Thứ Ba, 21/1/2025
Phát huy sức dân trong xây dựng nông thôn mới ở An Thạnh Tây

An Thạnh Tây là một trong những xã đảo của huyện Cù Lao Dung, với 5.924 người sinh sống. Những năm qua, dù còn nhiều khó khăn của một địa phương thuần nông, song chính quyền xã đã tích cực quan tâm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với nhiều giải pháp thiết thực, trong đó chú trọng phát huy sức dân trong xây dựng hạ tầng giao thông, giúp địa phương đạt được những kết quả đáng mừng.

Nếu như những năm trước, người dân nơi đây thường gặp khó khăn trong việc đi lại và vận chuyển nông sản do đường giao thông ở nhiều nơi còn quá hẹp, chủ yếu là đường đất và lầy lội vào mùa mưa, cuộc sống lại khá bất tiện vì một số nơi chưa có điện… thì hiện nay, bộ mặt nông thôn của địa phương đã thay đổi rõ nét. Đến nay, xã An Thạnh Tây đã đạt được 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn ở xã đang ngày càng thay đổi với những con đường giao thông trải bêtông phẳng lì, rộng rãi và sạch đẹp giúp người dân lưu thông thuận lợi; những ngôi nhà tường kiên cố mọc lên ngày càng nhiều nhờ kinh tế phát triển.

Chủ tịch UBND xã An Thạnh Tây Lê Thị Hồng Loan chia sẻ: “Diện mạo nông thôn của xã An Thạnh Tây ngày càng khởi sắc kể từ khi địa phương nỗ lực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, chương trình này đã nhận được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng tình ủng hộ của nhân dân”

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia xã An Thạnh Tây, tính đến tháng 3-2018, trên địa bàn xã có 3 trường đạt chuẩn quốc gia; hệ thống công trình thủy lợi được kiên cố; các cống, bọng được duy tu, nâng cấp, sửa chữa thường xuyên; đời sống người dân được nâng lên đáng kể, nhiều hộ nhờ chí thú làm ăn đã vươn lên khá giàu. Hiện xã chỉ còn 62 hộ nghèo, chiếm 3,9% tổng số hộ toàn xã. Cùng với đó, nhiều hộ dân đã được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh và đa số hộ gia đình đều có điện sử dụng...

Chứng kiến sự đổi thay từng ngày của vùng quê, ông Phạm Văn Trúc ở ấp An Lạc phấn khởi chia sẻ: “Tuyến đường trước nhà tôi hồi trước chỉ là đường mòn, là nền đất nhỏ hẹp nên bà con trong xóm đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa, sình lầy, trơn trượt gây nhiều khó khăn cho các cháu học sinh đi lại. Khi chính quyền địa phương thông tin sẽ làm đường mới và vận động hiến đất mở đường, gia đình tôi và bà con ở đây rất đồng tình, sẵn sàng hiến một phần đất đai của mình để làm. Từ khi có đường sạch sẽ, rộng rãi đã giúp bà con đi lại dễ dàng nên ai nấy đều phấn khởi”.

Cũng theo Chủ tịch UBND xã An Thạnh Tây Lê Thị Hồng Loan, chỉ tính riêng việc thực hiện tiêu chí giao thông, người dân trong xã đã đóng góp khoảng 50% nguồn lực bằng việc hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công lao động, hiến cây cối, hoa màu khi có công trình đi ngang để cùng Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

Ông Trần Phú Quý ở ấp An Lạc cho biết: “Nhiều năm trước, ở khu vực ấp tôi có cây cầu tiếp giáp với xã An Thạnh 1. Do chỉ làm bằng ván, lại hư hỏng xuống cấp nên bà con rất bất an mỗi khi đi qua cầu này. Được chính quyền địa phương vận động, gia đình tôi đã đóng góp kinh phí để xây dựng cầu mới, bà con thì đóng góp ngày công. Đến nay, cây cầu ván ngày nào giờ đã được thay bằng cầu bêtông kiên cố, giúp bà con đi lại và vận chuyển hàng hóa rất thuận tiện”. Ngoài cây cầu này, ông Quý còn đứng ra làm tuyến đường đal dài 100m trong xóm để người dân đi lại thuận tiện trong mùa mưa.

Không chỉ dừng lại ở việc phát huy sức dân trong xây dựng các công trình thiết yếu, UBND xã An Thạnh Tây còn chú trọng phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Đồng chí Lê Thị Hồng Loan cho biết thêm: “Cơ cấu kinh tế của xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trong khi đó người dân còn thu nhập khá bấp bênh. Do đó, trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiến hành chuyển đổi 100ha đất trồng mía kém hiệu quả sang trồng một số loại cây ăn trái khác như: bưởi, nhãn, dừa… Hiện nay, xã đang nắm lại nhu cầu chuyển đổi cây trồng của nông dân để có biện pháp hỗ trợ thích hợp. Đồng thời, sẽ thực hiện kế hoạch nâng Tổ hợp tác mía - màu ở ấp An Phú A lên thành hợp tác xã nhằm giúp nông dân trong hợp tác xã được hỗ trợ phân bón, giống và có thể hỗ trợ vốn sản xuất, được ổn định đầu ra nông sản”.

Cùng với định hướng trên, xã An Thạnh Tây cũng đang tập trung thực hiện 6 tiêu chí nông thôn mới còn lại, gồm: giao thông, điện, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, tổ chức sản xuất, môi trường và an toàn thực phẩm. Do đó, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phấn đấu, duy trì và giữ vững các tiêu chí đã đạt; đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động khơi dậy tinh thần của người dân cùng chính quyền địa phương thực hiện các tiêu chí chưa đạt.

Sau nhiều năm nỗ lực thực hiện, đến nay chương trình xây dựng nông thôn mới đã và đang đi vào cuộc sống của người dân xã An Thạnh Tây. Cùng với 9 xã khác trong tỉnh, hiện An Thạnh Tây đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để có thể về đích xã nông thôn mới trong năm 2018. Với những phần việc, công trình hợp “ý Đảng, lòng dân”, An Thạnh Tây sẽ còn gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp, sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Quốc Kha

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất