khám bệnh, tư vấn, cấp thuốc miễn phí. Tận mắt nhìn thấy các bác sĩ, y sĩ tận tình khám bệnh, ân cần tư vấn, hướng dẫn tỉ mỉ, trao tận tay ngư dân những túi thuốc, chúng tôi thấy thật ấm lòng trước tình cảm quân dân. Được biết trong đợt này, Đoàn công tác đã khám bệnh, tư vấn và cấp thuốc miễn phí cho gần 70 lượt người.

Có mặt tại âu cảng Bạch Long Vĩ, chúng tôi cảm nhận được không khí ở đây cũng rất sôi động, náo nhiệt. Do biển động dữ dội nên số lượng tàu, thuyền của ngư dân đến neo đậu tại đây rất đông, trong số đó có nhiều tàu đánh cá xa bờ của ngư dân các tỉnh miền Trung, như: Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Thuận, v.v. Các tổ công tác của Cảnh sát biển tranh thủ tiếp cận các tàu, thuyền để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân với phương châm “thiết thực, hiệu quả”, lấy tư vấn làm trọng tâm; đồng thời, cấp phát hơn 300 tờ rơi, 150 lá cờ Tổ quốc, 100 áo phao, phao cứu sinh cùng hàng chục tủ thuốc, ... cho các tàu thuyền đánh cá trên biển. Đây là những món quà hết sức thiết thực đối với bà con ngư dân. Phao và áo phao giúp bảo đảm an toàn đối với cuộc sống, công việc thường nhật của những người luôn sinh sống, làm việc trên sóng nước biển cả; các tờ rơi tuyên truyền giúp ngư dân nắm được những điều cần biết khi đánh bắt hải sản trong vùng đánh cá chung, tần số các đài canh khi gặp sự cố trên biển, v.v. Những món quà đầy ắp nghĩa tình của cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 sẽ làm ấm lòng bà con ngư dân trong mỗi chuyến ra khơi. Ngư dân Bùi Văn Dũng, quê xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) là thuyền viên trên tàu cá mang số hiệu QNg-97255TS khi nhận lá cờ Tổ quốc và chiếc áo phao, cảm động nói: “Tàu tui đi đánh bắt trên vùng biển Bạch Long Vĩ đã hơn 4 tháng nay chưa về quê. Hôm nay được nhận quà của các anh Cảnh sát biển, anh em bọn tui rất vui và cảm thấy an tâm khi ra khơi làm nghề”. Sau đó, những lá cờ Tổ quốc đã được ngư dân cắm ngay ngắn trên nóc tàu, tung bay giữa mênh mông sóng gió vừa như những cột mốc, khẳng định chủ quyền, vừa thể hiện niềm tin, khát vọng và sức mạnh ngàn đời của dân tộc Việt Nam đối với chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tiếp xúc với những ngư dân mộc mạc, chân chất, quanh năm bám biển ở âu cảng Bạch Long Vĩ, làm chúng tôi nhớ lại chuyến công tác Trường Sa gần đây khi được đi cùng tổ công tác của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 vào Âu tàu đảo Song Tử Tây. Ở đó có khá nhiều tàu câu mực của ngư dân các tỉnh miền Trung vào nghỉ ngơi, bổ sung nhiên liệu và đồ dùng thiết yếu. Khi thấy chiếc xuồng chở bộ đội cập vào mạn tàu mang số hiệu QNa-95579TS, rất đông ngư dân trên tàu đã ngừng làm việc, bắt tay, chào hỏi bằng chất giọng đặc trưng của người dân miền biển Quảng Nam. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, chiếc tàu này do ngư dân Trần Văn Môn làm thuyền trưởng cùng 39 thuyền viên đều quê ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Anh Môn năm nay mới 46 tuổi, nhưng nước da sạm đen, săn chắc, có thâm niên 28 năm làm nghề biển và đã đối mặt với biết bao hiểm nguy, sóng gió, có những lúc tưởng chừng như phải nằm lại dưới đáy biển. Vùng biển quần đảo Trường Sa này anh đã thuộc như lòng bàn tay. Với ánh mắt tự tin, đầy bản lĩnh, anh chia sẻ: “Xã Bình Minh của tui là một trong những địa phương có nhiều ngư dân thiệt mạng trong những cơn bão biển. Biết là hiểm nguy, là vất vả nhưng cái nghiệp do ông cha để lại, tui và anh em đâu dám bỏ. Biển là cuộc sống mà anh”. Nghe anh nói, chúng tôi hiểu rằng, đó chính là phẩm chất của một ngư dân luôn coi biển khơi là quê hương, là nhà của mình. Sau một hồi thăm hỏi, động viên, anh em trong tổ công tác đã trao tặng cờ Tổ quốc, áo phao, rau xanh, thực phẩm tươi, giúp ngư dân phần nào bớt thiếu thốn trong thời gian bám biển, xa đất liền dài ngày; đồng thời, tranh thủ tuyên truyền, hướng dẫn bà con ngư dân những nội dung cần biết khi đánh bắt xa bờ, cung cấp các thông tin tần số vô tuyến của các đài canh cứu hộ, cứu nạn hay phạm vi đánh bắt hải sản cũng như tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Cảm động trước tình cảm của bộ đội, thuyền trưởng Trần Văn Môn nói: “Hôm nay được các anh Cảnh sát biển đến phát tờ rơi tuyên truyền cũng như tặng quà cho tàu, tui rất cảm động và phấn khởi. Tui và anh em càng thêm yên tâm gắn bó với nghề biển mà ông cha đã để lại, yên tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền Trường Sa”.

Thực hiện mô hình dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, các đơn vị Cảnh sát biển đã tổ chức kết nghĩa và phối hợp với cấp ủy chính quyền, đoàn thể địa phương triển khai nhiều hoạt động tại các huyện đảo, xã đảo trải dọc theo bờ biển đất nước. Những năm qua, Vùng Cảnh sát biển 1 đã tổ chức triển khai thực hiện Mô hình tại 02 huyện đảo: Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cô Tô (Quảng Ninh) và xã đảo Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Trong lần tham gia các hoạt động của Mô hình tại huyện đảo Cô Tô, chúng tôi đã được ông Trần Như Long, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Huyện cho biết: “Các hoạt động của mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” rất có ý nghĩa, thể hiện tình cảm, trách nhiệm, sự quan tâm, động viên của cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát biển với nhân dân, ngư dân trên đảo. Qua đó, góp phần củng cố tình cảm mật thiết quân dân, xây dựng nên “bệ phóng” vững chắc nơi cửa biển, giúp bà con ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, bám ngư trường, phát triển kinh tế, xây dựng huyện đảo ngày càng giàu đẹp”.

Việc tổ chức các hoạt động trên huyện đảo, xã đảo, âu cảng nơi cửa biển, với quan điểm “bờ có vững thì ngư dân mới yên tâm bám biển, vươn khơi” là hoạt động thiết thực xây dựng “thế trận lòng dân”, xây dựng các xã đảo, huyện đảo vững mạnh, tạo nền tảng để xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc, rộng khắp trên biển. Cùng với xây dựng “điểm tựa” nơi cửa biển, lực lượng Vùng Cảnh sát biển 1 luôn có mặt trên các vùng biển được phân công, đồng hành cùng ngư dân, sẵn sàng giúp đỡ, cứu hộ, cứu nạn khi cần. Và khi đó, những con tàu Cảnh sát biển lại là “điểm tựa” trên biển, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, dựng lên những “cột mốc sống” cho “phên giậu” trên vùng biển bao la của Tổ quốc.

(tapchiqptd.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất